Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025: Mục tiêu cao, giải pháp đồng bộ
Nghị quyết số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý và đặc biệt là đảm bảo cả đức lẫn tài.
Tăng cả lượng và chất
Ngày 15.12.2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 16 về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo ông Zơrâm Buôn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang, thực hiện Nghị quyết 16, đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực, tăng về số lượng, không ngừng được nâng lên về chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên. Nhiều chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 16 đạt và vượt.
Tỷ lệ cán bộ người DTTS cấp xã có trình độ đại học chuyên môn đạt 87%, vượt 37%; còn đối với cấp huyện đạt 98,93%. Có 1.001 cán bộ người DTTS được quy hoạch ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn nhiệm kỳ 2020 - 2025 (tỷ lệ 85,8%), tăng 144 đồng chí so với nhiệm kỳ trước đó.
Có 231 người được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (tỷ lệ 57,8%), tăng 75 đồng chí; đối với cấp tỉnh, có 13 người được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (tỷ lệ 11,40%), tăng 3 đồng chí so với nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Nhờ làm tốt công tác cán bộ, Tây Giang đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt cán bộ, đặc biệt là nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhân sự bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cũng theo ông Zơrâm Buôn, trên cơ sở quy hoạch, huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm và 5 năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn và đào tạo cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh.
Đồng thời quan tâm đào tạo cán bộ, công chức trẻ, cán bộ, công chức nữ, cán bộ, công chức là người DTTS. Huyện bố trí cán bộ theo chuyên môn và năng lực thực tiễn của mỗi người. Không vì phải cơ cấu người DTTS mà hạ điều kiện, bố trí người không đúng chỗ.
Nhờ vậy, cán bộ, công chức trong huyện, nhất là cán bộ người DTTS thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ. Từ đó chủ động, tự giác học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Tại Nam Trà My, đến nay tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp huyện và xã chiếm 78%. Trong 5 năm qua, có 758 lượt cán bộ người DTTS được cử đi đào tạo chuyên môn và lý luận. Tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS cấp huyện tăng 27% và tham gia cấp ủy huyện tăng 15% so với trước khi có Nghị quyết 16.
Theo ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, số lượng, chất lượng, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ người DTTS ở các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, công tác tuyển chọn con em người DTTS tốt nghiệp THPT đưa đi đào tạo ở các trường cao đẳng, đại học để tạo nguồn cán bộ lâu dài được thường xuyên quan tâm.
Đến tháng 7.2021, có 164 sinh viên người DTTS tốt nghiệp ra trường trở về địa phương; trong đó, có 109 em được bố trí công việc phù hợp, còn 55 em đang xem xét bố trí về công tác ở các xã, nhằm bồi dưỡng, chuẩn bị dự nguồn cán bộ kế cận cho địa phương.
Tập trung đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, năng lực của đội ngũ cán bộ người DTTS chưa đồng đều, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Tỷ lệ cán bộ người DTTS giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện còn ít. Một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chưa có cán bộ, công chức người DTTS; chưa có cơ chế tuyển dụng riêng công chức, viên chức người DTTS, ảnh hưởng đến nguồn cán bộ kế cận...
Nghị quyết số 21 về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025 vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đặt mục tiêu: đến năm 2025, đối với cấp tỉnh, duy trì tỷ lệ 9,43% cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy tỉnh; trên 3% tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ các chức danh giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành và tương đương. Đối với cấp huyện: phấn đấu 50% cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy cấp huyện; phấn đấu 50% cán bộ, công chức của huyện là người DTTS. Ở cấp xã duy trì tỷ lệ trên 80% cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy...
Theo đồng chí Lê Văn Dũng, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 6 huyện miền núi cao của tỉnh và các xã có đông đồng bào DTTS có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ.
“Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ người DTTS nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, có tinh thần, khát vọng vươn lên, bảo đảm tính kế thừa và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo địa phương phát triển bền vững”- ông Dũng nói.