Giải bài toán phục hồi du lịch Quảng Nam

PHAN HOÀNG - T.ĐỨC 13/03/2022 07:00

(VHQN) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất: hoạt động du lịch bị “đóng băng”; hầu hết điểm đến du lịch trên thế giới bị đóng cửa; sản phẩm du lịch không được khai thác; nhân sự hoạt động trong ngành du lịch bị thất nghiệp; sự đóng góp của ngành du lịch vào nền kinh tế lùi về số âm…

 

Bước sang năm 2022, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, nhưng nhờ độ phủ của vắc xin ngừa dịch đã đủ rộng và các phương thức phòng chống dịch phát huy hiệu quả, nên nhân loại dường như đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã bắt đầu tính đến phương án chuyển nền kinh tế sang thời kỳ “hậu đại dịch”, mở cửa biên giới quốc gia để đón khách du lịch trở lại.

Báo Quảng Nam tổ chức bàn tròn du lịch với chủ đề “Quảng Nam làm gì để phục hồi phát triển du lịch hậu đại dịch?”, với sự tham gia của những chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa - du lịch.

Du lịch Hội An đã sôi động trở lại. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du lịch Hội An đã sôi động trở lại. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

TS.Nguyễn Thị Hậu (Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh): Xây dựng sản phẩm văn hóa mới để thu hút du khách

 

Tôi cho rằng, cần xây dựng các sản phẩm văn hóa mới để thu hút khách du lịch đến Quảng Nam. Hội An là một thí dụ sinh động cho việc triển khai các sản phẩm trên.

Theo tôi, đô thị cổ Hội An có ba “ADN văn hóa” cơ bản gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu các ADN này biến mất hay biến dạng thì Hội An sẽ không còn là Hội An nữa, thành phố không còn “tài nguyên văn hóa” là “lợi thế cạnh tranh” trong khu vực và quốc tế. Đó là: [1]. Đô thị - thương cảng cổ; [2]. Đô thị dung hợp nhiều nền văn hóa; [3]. Bảo tàng sống của đô thị truyền thống.

Ba ADN này thể hiện tài nguyên văn hóa riêng biệt, độc đáo, bao gồm di sản lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan đô thị của Hội An. Chúng cũng bao gồm truyền thống địa phương và bản địa về cuộc sống cộng đồng, lễ hội, ẩm thực, các sinh hoạt giải trí...

Phương thức khai thác hiệu quả từ di sản văn hóa, đồng thời duy trì và bảo tồn những di sản ấy là phải luôn sáng tạo “sản phẩm văn hóa mới”. Khi yếu tố sáng tạo được chú trọng trong sử dụng và phát huy tài nguyên văn hóa sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn.

Ngoài việc ngành du lịch sử dụng nguồn tài nguyên văn hóa là khu phố cổ thì những sinh hoạt văn hóa khác của Hội An đều có thể trở thành nguyên liệu cho các loại hình nghệ thuật.

Thông qua các ý tưởng, các hoạt động sáng tạo và phương thức kỹ thuật hiện đại, tất cả lớp trầm tích lịch sử - văn hóa đặc thù trở thành nguồn cảm hứng và nguyên liệu cho sự sáng tạo sản phẩm văn hóa mới: văn học, nghệ thuật, hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, sân khấu thực cảnh, nghệ thuật sắp đặt, kể cả những hoạt động thể dục thể thao mang tính nghệ thuật cao...

Nhiều hoạt động văn hóa hiện đại mà cộng đồng là chủ thể đã trở thành “thương hiệu” của thành phố như lễ hội đêm rằm, hội hoa đăng, sân khấu thực cảnh Hội An. Ngoài ra còn hàng chục nghìn tác phẩm nhiếp ảnh, văn học, âm nhạc...

Sự phối hợp và kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hóa với kinh tế di sản (từ hệ thống di tích, lễ hội) và kinh tế du lịch (lữ hành, văn hóa) đã tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển “thương hiệu văn hóa” và hiệu quả kinh tế.

Về lâu dài cần phát triển du lịch có kiểm soát (về số lượng và chất lượng du khách), tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, giảm tải các tác động tiêu cực về môi trường và xã hội đối với khu vực phố cổ.

Có vậy Hội An mới thật sự “bền vững” về văn hóa và từ văn hóa sẽ bền vững về kinh tế - xã hội. Và, từ mô hình của Hội An, có thể nhân rộng ra trong phạm vi toàn tỉnh Quảng Nam, để phục hồi hoạt động du lịch “hậu đại dịch”.

Hiện nay khách có xu hướng đi du lịch theo các nhóm nhỏ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Hiện nay khách có xu hướng đi du lịch theo các nhóm nhỏ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

TS.Đoàn Văn Tín (Khoa Du lịch, Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand): Nên quan tâm phát triển sản phẩm du lịch cho các nhóm nhỏ

 

Hiện nay, “giãn cách” là từ khóa được nhiều người lưu tâm. Tâm lý của người đi du lịch luôn cẩn trọng và hạn chế tập trung nơi đông người.

