Đình làng Bảo An

LÊ THÍ 12/03/2022 08:05

(VHQN) - Bảo An là một làng cổ và làng văn vật thuộc loại hàng đầu của Quảng Nam. Và ngôi đình của làng cũng thuộc loại danh tiếng của tỉnh.

Toàn cảnh đình làng Bảo An.
Toàn cảnh đình làng Bảo An.

Làng Bảo An

Theo một số tài liệu cổ, làng Bảo An (nay thuộc hai thôn Bảo An Tây và Bảo An Đông xã Điện Quang, Điện Bàn) được thành lập từ giữa thế kỷ thứ 15, do tổ tiên của 3 tộc họ chính là Nguyễn, Phan, Ngô, sau đó có thêm Phạm và Thái, vốn có quê gốc ở huyện Nghi Xuân, Thừa tuyên Nghệ An (nay là huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), theo vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm vào năm 1471, sau đó được cắt cử ở lại khai phá vùng đất mới.

Hàng năm vào hai ngày 12 - 13 tháng Giêng tại đình làng Bảo An tổ chức lễ cúng Kỳ yên, cầu sự bình yên và thành đạt cho nhân dân trong làng.

Lúc đầu các tộc họ chính đến khai khẩn ở vùng Hòa Đa, nằm phía bắc sông Thu Bồn, sau mới vượt sông đến khai phá vùng Bảo An này. Từ khi thành lập đến nay làng đã trải qua nhiều tên. Đầu tiên làng có tên Phi Phú (có lẽ đây là làng Thi Phụ trong Ô châu cận lục?).

Sau đổi thành làng Phú An, Phú An Đông, Phú An Tây (dưới thời chúa Nguyễn), Tây Nhị xã (dưới thời Tây Sơn). Sang thời nhà Nguyễn, theo Địa bạ triều Gia Long soạn năm 1812, làng có tên Bảo Đông, Bảo Tây nhị xã. Sau Cách mạng tháng Tám, làng thuộc xã Hoàng Diệu. Sau năm 1954, Bảo An thuộc xã Phú Tân. Từ 1975 đến nay Bảo An thuộc xã Điện Quang.

Ngôi đình hơn 300 tuổi

Ngày trước, thông thường mỗi làng quê của nước ta đều có một ngôi đình. Đó là nơi thờ Thành hoàng, vị thần bảo hộ của làng và phối thờ các vị tiền hiền, hậu hiền là những người có công khai phá lập làng. Đình làng ngày trước cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa truyền thống của làng. Bảo An là làng lớn, văn vật không thể thiếu thiết chế văn hóa quan trọng này.

Một số tài liệu cổ còn ghi lại thì đình làng Bảo An là đình chung của hai làng Bảo An Đông và Bảo An Tây, được xây dựng vào năm Nhâm Ngọ 1702, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725).

Theo khẩu truyền qua nhiều đời thì đình Bảo An xưa được dựng theo kiểu truyền thống 5 gian, 2 chái, phía trong có 1 hậu tẩm, vật liệu làm bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương, mặt quay về phía bắc hướng ra sông Thu Bồn. Ngoài việc thờ Thần hoàng, đình còn phối thờ các vị tiền hiền thuộc các họ Phan, Nguyễn, Ngô, Thái, Phạm, Phan Chi, Lương, Lê, Huỳnh, Phạm Viết, Trần.

Là vùng trũng thấp nằm giữa hai nhánh sông Thu Bồn thường xuyên bị ngập lụt lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, đình làng Bảo An vì thế nhiều lần bị hư hỏng phải trùng tu.

Lần trùng tu có quy mô lớn nhất diễn ra dưới thời Thiệu Trị vào năm Bính Ngọ (1846). Sau hai năm xây dựng đến năm Mậu Thân (1848) thì hoàn thành. Đình được xây dựng trên khuôn viên cũ và được mở rộng. Đặc biệt đình quay về hướng nam, quay mặt ra tuyến đường lớn chạy dọc xuyên suốt cả vùng Gò Nổi.

Sau lần đại trùng tu này, đình làng rất uy nghi: “Cột đình to, một người ôm không xuể, đến nay những tán cột đình cũ vẫn còn lưu giữ tại sân đình. Kèo tránh đều chạm rồng ngậm ngọc.

Nội điện chính giữa thờ thần, phía trước bái đường chia làm năm gian, có một bàn án sơn son thiếp vàng, cao khoảng 1,6m, chạm trổ hình công phu, có cặp hạc cao quá đầu chầu hai bên, bộ tam sự đồng to lớn sáng loáng.

Hai gian phía tây của đình thuộc làng Tây, hai gian phía đông của đình thuộc làng Đông. Bên tả, hữu đều có bàn thờ thờ vọng các ngài tiền hiền, hậu hiền có công với làng.

Phía trước là tiền đường, mỗi làng có một bộ ván bằng gỗ mù u, gồm hai tấm với kích thước 4m x 1,3m để cho hai vị tiên chỉ làng Đông và làng Tây ngồi, còn quan viên cấp thấp thì ngồi trên chiếu bông trải dưới sàn đình; Lý trưởng, Hương chức, Lão nhiêu được ngồi hai bên vệ vôi gần tường đình…” (Bảo An Đất và Người - NXB Đà Nẵng, 1999).

Đình có hai lần bị phá hủy vào các năm 1947 (giặc Pháp dỡ một phần đình để làm đồn), 1967 (máy bay đánh bom). Được phục dựng và trùng tu vào các năm 1955 và 2013.

 Năm 2003, đình làng Bảo An được công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp tỉnh.

Hai câu đối đặc biệt  ở đình làng

Trước đây khi chưa tu bổ, trong tẩm chính của đình phía trên thờ chữ Càn khôn, sau lần trùng tu năm 2013, thấy chữ Càn khôn không phù hợp nên đã thay bằng chữ Thần. Trong tẩm chính có hai câu đối hay: “Bắc địa sơn khê thiên chiếu anh tài cư kiến tạo/ Nam thiên đáo xứ địa linh nhân kiệt khởi giang sơn”.

Một phần câu đối ở trụ biểu trước cổng đình.
Một phần câu đối ở trụ biểu trước cổng đình.

Theo sách Bảo An Đất và Người thì: “Trước đây, phía trước đình có bình phong lớn, trụ biểu, tường hoa bao bọc chung quanh. Trên trụ biểu có cặp câu đối: “Bảo ngã lê dân, tam xã phồn xương Diên Phước chỉ; An như bàn thạch, song giang hoàn nhiễu hộ thần cư”. (Tạm dịch: Hãy giúp dân ta, ba xã giàu sang Diên Phước ở; Vững như tảng đá, đôi sông ôm kín giữ gìn nơi).

Đây là hai câu đối mà Cử nhân Nguyễn Bá Trác cúng cho đình làng đã được Phan Khôi chỉnh sửa (được Nguyễn Bá Trác tâm phục khẩu phục).

Nguyên văn câu đối của Nguyễn Bá Trác: “Bảo ngã tôn tử, lê dân tam xã phồn xương diên phước chỉ; An như Thái sơn bàn thạch song giang hoàn nhiễu hộ thần cư”.

Phan Khôi cho rằng câu đối này nên bỏ bớt mỗi vế hai chữ vì không phù hợp để treo ở đình làng (có chữ tôn tử - con cháu - con cháu ai?) và dư chữ (đã Thái sơn còn bàn thạch). Nguyễn Bá Trác “cứng họng” nên chấp nhận theo ý Phan Khôi.

LÊ THÍ