Ba nữ tuyển thủ quốc gia người Quảng Nam: Cái duyên với “quần đùi áo số”
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam xuất sắc giành tấm vé vào vòng chung kết World Cup 2023, trong đó có sự đóng góp công sức của 3 tuyển thủ người Quảng Nam.
Nặng một chữ “duyên”
Quảng Nam chưa có đội bóng đá nữ thi đấu chuyên nghiệp nhưng khá bất ngờ khi có đến 3 tuyển thủ quốc gia trong đội hình đội tuyển nữ Việt Nam chinh phục tấm vé đến với vòng chung kết World Cup lần đầu tiên.
Đó là Trần Thị Thùy Trang, quê Đại Lộc (đội bóng đá TP.Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Vạn, Lương Thị Thu Thương đều cùng quê Tam Kỳ (cả hai là vận động viên đội bóng đá Than khoáng sản Việt Nam). Từ mảnh đất xứ Quảng, con đường đến với bóng đá của 3 nữ tuyển thủ theo nhiều cách khác nhau mà theo họ, nó giống như một cái duyên vậy.
Sau khi lập thành tích xuất sắc cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, 3 nữ tuyển thủ người Quảng Nam trở về quê hương trong sự đón tiếp nồng hậu và được tỉnh, địa phương vinh danh. Các tuyển thủ chia sẻ cảm thấy rất vui, tự hào và hạnh phúc khi là người con đất Quảng, đem lại danh dự về cho xứ Quảng và được quê hương tuyên dương, khen thưởng. Đồng thời, hứa sẽ quyết tâm thi đấu hết mình trong màu áo đội tuyển Việt Nam để mang vinh quang về cho đất nước.
Có chung niềm đam mê bóng banh từ nhỏ, song theo Nguyễn Thị Vạn (sinh năm 1997, xã Tam Phú): “Không nghĩ rằng bản thân lại khăn gói ra tận Quảng Ninh để tập trung từ khi mới học lớp 8 để rồi gắn bó với bóng đá cho đến bây giờ đã là 11 năm”.
Tương tự, một đồng hương Tam Kỳ nhà cách không xa với Nguyễn Thị Vạn là Lương Thị Thu Thương (sinh năm 2000, phường An Phú) cũng được đội bóng đá Than khoáng sản Việt Nam “săn” về khi mới 13 tuổi dù mẹ không ủng hộ cô con gái đi đá banh.
Trong khi đó, Trần Thị Thùy Trang (sinh năm 1988, thị trấn Ái Nghĩa) là một trường hợp đặc biệt hiếm thấy của bóng đá Việt Nam khi đến với bóng đá chuyên nghiệp sau khi đã tốt nghiệp đại học vào năm 2010.
“Em không nghĩ mình theo bóng đá chuyên nghiệp, giống như nó chọn mình vậy đó. Em nghĩ đó là cái duyên, cũng là điều may mắn đối vởi bản thân” - Thùy Trang chia sẻ.
Cô gái người Đại Lộc cho biết đến thời điểm này cảm thấy hài lòng khi được chơi bóng. Bóng đá nữ đam mê là chủ yếu. Phần thưởng mang lại là được thỏa lòng thể hiện niềm đam mê trên sân cỏ chứ không phải tiền bạc vì thu nhập của cầu thủ bóng đá nữ rất ít.
Khi được hỏi có hối tiếc khi quyết định theo nghiệp “quần đùi áo số”, các nữ tuyển thủ đều lắc đầu “không bao giờ” và khẳng định “chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi chọn con đường bóng đá vì đó là đam mê”.
Sẵn lòng về với Quảng Nam
Trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Thị Vạn thi đấu 31 trận cho đội tuyển Việt Nam và ghi 11 bàn thắng. Cô là trụ cột của đội tuyển Việt Nam giành huy chương vàng tại SEA Games 30 và trước đó cũng giành huy chương vàng SEA Games 29.
Còn với Lương Thị Thu Thương, “cô em út” đội tuyển mới 22 tuổi được xem là tương lai của bóng đá nữ Việt Nam. Với thể hình khá tốt, lối chơi xông xáo, khôn ngoan, cô gái người Tam Kỳ được đánh giá sẽ là người thay thế xứng đáng cho đàn chị là trung vệ Chương Thị Kiều ở đội tuyển quốc gia.
Cái tên Trần Thị Thùy Trang không xa lạ với phong trào bóng đá học đường của tỉnh khi từng là vận động viên trong màu áo đội tuyển học sinh Quảng Nam tham gia thi đấu và giành hạng 3 Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2004 trước khi bước vào cổng trường đại học.
Được hỏi có sẵn sàng về Quảng Nam để làm công tác đào tạo, phát triển phong trào bóng đá nữ, cầu thủ thuộc biên chế đội TP.Hồ Chí Minh và hiện là nhân viên Trung tâm TD-TT Quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) này cho biết, nếu các cấp lãnh đạo của tỉnh tạo điều kiện thì sẽ sẵn sàng về quê hương để truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho thế hệ đàn em, góp phần phát triển phong trào bóng đá nữ tỉnh nhà.
Theo Thùy Trang, người Quảng Nam mình chịu thương chịu khó, đặc biệt trong thể thao cần sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Tài năng chỉ một phần, còn sự nỗ lực và cố gắng thì người Quảng thể hiện nhiều hơn các địa phương khác. Do đó, bóng đá nữ Quảng Nam nếu được đầu tư hoàn toàn có điều kiện để phát triển.