Theo nghiên cứu về xu thế người Việt đi du lịch năm 2021 của Công ty Tư vấn Outbox Consulting, khách du lịch có xu hướng đi theo các nhóm nhỏ và có sự thay đổi thói quen đi du lịch so với trước đây. Để nắm bắt được xu hướng, một kế hoạch đồng bộ là cần thiết.

Tôi cho rằng du lịch Quảng Nam nên quan tâm phát triển sản phẩm du lịch cho các nhóm nhỏ.

Đối với khách du lịch theo nhóm nhỏ, việc ưu tiên lựa chọn các dịch vụ theo hướng chủ động, tra cứu thông tin điểm đến và đưa ra quyết định nhanh. Thay vì dựa vào các công ty du lịch để sắp xếp lịch trình, họ thường sắp xếp chuyến đi theo điều kiện của nhóm để hạn chế việc bị động trong khâu tổ chức.

Các dịch vụ lưu trú thường ưu tiên cơ sở gần với các khu du lịch tự nhiên và có đầy đủ trang thiết bị. Trên các diễn đàn du lịch, các nhóm nhỏ tìm kiếm villa du lịch có thiết bị bếp để chủ động việc ăn uống khá sôi nổi.

Đối với hoạt động tham quan và giải trí, từ sau khi đại dịch bùng phát, nhiều quốc gia trên thế giới như New Zealand, Úc, Thái Lan… hướng đến các hoạt động du lịch ngoài trời.

Quảng Nam là địa phương có nhiều lợi thế với tài nguyên thiên nhiên, trải rộng từ biển đảo đến rừng núi phía tây. Vì thế, du lịch Quảng Nam cần tạo ra đòn bẩy du lịch mạnh mẽ hơn bằng các giải pháp marketing có sử dụng công nghệ và truyền thông xã hội.

Việc đầu tư truyền thông các điểm đến mới của tỉnh trong thời điểm này là hợp lý. Nó bắt kịp xu hướng đi du lịch đến nơi không quá đông đúc. Kèm theo đó, việc tăng cường sử dụng các kênh thông tin thông qua các blogger du lịch và những người nổi tiếng có thể nhanh chóng tiếp cận với các thị trường trong nước hơn.

Cạnh đó, việc thông tin về công tác phòng chống dịch của địa phương cần được cập nhật và chia sẻ một cách có hệ thống. Quảng Nam đã có những hành động thiết thực khi hỗ trợ du khách quốc tế trong thời gian đầu chống dịch.

Tôi nghĩ, với đối tượng khách nội địa trong hiện tại, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ hợp lý có thể tạo sự an tâm cho các nhóm nhỏ đến du lịch Quảng Nam mà không phải lo lắng sẽ bị kẹt lại nếu dịch bùng phát.

Quảng Nam cần tận dụng các giá trị bản địa để phát triển du lịch sáng tạo.
Quảng Nam cần tận dụng các giá trị bản địa để phát triển du lịch sáng tạo.

ThS.Phan Thị Diễm Hương (Khoa Du lịch, Đại học Huế): Cần lựa chọn loại hình du lịch sáng tạo

 

Giữa bối cảnh đại dịch, ngành du lịch thế giới nói chung, du lịch Quảng Nam nói riêng đã và đang bị đình trệ, phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây chính là cơ hội để phát triển khả năng sáng tạo, đổi mới. Vì thế tôi cho rằng, ngành du lịch Quảng Nam cần lựa chọn loại hình du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng bản địa để phát triển du lịch “hậu đại dịch”.

Du lịch sáng tạo (creative tourism) sẽ là một trong những hình thức du lịch đáp ứng được xu hướng nhu cầu du lịch sau đại dịch. Nếu trước kia, du khách thường đi theo nhóm lớn, ưa chuộng những nơi đông đúc thì bây giờ hình thức du lịch cá nhân và theo nhóm nhỏ, gia đình sẽ lên ngôi.

Trước đây, khách du lịch thông thường thích các hoạt động giải trí để thư giãn và nuông chiều bản thân còn bây giờ họ chú tâm vào các hoạt động trải nghiệm du lịch mang lại sự tái tạo năng lượng cho sức khỏe, tâm lý và tình cảm, thay đổi nhận thức, khám phá bản thân và thế giới.

Du lịch sáng tạo là thuật ngữ xuất hiện vào những năm 2000 với việc nhấn mạnh “sự sáng tạo” trong các dự án phát triển du lịch văn hóa khi hoạt động thăm viếng (sight seeing) các điểm di sản văn hóa trở nên nhàm chán đối với khách du lịch văn hóa.

