Mở cửa... bầu trời
(VHQN) - Hàng không là “cánh cửa” hiệu quả bậc nhất cho các điểm đến tiếp cận khách du lịch, nhất là khách quốc tế. “Cánh cửa” này có vẻ như chỉ mới hé mở, so với dư địa du lịch Quảng Nam.
Cất cánh từ bầu trời
Ngược dòng thời gian chừng chục năm trước, du lịch Đà Nẵng bắt đầu “phất” lên bước vào thời kỳ hưng thịnh. Nội lực có. Cộng hưởng từ hai “cực” di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, Huế và Hội An, Mỹ Sơn có.
Nhưng phải đề cập yếu tố xúc tác là sân bay quốc tế Đà Nẵng. Các chuyến bay, tuyến bay nội địa dày lên, đường đi quốc tế mở ra với hơn 30 hãng hàng không quốc tế khai thác và dĩ nhiên khách quốc tế bắt đầu đổ về Đà Nẵng.
Lượng khách Đông Bắc Á, nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc gia tăng đột biến ở Đà Nẵng - Hội An là một chỉ dấu báo hiệu tầm quan trọng của hàng không. Nếu năm 2010, lượng khách Hàn Quốc đến Quảng Nam chỉ khoảng 3.800 lượt (chiếm 0,81% cơ cấu khách quốc tế) thì đến năm 2016 đã tăng lên hơn 83 nghìn lượt (chiếm 8,2%).
Đến giai đoạn 2018 - 2019, thị trường khách Hàn Quốc đã vươn lên trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất của Quảng Nam. Các chuyên gia lữ hành đều chung nhận định, lượng khách gia tăng đột biến những năm gần đây ở Hội An có sự cộng hưởng rất lớn từ sân bay quốc tế Đà Nẵng, vốn chỉ cách TP.Hội An chừng 30km.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, trong năm 2022 các hãng hàng không ở tất cả khu vực trên thế giới đều sẽ ghi nhận sự phục hồi khi nhu cầu đi lại quốc tế có thể tăng trở lại và đạt mức bằng 44% của năm 2019.
Nhận định từ lãnh đạo các hãng hàng không của Việt Nam cũng lạc quan về việc thị trường khách quốc tế vào nước ta qua đường hàng không trong mùa hè chí ít sẽ đạt khoảng 30% so với năm 2019 và tăng nhanh dần vào cuối năm nếu Chính phủ cho phép mở cửa từ tháng 4.2022.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã thông báo về việc không hạn chế khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15.2, báo hiệu “bầu trời” đã mở. Lần này, hàng không xem như đi trước một bước để mở đường phục sinh ngành du lịch.
Tại hội thảo về mở cửa toàn diện du lịch quốc tế diễn ra vào cuối tháng 1.2022, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa bầu trời, tuy nhiên tiến trình khôi phục hoàn toàn như trước đại dịch còn phụ thuộc sự cho phép của nhà chức trách các nước.
Các thị trường quan trọng hàng đầu như châu Âu hay Đông Bắc Á… đều đã có kế hoạch bay và tùy theo nhu cầu thị trường, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tần suất các chuyến bay.
Tín hiệu tích cực khi Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung không chỉ có một mà đến hai lối “cất cánh” lên bầu trời. Ở phía nam, sân bay Chu Lai theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, của Bộ Giao thông vận tải được định hướng phát triển thành trung tâm đào tạo và huấn luyện bay, trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay lớn của khu vực, có khả năng phục vụ các hãng hàng không nước ngoài. Dĩ nhiên, câu chuyện này vẫn nằm ở thì tương lai…
Cánh cửa còn bỏ ngỏ
Trước khi đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, TUI Blue Nam Hội An (Tam Tiến, Núi Thành) thông tin sẽ là cơ sở lưu trú đón hàng trăm nghìn lượt khách quốc tế mỗi năm. Và nếu không thể đáp xuống Chu Lai, thì hầu hết lượng khách cao cấp này cũng sẽ chọn “cánh cửa” hàng không khác.
Lãnh đạo huyện Núi Thành cũng từng thông tin một chi tiết đáng suy ngẫm, thời gian qua một lượng khách không nhỏ từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh “quá cảnh” sân bay Chu Lai rồi sau đó tiếp tục hành trình đi… Quảng Ngãi để ra Lý Sơn du lịch. Cơ hội là sáng sủa, nhưng hàng không và du lịch ở nam Quảng Nam dường như vẫn chưa tìm được sợi dây liên lạc ăn ý.
Sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, trung bình mỗi ngày có hơn 40 chuyến bay đi/đến cảng hàng không Chu Lai, với khoảng 5.000 khách qua khu vực. Phân tích chi tiết hơn thì lượng khách đi thường gấp khoảng 3 lần lượng khách đến. Điều này chứng tỏ sân bay này vẫn đang chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại công việc hơn là dịch vụ - du lịch.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng, biết là khó nhưng phải “đẩy nhanh” hơn việc nâng tầm sân bay Chu Lai. Sân bay Chu Lai đã hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển thành cảng hàng không tầm cỡ và có làm nhanh hay không là do chúng ta thôi.
Đăng ký mở các đường bay quốc tế, mở rộng nhiều chuyến, tuyến bay nội địa. Du lịch - hàng không là “hai cánh” của máy bay, nếu muốn khai thông nguồn khách vào phía nam Quảng Nam, chúng ta phải “thông luồng” bay đưa khách đến.
Với hơn 2.000ha, cảng hàng không Chu Lai là sân bay có diện tích lớn nhất nước ta. Theo định hướng quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Chu Lai vào năm 2030 sẽ là sân bay cấp 4E với năng lực đón 5 triệu lượt khách và 5 tấn hàng hóa mỗi năm.
Hiện nay, cảng hàng không Chu Lai mới chỉ khai thác hai đường bay đi Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. So sánh với hai sân bay thuộc loại nhộn nhịp nhất miền Trung, thì sân bay Đà Nẵng và sân bay Cam Ranh hiện có số chuyến bay đến mỗi ngày gấp hơn 12 lần.
Khát vọng của du lịch Quảng Nam trong tương lai là rất lớn, khi sẽ và phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách với tổng thu nhập xã hội từ du lịch lên đến 45 nghìn tỷ đồng. Chặng đường xa sẽ gần hơn rất nhiều, nếu cánh cửa bầu trời mở ra trọn vẹn…