Mở cửa thị trường du lịch quốc tế: Vẫn thấp thỏm trước "giờ G"

QUỐC TUẤN 08/03/2022 05:41

Sự khấp khởi của doanh nghiệp du lịch trước “cột mốc” mở cửa du lịch quốc tế toàn diện vào ngày 15.3.2022 đang dần chuyển sang thấp thỏm bởi đến sát “giờ G”, mọi thứ vẫn chưa cụ thể.

Du lịch Hội An được đánh giá có cơ hội phục hồi nhanh một khi du lịch quốc tế mở cửa toàn diện. Ảnh: Q.T
Du lịch Hội An được đánh giá có cơ hội phục hồi nhanh một khi du lịch quốc tế mở cửa toàn diện. Ảnh: Q.T

Chưa có phương án chính thức

Thời gian qua, Bộ VH-TT&DL đã có nhiều nỗ lực để hoạt động du lịch quốc tế sớm phục hồi, trong đó có việc xây dựng phương án mở cửa du lịch quốc tế.

Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ, Bộ VH-TT&DL vẫn giữ quan điểm cởi mở với du khách quốc tế khi mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 15.3 với sự thống nhất cơ bản của hầu hết các bộ, ngành liên quan.

Theo đó, du khách quốc tế muốn vào Việt Nam cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Quy định này nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng cũng linh hoạt tạo điều kiện cho các thị trường khách xa, có thời gian bay dài hoặc gặp vấn đề bất khả kháng do chậm trễ trong quá trình nhập cảnh.

Bộ VH-TT&DL cũng kiến nghị du khách trong 24 giờ đầu nhập cảnh về thẳng nơi lưu trú, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 sẽ tham gia các hoạt động du lịch bình đẳng như khách nội địa.

Dù vậy những ngày qua, phần lớn doanh nghiệp ngành du lịch đang có chung tâm trạng hụt hẫng với góp ý của Bộ Y tế về dự thảo phương án mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch.

Bộ Y tế khuyến cáo, trong vòng 3 ngày từ khi nhập cảnh, du khách không rời khỏi nơi lưu trú; trường hợp trong ngày thứ 2, thứ 3 muốn rời khỏi nơi lưu trú thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính mỗi ngày.

Ngoài ra, du khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 muốn rời khỏi nơi lưu trú phải xét nghiệm liên tục hàng ngày…

Đoàn khách quốc tế thí điểm tham quan phố cổ Hội An cuối năm 2021. Ảnh: Q.T
Đoàn khách quốc tế thí điểm tham quan phố cổ Hội An cuối năm 2021. Ảnh: Q.T

Phương án chính thức dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt trước thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch (15.3).

Thấp thỏm chờ đợi

Tính đến ngày 2.3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận “hộ chiếu vắc xin” với 15 nước. Trong đó có một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Úc, Ấn Độ...

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chúng ta đừng quá kỳ vọng rằng sẽ có “làn sóng” khách vào nước ta ngay sau tuyên bố mở cửa du lịch.

Đi kèm với mở cửa cần phải sớm khôi phục chính sách thị thực (visa) ít nhất là như trước năm 2020, các hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng phải được thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả.

Khách quốc tế sẽ còn e dè một khi còn áp dụng quy định cách ly tại nơi lưu trú và phải xét nghiệm trước khi ra ngoài. Ảnh: Q.T
Khách quốc tế sẽ còn e dè một khi còn áp dụng quy định cách ly tại nơi lưu trú và phải xét nghiệm trước khi ra ngoài. Ảnh: Q.T

Với đặc tính của thị trường khách quốc tế, nhất là các thị trường xa, du khách phải mất ít nhất vài tháng để lên lịch cho chuyến du lịch. Khi các thông tin, quy định vẫn còn bỏ ngỏ, hầu hết đơn vị du lịch không có cơ sở để chốt tour cho du khách.

Bà Phạm Quế Anh - Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Quảng Nam, Giám đốc điều hành Công ty Hội An Express cho hay: “Thực ra nói là mở cửa du lịch ngày 15.3 nhưng vẫn còn nhiều dấu hỏi với doanh nghiệp du lịch.

Doanh nghiệp cần thông tin chính thức về các quy định cơ bản cũng như chính sách về y tế thế nào, visa ra sao…

Tới thời điểm hiện tại chính sách về visa vẫn chưa khởi sắc, có nghĩa là không tự xin visa được. Nên chúng tôi dự báo sẽ không có lượng lớn khách quốc tế đổ vào ngay”.

Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt - Đà (VIETDA Travel) nói: “Nếu vẫn còn quy định cách ly tại nơi lưu trú thì thực sự rất khó để tạo đột phá ở thị trường khách quốc tế.

Bởi lúc đó doanh nghiệp du lịch sẽ loay hoay với nhiều loại giấy phép, quy định trong khi khách sẽ cân nhắc bởi giá thành tour bị đẩy lên cao, cộng thêm sự gò bó trong chuyến đi”.

Ông Lộc nhận định thêm, hiện nay nhiều quốc gia trong khu vực đã tạo điều kiện hết sức thông thoáng để phục hồi toàn diện du lịch và nếu “cánh cửa” du lịch quốc tế không sớm “mở toang” thì du lịch nước ta sẽ tiếp tục thất thế và thiệt hại rất lớn không chỉ gói gọn trong ngành du lịch.

Với đặc thù khách quốc tế chiếm tỷ trọng lớn (thường xuyên hơn 60% hàng năm) như Quảng Nam, việc chưa tiếp cận được khách quốc tế, nhất là khi Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 sắp khai mạc là một lực cản không nhỏ trong việc phục hồi du lịch.

Bà Văn Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: “Thời gian qua chúng tôi tích cực kết nối với các đơn vị lữ hành, tuy nhiên đến giờ này vẫn chưa có động tĩnh gì và chưa xác định được thời điểm cụ thể để khách quốc tế trở lại với Mỹ Sơn.

Năm 2022, khu đền tháp Mỹ Sơn dự kiến đón khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế, nhưng nếu tình hình mở cửa vẫn lừng khừng thì thực sự rất khó để đạt được mục tiêu này”.

QUỐC TUẤN