Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An: Tăng cường năng lực thích ứng cho hệ sinh thái
Thách thức đe dọa suy thoái hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An luôn hiển hiện trước tác động của biến đổi khí hậu ngày một phức tạp. Tìm kiếm giải pháp thích ứng là hoạt động cấp thiết nhằm bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.
Tại TP.Hội An vừa diễn ra hội thảo “Chia sẻ kết quả chương trình GCRF cộng đồng xanh” xây dựng năng lực cho tương tác bền vững với hệ sinh thái biển nhằm bảo đảm sức khỏe phúc lợi, lương thực và sinh kế cho cộng đồng ven biển.
Chương trình đã cung cấp nhiều dữ liệu, kết quả sau 4 năm triển khai nghiên cứu 8 hợp phần tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Đây khu dự trữ sinh quyển duy nhất trên cả nước được lựa chọn để triển khai chương trình GCRF cộng đồng xanh cùng với 3 khu dự trữ sinh quyển thế giới khác trong khu vực Đông Nam Á.
Sức ép lên hệ sinh thái biển
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, bên cạnh nhiều kết quả bảo tồn, phát triển tích cực, việc quản lý và sử dụng tài nguyên cũng như ứng xử của các bên liên quan trong công cuộc xây dựng, phát triển khu dự trữ vẫn còn không ít hạn chế.
“Môi trường biển, sông tuy chưa ô nhiễm nghiêm trọng nhưng chất lượng nước đã có dấu hiệu suy giảm, sức khỏe các hệ sinh thái bị tác động mạnh bởi hiện tượng khí hậu cực đoan cũng như tác động của con người. Tình trạng săn bắt động vật hoang dã, khai thác trái phép, quá mức nguồn lợi thủy sản đang gây ra sức ép lên hệ sinh thái, thách thức vòng đời của nhiều loài sinh vật” - ông Hùng nói.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có tổng diện tích 33.475ha với vùng lõi là Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, vùng đệm gồm phần biển bao xung quanh cùng toàn bộ hệ thống sông, kênh rạch, ao hồ tự nhiên, vùng đất ngập nước tự nhiên, bãi biển và vùng chuyển tiếp là phần diện tích tự nhiên còn lại của Hội An.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (đơn vị chủ trì thực hiện chương trình nghiên cứu cộng đồng xanh ở Việt Nam) cho thấy, các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An diễn ra chủ yếu vào ban đêm (chiếm 70%) với tần suất nhận thấy khoảng 18 lần/tháng.
PGS-TS.Trần Đức Hậu - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, thời gian khai thác của ngư dân phụ thuộc lớn vào thời tiết, chủ yếu tập trung từ tháng 2 đến tháng 8 nên cũng tương ứng với mùa sinh sản của thủy hải sản. Áp lực của các nghề đánh bắt trong vùng biển thuộc khu dự trữ sinh quyển của ngư dân trong đất liền lớn hơn so với người dân trên đảo.
San hô là hệ sinh thái đa dạng sinh học cao nhất so với bất kỳ hệ sinh thái biển nào và cũng là hệ sinh thái chịu áp lực lớn nhất trước các tác động can thiệp, biến đổi khí hậu.
Kết quả quan trắc rạn san hô tại vùng biển Cù Lao Chàm mới nhất cho thấy, tình trạng sức khỏe rạn san hô ở đây đang có mức độ tốt. Độ phủ san hô sống tương đối cao với độ phủ trung bình toàn vùng Cù Lao Chàm (đạt 55,9%).
Dù vậy, PGS-TS.Đào Ngọc Hùng - chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) dự báo, rạn san hô ở Cù Lao Chàm sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai khi số tuần trong năm có nhiệt độ bề mặt nước biển vượt quá sức chịu đựng của san hô (31,5%) tăng lên rất nhiều lần so với hiện tại.
Điều này gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô, nếu kéo dài sẽ khiến san hô suy thoái và chết. Ngoài ra, các cơn bão mạnh ảnh hưởng cơ học rất lớn đến rạn san hô do bão kèm theo sóng lớn có thể làm gãy cành san hô.
Theo nhiều chuyên gia, một số nguy cơ khác tác động đến hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An hiện nay còn có hoạt động khai thác giã cào, ô nhiễm rác thải nhựa, khai thác du lịch… Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, độ phủ cỏ biển trung bình toàn vùng Cù Lao Chàm năm 2021 đã suy giảm nhiều so với trước đây (chỉ còn 10,3%).
Nâng cao năng lực thích ứng bền vững
Can thiệp vào tự nhiên là điều tất yếu trong tiến trình phát triển. Và can thiệp ở mức độ hợp lý, xây dựng năng lực thích ứng thay vì chống chọi là điều cần thiết để phát huy tối đa giá trị Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cũng như nâng cao sinh kế, đảm bảo đời sống cho cư dân bản địa.
PGS-TS.Trần Đức Hậu đề xuất, các nhà quản lý cần nghiên cứu phân bổ, điều chỉnh khu vực và thời gian khai thác đối với các hệ sinh thái. Tiếp tục mở rộng quy định chặt chẽ hơn về thời gian, ngư cụ khai thác cũng như kích thước các loài được phép đánh bắt, giảm thiểu tối đa khai thác vào mùa sinh sản.
Còn PGS-TS.Đào Ngọc Hùng nhận định, phát triển ngành thủy sản theo hướng nuôi biển tại khu sinh quyển là một xu hướng phù hợp để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai.
Vấn đề phân bổ lại chi phí và lợi ích trong hoạt động phát triển du lịch vẫn là điều trăn trở lâu nay. Giới hạn du khách, tăng phí tham quan, cam kết hợp tác chặt chẽ hơn từ các công ty lữ hành, thiết kế sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sinh thái… là các giải pháp được đề xuất nhưng vẫn chưa có phương án rõ ràng, cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhìn nhận: “Việc phân phối lại chi phí, lợi ích theo hướng cộng đồng địa phương được hưởng lợi nhiều hơn là điều đúng đắn. Tuy nhiên cơ quan quản lý hiện rất cần tư vấn các phương án phù hợp để có cách tiếp cận, chia sẻ lại thành quả từ công tác bảo tồn lâu nay”.
GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia “Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam” cho rằng, Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cũng như các cơ quan quản lý liên quan cần đưa kết quả phân tích của chương trình cộng đồng xanh để hình thành chuỗi kết quả phân tích dữ liệu lớn tác động biến đổi khí hậu lên môi trường sống các loài sinh vật liên quan.
Từ đó, phân vùng không gian bảo tồn, đa dạng sinh kế cư dân và có kế hoạch quản lý, bảo tồn nuôi trồng bền vững ở khu vực này. Hội An cũng cần đầu tư cho công tác nghiên cứu phân vùng không gian để thích ứng với biến đổi khí hậu, đề xuất tỷ lệ và lựa chọn mùa đánh bắt hợp lý trong công tác quản lý bền vững khu sinh quyển.