Đại Nghĩa nỗ lực xây dựng nông thôn mới

TRIÊU NHAN 16/03/2022 07:15

Xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) đang dốc sức nâng cao các hạng mục, tiêu chí để sớm về đích xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

“Ánh sáng đường quê” bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời đi qua thôn Hòa Bắc, xã Đại Nghĩa. Ảnh: H.LIÊN
“Ánh sáng đường quê” bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời đi qua thôn Hòa Bắc, xã Đại Nghĩa. Ảnh: H.LIÊN

Huy động nguồn lực

Trên địa bàn xã Đại Nghĩa, thôn Hòa Mỹ đã được công nhận là “Khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu” vào năm 2017. Năm 2022, Đại Nghĩa phấn đấu có thêm 2 thôn Phiếm Ái 1, Phiếm Ái 2 được công nhận là “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” và năm 2023; địa phương tiếp tục đưa 2 thôn Hòa Bắc và Liên Thuận về đích và tiếp tục nhân rộng sau năm 2023.

Theo ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, bên cạnh nguồn lực địa phương, xã đang chờ sự chỉ đạo của tỉnh, huyện và sự phân bổ nguồn lực từ trên với các phần việc cụ thể nhằm đảm bảo đúng kế hoạch, lộ trình, mục tiêu đề ra. Xã nỗ lực khai thác và huy động đa dạng nguồn lực trong xây dựng NTM, nhất là vận động xã hội hóa để chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách, hỗ trợ xóa nhà tạm...

Năm 2022, xã Đại Nghĩa phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt hơn 637 tỷ đồng, phấn đấu nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng. Đại Nghĩa phấn đấu đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 60 triệu đồng.

Qua làng quê NTM Đại Nghĩa ban đêm, dễ nhận thấy những thay đổi tích cực. Tuyến đường dài chục cây số từ thôn Hòa Mỹ đi Hòa Bắc đến An Lợi Tây vốn là đồng trống, nay được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời nên đi lại thuận tiện hơn. Trước đó, xã đã vận động Tổng Công ty CP Phước Kỳ Nam hỗ trợ gần 100 bóng đèn năng lượng mặt trời cùng trụ đèn thắp sáng đường quê, đảm bảo dân sinh, an ninh trật tự.

“Chi phí kéo lưới điện quá lớn, đây là đồng trống nên việc đầu tư đèn năng lượng mặt trời là hợp lý. Từ khi có đèn đường người dân đi lại đỡ vất vả, bộ mặt NTM ngày càng khởi sắc” - ông Nhớ chia sẻ.

Tăng thu nhập, xóa hộ nghèo

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, để đưa Đại Nghĩa về đích xã NTM nâng cao, cần giải quyết bài toán thu nhập và giảm nghèo. Để đạt mục tiêu trên, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại, kiểm soát dịch bệnh.

Đại Nghĩa xác định cây lúa giống là mặt hàng chủ lực với tổng diện tích 250ha, đồng thời trồng lúa lai F1 theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Trên cây màu, xã đã làm việc với một doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết trồng cây ớt chỉ thiên, nhằm bao tiêu đầu ra cho nông dân và sắp tới sẽ tiếp tục vận động nhân dân trồng bí đao, khoai lang đỏ, đậu xanh theo chuỗi giá trị.

Địa phương cũng hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP như: sản phẩm mì sợi, nấm rơm... HTX Nông nghiệp Đại Nghĩa cũng đã đẩy mạnh ký hợp đồng sản xuất với hơn 80ha lúa lai F1 tại 2 cánh đồng An Lợi Tây, Phiếm Ái 1 và gần 100ha đậu xanh giống tại các thôn Đại Phú, Hòa Mỹ, Liên Thuận, Phiếm Ái 2 và phát huy vai trò là “bà đỡ” của nông dân.

Theo ông Nguyễn Nhớ, để nâng cao thu nhập và xóa hộ nghèo thì bài toán giải quyết việc làm hết sức quan trọng. “Trong khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho cả nghìn lao động.

Điển hình là Tổng Công ty CP Phước Kỳ Nam. Ngoài ra một số đơn vị như lò gạch Thanh Ninh, Công ty Phú Thịnh cũng giải quyết việc làm cho cả trăm lao động. Toàn xã có trên 1.000 lao động làm ăn xa, là nguồn lực góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người cho địa phương” - ông Nhớ nói.

Đại Nghĩa có tiềm năng lớn từ rừng (1.200ha), trong đó hơn 600ha rừng thuộc vùng dự án và rừng phòng hộ, địa phương nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng gỗ lớn, xây dựng mô hình trồng cây mắc ca, giỗi, lát hoa... nâng giá trị kinh tế từ rừng. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,17% (38/3.247 hộ), trong đó có 22 hộ bảo trợ xã hội. Năm 2021, xã giúp 7 hộ thoát nghèo; theo kế hoạch năm 2022 giúp 5 hộ và 2023 là 4 hộ thoát nghèo.

“Để xóa hộ nghèo, bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa trao sinh kế cho người nghèo, xóa nhà tạm, trao quà dịp lễ tết. Bên cạnh đó, địa phương chủ động lồng ghép nguồn lực, nguồn vốn hỗ trợ như Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và các chính sách vì người nghèo” - ông Nhớ nói.

TRIÊU NHAN