Quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn được đào tạo chính trị tại từng cấp

N.ĐOAN 16/03/2022 11:14

(QNO) - Sáng nay 16.3, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 57 ngày 8.2.2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 16.3. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: N.Đ

Tại điểm cầu Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cùng đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh dự hội nghị.

Quy định 57 gồm 4 chương, 12 điều, phạm vi điều chỉnh là đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Về những điểm mới, cần lưu ý tại Quy định 57, theo Ban Tổ chức Trung ương, lần này quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn được đào tạo chính trị tại từng cấp.

Theo đó, đối với trình độ sơ cấp lý luận chính trị, đối tượng là đảng viên; đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung. Tiêu chuẩn các đối tượng trên phải tốt nghiệp THCS trở lên.

Đối với trình độ trung cấp lý luận chính trị, đối tượng đào tạo là cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy định tại khoản 1, Điều 5 của Quy định 57, không trùng với đối tượng đào tạo sơ cấp và cao cấp. Đồng thời, lần đầu tiên quy định rõ đối tượng là cán bộ quân đội, công an.

Tiêu chuẩn của người tham gia đào tạo trung cấp lý luận chính trị thuộc các đối tượng trên phải là đảng viên dự bị hoặc chính thức; tốt nghiệp cao đẳng trở lên (tốt nghiệp THPT trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn); đối với cán bộ học hệ không tập trung: nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên.

Còn đối với trình độ cao cấp lý luận chính trị, đối tượng đào tạo là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện đến Trung ương, không trùng với đối tượng đào tạo trung cấp và phải phù hợp với các văn bản, quy định hiện hành tại Quy định 54, Quy định 105, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.

Tiêu chuẩn của người tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị thuộc các đối tượng trên phải là đảng viên chính thức; tốt nghiệp đại học trở lên; đối với cán bộ học hệ không tập trung: nữ từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên.

Ông Hoàng Đăng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, Quy định 57 bám sát chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác đào tạo lý luận chính trị.

Đồng thời, kế thừa những nội dung còn phù hợp trong các quy định hiện hành, bổ sung một số nội dung mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quy định thống nhất trong một văn bản để thuận lợi thực hiện. Bảo đảm công tác đào tạo lý luận chính trị đồng bộ với các quy định của Đảng về quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ...; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp ủy, cơ quan, cơ sở đào tạo.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề xuất, Trung ương cần quy định giá trị sử dụng của bằng tốt nghiệp sơ cấp, nên có thời gian trong khoảng 10 năm, sau đó phải học lại để cập nhật kiến thức (kiểu như đào tạo lại).

Tiêu chuẩn của Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các cấp không nằm trong đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị, đề nghị Trung ương bổ sung đối tượng này để phù hợp với Hướng dẫn 08 ngày 14.2.2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương “Hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Cùng với đó, xin ý kiến của Ban Bí thư về trường hợp đối với đối tượng có bằng tiến sĩ chuyên môn, nên cho đi học cao cấp, chứ không cần học trung cấp. Để đổi mới công tác đào tạo cần tăng thêm kỹ năng xử lý thực tế, nhất là xử lý tình huống, giảm lý luận.

N.ĐOAN