Tết xa nhà đầu tiên
(VHQN) - Hầu như các bang của nước Mỹ đều có người Việt sinh sống, nhưng nhiều nhất là ở bang California (dân Việt bên này thường gọi tắt là Cali). Vì thế, tết âm lịch của cộng đồng người Việt ở Cali là tết to nhất, mang nhiều “chất” Việt nhất.
Ngoài lý do đây là “thủ phủ” của người Việt ở Mỹ thì còn do nơi đây có khí hậu và thời tiết thuận lợi để “ăn” tết hơn những nơi khác. Trong khi những tiểu bang ở bờ Đông hay ở miền Bắc nước Mỹ đang chịu cái rét vài chục độ âm, tuyết phủ tứ bề thì ở các thành phố miền Nam Cali như Santa Ana, Garden Grove, Ontario… “trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn hanh vàng”, thuận tiện cho người Việt tổ chức và tham gia hội hè, lễ tết.
Người Việt thường để dành ngày phép cho dịp tết ta. Chỉ những ai không thể sắp xếp thời gian nghỉ phép mới phải đi làm và “hưởng” Tết Nguyên đán vào ban đêm hoặc vào dịp cuối tuần. Dù sống ở Mỹ lâu hay mới qua, thì người Việt vẫn duy trì nhiều lễ tục đón Tết Việt, từ cúng kiếng, đón giao thừa, đi lễ đầu năm, thăm viếng bà con, bằng hữu và đi… hội chợ tết.
Và đây là cái tết xa nhà đầu tiên của tôi - một sinh viên Việt Nam ở Mỹ.
Chúng tôi là nhóm sinh viên quê ở Đà Nẵng, Huế và Hà Nội, đang theo học tại trường Đại học Bắc Kentucky (Kentucky University). Trường chúng tôi nằm ở một thành phố thuộc vùng Trung Nam của nước Mỹ, khá hẻo lánh, không có nhiều người Việt. Tuy nhiên, cách trường 30 phút xe hơi là thành phố Cincinnati, thuộc tiểu bang Ohio, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Ở đó có một số khu chợ châu Á có bán nhiều thực phẩm Việt Nam.
Hai bảy tháng Chạp, chúng tôi đi chợ châu Á ở Cincinnati mua các loại nguyên liệu để nấu món ăn Việt Nam như: miếng dong, đậu xanh, giá chua, rau hành và nhiều thứ gia vị khác. Riêng tôi chọn mua 1kg gừng tươi và 2kg đường cát. Các loại thịt heo, thịt gà, thịt bò… và những rau quả ôn đới thì siêu thị ở gần trường có bán đầy đủ.
Chiều, chúng tôi tụ tập ở căn nhà trọ của nhóm bạn sinh viên năm thứ 2, cách trường 15 phút đi xe bus. Các bạn trổ tài nấu món ăn Việt Nam. Tôi thì gọt gừng, rửa sạch, xắt mỏng để làm mứt.
Mất chừng 3 tiếng thì bữa tiệc tất niên tiễn năm cũ đón năm mới Nhâm Dần đã chuẩn bị xong, gồm: bánh chưng, bánh tét đặt mua online từ tiểu bang bên cạnh; dưa món, tương ớt, thịt heo dầm mắm… mua từ chợ châu Á; mấy bạn nữ trong nhóm làm các món: miến gà, nem rán, xôi và chè đậu xanh. Ngoài ra còn có mứt gừng do tôi làm và vài loại mứt trái cây do các bạn đặt mua đâu đó trên internet.
Chúng tôi, nữ thì diện áo dài, nam thì đóng bộ complet để chụp hình và quay clip trước khi vào tiệc. Một nghi thức nho nhỏ được các anh chị sinh viên năm thứ 2 bày ra là cả nhóm cùng thắp hương, đọc lời cầu nguyện cho một năm cũ đầy khó khăn qua đi - nhất là chúng tôi phải vượt qua vòng vây của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam để bay sang Mỹ vào hồi cuối tháng 7.2021- và chào đón năm mới vui vẻ, an toàn và hanh thông mọi sự.
Chúng tôi hẹn nhau tập trung ở thư viện của trường vào trưa 29 tháng Chạp, là lúc bên Việt Nam đón giao thừa, để gọi Facetime về chúc tết ba mẹ và người thân ở bên nhà, vì thư viện là nơi có sóng wifi mạnh nhất.
Mùng 2 và mùng 3 Tết, nơi chúng tôi đang ở có tuyết rơi dày, nên ngoài giờ đến trường, thì ai cũng ở yên trong nhà hay ký túc xá. Thứ Bảy (mùng 5 Tết Nhâm Dần), tuyết ngừng rơi, trời nắng đẹp, chúng tôi hẹn nhau vào thành phố, ghé thăm chùa Phật Bảo, ngôi chùa Việt duy nhất ở đây, lễ Phật, thỉnh chuông và nghe sư thầy chúc tết. Sau đó thì cả nhóm kéo nhau đi uống café đón mừng năm mới.
Đến tối, cả nhóm trở lại căn nhà trọ của các anh chị sinh viên năm thứ 2, tìm xem còn món ăn gì còn sót lại thì bày một bữa tiệc, gọi là “tống tiễn Tết Nhâm Dần” - cái tết xa nhà đầu tiên của một sinh viên năm nhất như tôi.