Hướng mở du lịch miền núi

ALĂNG NGƯỚC 11/03/2022 07:20

Những tiềm năng rồi đây sẽ dần được khai mở giúp các địa phương miền núi thành công hơn với mô hình phát triển du lịch theo chuỗi giá trị sản phẩm độc đáo. Bắt đầu từ Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, với sự đầu tư bài bản và quy mô, được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất ở Trường Sơn Đông.

Nhiều hạng mục công trình phục vụ tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đang hoàn tất, chờ ngày mở cửa đón du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều hạng mục công trình phục vụ tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đang hoàn tất, chờ ngày mở cửa đón du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Thiên đường” giữa rừng

Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đang dần hoàn thiện với nhiều hạng mục công trình phục vụ đón du khách. Theo dự kiến của đơn vị đầu tư, vào đầu tháng 5 tới, các khu vui chơi, tham quan trải nghiệm, tâm linh… sẽ đồng loạt khai trương, tạo điểm nhấn hưởng ứng Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang “khai hội” và mở cửa đón khách, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Cần tham vấn ý kiến già làng Cơ Tu

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, bên cạnh xây dựng và lấy văn hóa đồng bào Cơ Tu làm chủ đạo, đơn vị đầu tư cần nghiên cứu đưa một số nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh để làm phong phú thêm giá trị di sản, phục vụ du khách. Trong đó, đặc biệt chú ý đến văn hóa phi vật thể, từ nghi thức lễ hội, nói lý - hát lý, cho đến các điệu múa tâng tung da dá…

“Trước khi đưa vào khai trương, cần tổ chức một cuộc tham vấn ý kiến từ các già làng có uy tín, những người am hiểu văn hóa cộng đồng Cơ Tu. Phải mời các già làng đến đây để nghe họ góp ý chỗ nào cần bổ sung, chỗ nào không cần thiết để kịp thời chỉnh sửa, đảm bảo các giá trị văn hóa được đưa vào khai thác đúng theo nguyên bản trong văn hóa cộng đồng Cơ Tu ở địa phương” - đồng chí Phan Việt Cường nói.

Ông Nguyễn Anh Tấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (chủ đầu tư dự án) cho biết, bằng sự nỗ lực và quyết tâm, đến thời điểm này, đơn vị đã sẵn sàng mọi điều kiện để tham gia các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia do Quảng Nam đăng cai tổ chức.

Trong các hoạt động đăng ký, đơn vị đặc biệt chú trọng đến các lễ hội văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cũng như không gian tham quan trải nghiệm “thuần tự nhiên”.

Được ví như “thiên đường” giữa rừng, bên cạnh các homestay mang phong cách nhà sàn truyền thống của đồng bào vùng cao, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang hiện diện rất nhiều điểm thưởng lãm độc đáo, hứa hẹn mang đến sắc màu tươi mới cho du khách.

“Để chuẩn bị tốt nhất cho nhu cầu tham quan của du khách, bên cạnh gấp rút hoàn thiện các hạng mục công trình đi kèm, chúng tôi đồng thời triển khai hoạt động tuyển dụng nhân sự, đáp ứng các điều kiện phục vụ chuyên nghiệp đến du khách” - ông Tấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Năm du lịch quốc gia, ở miền núi, ngoài hoạt động tham quan trải nghiệm tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh, có thể tổ chức một chương trình festival riêng để giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế của mình, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang sẽ được lựa chọn để diễn ra các hoạt động, tạo sức hút cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Ngoài không gia văn hóa cộng đồng, nơi này còn có các điểm du lịch tâm linh phục vụ du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ngoài không gia văn hóa cộng đồng, nơi này còn có các điểm du lịch tâm linh phục vụ du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chú trọng văn hóa truyền thống

Tại chuyến kiểm tra thực tế về tiềm năng phát triển du lịch huyện Đông Giang mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang hoàn toàn đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động trong chuỗi sự kiện Năm du lịch quốc gia.

Vì thế, cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, đơn vị cần chú trọng đến các dịch vụ vui chơi, giải trí đi kèm. Trong đó, xây dựng các điểm tham quan gần gũi, tạo không gian mở, thân thiện với thiên nhiên.

Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng cần đặc biệt chú ý đến các lĩnh vực văn hóa bản địa, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhằm vừa khai thác hiệu quả các giá trị độc đáo, vừa góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp chung của cộng đồng.

“Du khách đến đây, người ta mong muốn có thêm nhiều sự mới lạ để trải nghiệm, để thưởng thức. Vì thế, nhà đầu tư nghiên cứu tạo ra các sản phẩm khác biệt gắn với từng câu chuyện, điển tích trong kho tàng văn hóa của đồng bào địa phương.

Ngoài ra, không gian văn hóa làng Cơ Tu được xây dựng tại khu du lịch cần phải được tái hiện một cách chân thực, không nên cách điệu quá mức khiến đi lệch với giá trị văn hóa truyền thống” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Một góc làng văn hóa Cơ Tu được tái hình tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc làng văn hóa Cơ Tu được tái hình tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không nằm ngoài mục tiêu “kép” gắn liền xuyên suốt giữa văn hóa với du lịch, các hoạt động sẽ diễn ra tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang được gợi nhắc cần xây dựng cụ thể các chương trình trước khi mở cửa đón du khách, nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa cộng đồng.

ALĂNG NGƯỚC