Đánh giá thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới, kiêm nhiệm chức danh

N.ĐOAN 12/03/2022 15:05

(QNO) - Sáng nay 12.3, tại TP.Tam Kỳ, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh: Thực trạng và kinh nghiệm” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Các đồng chí Nguyễn Quang Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam chủ trì hội thảo.

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo sáng nay 12.3. Ảnh: N.Đ
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: N.Đ

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương nêu rõ: Những nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt thời gian gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận rất quan trọng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Mới đây nhất là các Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.

Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị

Ngày 7.8.2018, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 34 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 18. Đến tháng 5.2020, Bộ Chính trị có Kết luận 74 về kết quả 2 năm thực hiện các Nghị quyết 18, 19 và 4 năm thực hiện Nghị quyết 39.

Quang cảnh hội thảo sáng nay 12.3. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: N.Đ

Theo ông Nguyễn Quang Dương, trong Kết luận 74, Bộ Chính trị đánh giá, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, các Nghị quyết 39, 18, 19 đã đi vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và đạt kết quả bước đầu, quan trọng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên lãnh đạo, kiểm tra; Quốc hội và Chính phủ kịp thời thể chế hóa nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, nhất là đầu mối bên trong của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; chức năng, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cơ quan, tổ chức, được bổ sung hoàn thiện, từng bước khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo; việc phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới hợp lý hơn.

Một số nơi đủ điều kiện đã mạnh dạn thí điểm mô hình tổ chức và kiêm nhiệm một số chức danh; các đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, bản, ấp, tổ dân phố được rà soát sắp xếp lại. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành được đẩy mạnh; hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế, số lượng lãnh đạo cấp phó, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm nhanh. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.Đ
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.Đ

Tuy nhiên, việc thực hiện các nghị quyết nêu trên vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số quy định, hướng dẫn thực hiện nghị quyết chưa được ban hành đồng bộ, liên thông. Công tác phối hợp trong cụ thể hóa, thể chế hóa chưa chặt chẽ, kịp thời. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự quyết liệt, còn cầu toàn, thiếu chủ động, tích cực.

Một số nơi còn chủ quan, nóng vội trong thực hiện mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm một số chức danh. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và một số địa bàn, lĩnh vực còn mang tính cơ học. Đầu mối trực thuộc một số bộ ngành, đoàn thể Trung ương chưa thực sự tinh gọn, chưa gắn kết với rà soát, bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện

Phó Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Quang Dương nói: “Tại Kết luận 74, Bộ Chính trị yêu cầu 5 nội dung. Trong đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, tổ chức theo hướng giảm đầu mối trực thuộc, giảm trung gian, giảm số lượng cấp phó, cấp hàm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để nâng cao hoạt động, hiệu quả hoạt động, điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm các chức danh, tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm từng mô hình, đánh giá toàn diện tính hiệu quả của việc thí điểm, đề xuất lộ trình, cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định...”.

Tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận số tiền hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa do đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam trao tặng. Ảnh: N.Đ
Tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca (phải) tiếp nhận 600 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trao tặng. Ảnh: N.Đ

Việc tổ chức hội thảo khoa học lần này là dịp để lãnh đạo cấp ủy các địa phương miền Trung - Tây Nguyên cùng thảo luận, nhìn nhận, đánh giá các vấn đề lý luận và thực tiễn; chia sẻ kinh nghiệm thành công, chưa thành công trong triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc đổi mới mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và xác định đây là một trong những khâu đột phá để phát triển.

Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 18 (khóa XII), Quảng Nam đã kịp thời tổ chức quán triệt, ban hành văn bản cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong nghị quyết và đạt nhiều kết quả tích cực.

Qua gần 5 năm thực hiện, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; toàn tỉnh giảm 2 đầu mối cấp sở, 62 đầu mối cấp phòng, giảm 149 lãnh đạo cấp phòng; giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 479 thôn, tổ dân phố; tinh giản 4.046 biên chế.

“Đặc biệt, Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thí điểm 4 mô hình tổ chức mới và 2 mô hình kiêm nhiệm chức danh. Việc thực hiện mô hình tổ chức mới, mô hình kiêm nhiệm chức danh được nghiên cứu, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và có sự cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, thống nhất cao trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy trước khi thực hiện.

Từ đó, nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy và cán bộ, đảng viên. Qua thực tiễn triển khai thực hiện, các mô hình trên cho thấy một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, một số mô hình phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập cần có chủ trương thống nhất của Trung ương” - đồng chí Phan Việt Cường chia sẻ.

N.ĐOAN