Kỳ vọng du lịch Đông Giang

CÔNG TÚ 01/03/2022 06:41

Khai phá tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng với kỳ vọng tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho cư dân sẽ được huyện Đông Giang ưu tiên thực hiện với kỳ vọng đưa nền kinh tế địa phương bứt phá.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trong chuyến đi kiểm tra thực tế dự án Cổng trời Đông Giang hồi đầu tháng 2.2022. Ảnh: C.T
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trong chuyến đi kiểm tra thực tế dự án Cổng trời Đông Giang hồi đầu tháng 2.2022. Ảnh: C.T

Một năm trầm lắng

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đông Giang lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt mục tiêu khai phá tiềm năng du lịch sinh thái (DLST), bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Cơ Tu để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Từ đó góp phần xây dựng Đông Giang phát triển nhanh, bền vững, trở thành huyện khá trong khu vực vào năm 2030.

Lợi thế của địa phương là sở hữu nhiều điểm có thể đầu tư khai thác DLST, nghỉ dưỡng như suối khoáng nóng A Păng, các lòng hồ thủy điện, hồ Ban Mai, hang Gợp, thác...

Các lễ hội mừng lúa mới, lễ đoàn kết, các nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, chế tác các loại nhạc cụ cùng với múa tân tung da dá, nói lý, hát lý, nghề dệt thổ cẩm được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

“Địa phương sẽ tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào du lịch. Tiếp tục chăm lo phát triển hạ tầng cho các làng nghề thủ công truyền thống về dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre nứa gắn với phát triển dịch vụ, du lịch; khuyến khích các mô hình DLCĐ gắn với doanh nghiệp để phát triển bền vững”.(Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông A Vô Tô Phương)

Qua kêu gọi đầu tư, các doanh nghiệp đã xin chủ trương khai phá DLST và được chấp thuận. Điển hình là khu DLST Trường Sơn - Sông Bung; khu DLST suối khoáng nóng A Păng.

Đáng chú ý, khu DLST Cổng trời Đông Giang do Công ty CP Khu DLST Hang Gợp (trực thuộc Tập đoàn FVG) thực hiện gần hoàn thiện giai đoạn 1. Hoạt động dịch vụ DLCĐ tại các thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn), Đhơ Rôồng (xã Tà Lu) và Pà Zĩh (xã A Ting) bước đầu mang lại tín hiệu đáng mừng.

Nhưng vì nhiều yếu tố, nhất là do đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua, tiến độ thực hiện đầu tư dự án DLST bị ảnh hưởng đáng kể. Khu DLST Trường Sơn - Sông Bung chưa xong thủ tục khai thác lòng hồ thủy điện Sông Bung 5; thậm chí nhà đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tây Bà Nà mới đây đã thông báo chấm dứt hoạt động của dự án.

Trước khi xảy ra đại dịch, khách châu Âu đến Hội An và sau đó lên khám phá các làng DLCĐ ở Đông Giang. Nhưng do Covid-19, lượng khách này không còn khiến hoạt động dịch vụ ở các làng trên ngưng trệ.

Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, địa phương dành thời gian này củng cố lại hoạt động của 2 Ban Quản lý làng DLCĐ Bhơ Hôồng và Đhơ Rôồng. Cạnh đó, hỗ trợ 30 triệu đồng làm 16 biển chỉ dẫn, xây dựng tập gấp, ảnh tư liệu để quảng bá con người và văn hóa cộng đồng người Cơ Tu. Đặc biệt, huyện tạo điều kiện cho tổ chức A.Real tìm hiểu cơ hội, xúc tiến dự án khu dân cư DLCĐ Bhơ Hôồng.

Tiếp tục khai phá

Đầu năm 2022, trên công trường khu DLST Cổng trời Đông Giang, các đội thi công đang tất bật hoàn thiện hạng mục còn lại, chủ đầu tư cũng đã tiến hành tuyển dụng nhân lực nhằm đưa giai đoạn 1 vào khai thác dịp lễ 30.4 này, phục vụ Năm du lịch quốc gia 2022 được tổ chức tại Quảng Nam. Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp cũng quan tâm tìm hiểu để đầu tư khu DLST và văn hóa hồ Ban Mai, dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tây Bà Nà kết hợp phục vụ du lịch.

Về hướng lâu dài, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Đông Giang - ông Nguyễn Văn Lê cho biết, địa phương đang xây dựng đề án về hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cơ Tu gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, và sẽ trình HĐND huyện xem xét thông qua vào tháng 4 tới.

Để triển khai thành công đề án, huyện khắc phục điểm yếu về nguồn lực đầu tư, nhất là tính chuyên nghiệp của người dân. Bởi hiện nay, một đoàn khách khoảng 50 - 70 người muốn lên khám phá làng DLCĐ thì đội ngũ phục vụ lập tức bị động.

Chẳng hạn, du khách muốn xem múa tân tung da dá mà nhân lực sẽ không đủ đáp ứng, vì trước đó nhiều người đã lên làm nương rẫy. Do vậy, huyện sẽ củng cố ban quản lý, tổ hoạt động ở các làng theo hướng chuyên nghiệp; phối hợp mở các lớp tập huấn hướng dẫn viên cho cư dân bản địa.

Ông Nguyễn Văn Lê thông tin, Đông Giang sẽ sắm toàn bộ trống, chiêng và trang phục cho các làng DLCĐ nhằm phục vụ biểu diễn múa tân tung da dá, nói lý, hát lý, không còn kiểu người góp chiêng, người góp trống tự phát như trước nữa. Đồng thời đẩy mạnh dệt thổ cẩm truyền thống, đan lát mây, tre nứa để làm quà lưu niệm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thực hiện liên kết giữa các điểm du lịch, đơn cử như du khách tắm suối khoáng nóng, nghỉ dưỡng tại khu DLST A Păng xong sẽ lên tìm hiểu, khám phá làng DLCĐ Bhơ Hôồng cách đó chừng 100m. Đông Giang cũng sẽ kết hợp đưa các sản phẩm OCOP vào phục vụ du khách; lập đề án phát triển dịch vụ ăn theo các dự án du lịch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

CÔNG TÚ