Động cơ của du lịch sáng tạo là mang lại cho du khách những cơ hội trải nghiệm chân thực, chủ động tham gia các hoạt động sáng tạo để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ cư dân địa phương. Hình thức du lịch này nhấn mạnh sự kết nối, tương tác giữa du khách với các giá trị bản địa, đặc biệt với cư dân địa phương.

Vì vậy, có thể nói rằng du lịch sáng tạo là sản phẩm du lịch văn hóa bền vững bởi nó được phát triển dựa trên nguồn lực địa phương, giá trị bản địa đặc trưng chính là điều kiện tiên quyết của du lịch sáng tạo chứ không phải điều kiện cơ sở vật chất cao cấp.

Ngược lại, những điều kiện như cơ sở vật chất du lịch hay sự quản lý quá mức lại là những yếu tố làm giảm đi cảm nhận của du khách về tính chân thật (authenticity) của trải nghiệm du lịch.

Ngoài ra, du lịch sáng tạo không khai thác mà phát huy các giá trị văn hóa, tri thức, kinh nghiệm sống của cư dân bản địa. Điều này vừa giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa, đồng thời nó cũng vận động, biến đổi và không ngừng phát triển nhờ vào sự đồng sáng tạo của du khách.

Như vậy, để phát triển hình thức du lịch sáng tạo thì ngành du lịch Quảng Nam cần phải biết khách du lịch sáng tạo sẽ làm gì ở điểm đến? Họ có thể học cái gì? Quy trình văn hóa nào ở Quảng Nam mà họ có thể tham dự? Kỹ năng hay kinh nghiệm nào chỉ Quảng Nam mới có?

Điều này đòi hỏi ngành du lịch Quảng Nam phải đổi mới suy nghĩ, nhận thức về điểm đến văn hóa, không chỉ trong việc tạo các sản phẩm thích hợp mà trong việc ban hành chính sách, cơ chế để kích thích hoạt động du lịch hồi sinh và hướng dẫn những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hướng đến việc tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch sáng tạo tại địa phương để thu hút du khách.

Quảng Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh.
Quảng Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh.

TS.Trần Đức Anh Sơn (Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng):Định hướng du lịch xanh

 

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) thì du lịch “hậu đại dịch” sẽ có 4 xu hướng chính: [1]. Du lịch không chạm; [2]. Du lịch tại chỗ; [3]. Du lịch chăm sóc sức khỏe; [4]. Du lịch hướng tới những nơi cô lập và ít được biết đến.

Những xu hướng này sẽ định hình tương lai của ngành du lịch thế giới, ít nhất là cho đến khi đại dịch chấm dứt.

Do vậy, nơi nào có những tiềm năng và thế mạnh, sẵn sàng cung ứng những dịch vụ đáp ứng được 4 xu hướng trên, thì sẽ có cơ hội hồi sinh hoạt động du lịch và phát triển du lịch bền vững.

Quảng Nam là địa phương có đủ điều kiện để đáp ứng 4 xu hướng phát triển trên của du khách và phát triển du lịch bền vững thời kỳ “hậu đại dịch”.

Muốn vậy, Quảng Nam cần thực hiện kết nối xanh để làm định hướng phát triển du lịch trong tương lai. Đó là sự kết nối của 4 yếu tố: điểm đến xanh, hành trình xanh, con người xanh và dịch vụ xanh để hình thành sản phẩm du lịch xanh.

- Điểm đến xanh là điểm đến an toàn, loại trừ tối đa nguy cơ phát sinh và lây nhiễm dịch bệnh tại điểm đến. Điểm đến xanh còn là điểm đến thân thiện với môi trường và tự nhiên.

- Hành trình xanh là hệ thống tour/tuyến tham quan kết nối các điểm đến xanh, được các đơn vị khai thác du lịch thiết kế, vận hành để phục vụ du khách; đồng thời gợi ý cho du khách riêng lẻ tự thực hành, thông qua việc cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

- Con người xanh bao gồm cả du khách, hướng dẫn viên và những người cung cấp dịch vụ du lịch tại nơi lưu trú, điểm đến tham quan, dịch vụ vận chuyển và ẩm thực. Họ là những người “thực sự an toàn” (tiêm đủ 2 - 3 mũi vắc xin, không tiếp xúc với người nhiễm bệnh và nghi nhiễm Covid-19, thực hiện 5K) khi tham gia du lịch xanh.

- Dịch vụ xanh bảo đảm an toàn phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm trong tất cả dịch vụ tham gia du lịch xanh: nơi nghỉ ngơi, phương tiện vận chuyển; điểm ăn uống… đều nằm trong “vùng xanh” theo cấp độ phân chia vùng dịch của các ngành chức năng; sử dụng thực phẩm ngon, sạch, an toàn.

Quảng Nam với những tiềm năng sẵn có, cùng những yếu tố thuận lợi mới xuất hiện, sẽ là những lợi thế quan trọng để thực hành du lịch xanh, phục hồi hoạt động du lịch và phát triển bền vững trong tương lai.

PHAN HOÀNG - T.ĐỨC