Dấu phẩy tai hại

HỨA XUYÊN HUỲNH 27/02/2022 07:30

Đôi khi chỉ vì một dấu phẩy (,) mà nghĩa của câu bị đổi khác, và thường là do vô tâm. Nhưng lắm khi người ta cố tình bẻ câu chữ sang một cách hiểu khác với dụng ý xấu…

Một tấm bảng chỉ dẫn mắc lỗi xuống hàng. Ảnh: B.L
Một tấm bảng chỉ dẫn mắc lỗi xuống hàng. Ảnh: B.L

"Oan khuất" dấu phẩy

Vừa chẵn 10 năm kể từ ngày chúng tôi lặn lội lên thăm Huyền Không sơn thượng ở Huế và có duyên được gặp thượng tọa Giới Đức để viết bài xuân trên báo Quảng Nam. Giờ ngồi lục lại những “tư liệu” chưa sử dụng, chợt nhớ về một dấu phẩy khá thú vị, do chính thượng tọa kể.

Chuyện là, thượng tọa Giới Đức (tức nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh) có câu thơ: “Bước ngược chân không qua thăm miền bè bạn”. Viết thế, người đọc sẽ ngầm hiểu là “bước ngược chân không”. Nhưng khổ nỗi, khi tải lên mạng, ai đó đã tùy tiện phẩy (,) một phát, thành ra: “Bước ngược chân, không qua thăm miền bè bạn”. Báo hại, bước chân ấy đã rất kỳ dị (bước ngược), mà đến hàm ý tác giả cũng bị đảo lộn (không qua thăm). Một dấu phẩy ăn hại!

Trong ngôn ngữ Việt, còn có biết bao nhiêu trường hợp tương tự, mà phần lớn là hài hước. Có thể dẫn ra thêm mấy trường hợp vì dấu phẩy (,) mà đảo lộn nội dung vốn dĩ nhiều người đã biết.

Như chuyện quan tòa phán vụ ông chồng ngoại tình: “Ở với vợ lớn không được ở với vợ bé”. Câu phán này sẽ có ít nhất 2 cách hiểu: “Ở với vợ lớn, không được ở với vợ bé”; “Ở với vợ lớn không được, (thì) ở với vợ bé”.

Trên mạng xã hội, thi thoảng thấy đăng tải lại bức ảnh chụp pano tuyên truyền về hạnh phúc gia đình nhưng bị viết ngắt dòng sau chữ “vợ”, dễ khiến nội dung sai lệch (dù không dùng dấu phẩy): “Mỗi gia đình có 2 con vợ/ chồng hạnh phúc”.

Cũng có ý kiến cho rằng bức ảnh đã bị can thiệp, chỉnh sửa. Nhưng câu này nếu viết liền cũng có thể dẫn đến cách hiểu vi phạm Luật Hôn nhân gia đình trắng trợn nếu ai đó cố tình chêm dấu phẩy: “Mỗi gia đình có 2 con vợ, chồng hạnh phúc” (!).

Rõ ràng, lỗi không hoàn toàn ở dấu phẩy, mà do cách người ta cố ý đặt chúng ở đâu đó. GS-TS Nguyễn Đức Dân từng tập hợp những bài viết ngắn của mình thành cuốn “Nỗi oan thì, là, mà” (NXB Trẻ, 2011) để “minh oan” cho những hư từ này.

Nhưng rõ ràng, dấu phẩy cũng gặp bao nhiêu chuyện “oan khuất” trên cánh đồng chữ nghĩa và quá trình giao tiếp thường nhật, chứ không chỉ có “thì, là, mà”. Bởi ngay trong cuốn sách vừa dẫn, chính GS-TS Nguyễn Đức Dân cũng kể lại mấy tình huống xài dấu phẩy tai hại: “Khi uống bia không được pha đường”.

Theo ông, câu này có đến ít nhất 3 cách hiểu: “Khi uống bia, không được pha đường”; “Khi uống bia không, được pha đường”; “Khi uống bia không được, pha đường”. Dưới góc nhìn của nhà ngôn ngữ, GS-TS Nguyễn Đức Dân dễ dàng đưa ra các giải pháp để nghĩa câu văn sáng hơn, như đảo thứ tự giữa các bộ phận câu hoặc thêm “một yếu tố phản ánh đặc thù từ loại hoặc đặc thù ngữ pháp”, nói ngắn gọn là thêm chữ “thì” cho câu: Khi uống bia thì không được pha đường.

Ông kết luận: “Nhiều hiện tượng mơ hồ là một thế mạnh của tiếng Việt làm tiếng Việt có nhiều khả năng biểu hiện trong nghệ thuật ngôn từ, trong chơi chữ và vui cười. Nhưng tiếng Việt cũng có đầy đủ các công cụ để diễn đạt hoàn toàn rõ ràng và chính xác những tư tưởng của chúng ta” (Sđd, trang 182).

Câu văn vừa nhắc cũng na ná với chuyện phiếm quen thuộc: “Trâu cày không được giết thịt”. Bởi câu này, nếu chêm thêm dấu phẩy thì hiểu kiểu chi… cũng được: “Trâu cày, không được giết thịt” (không được giết thịt trâu cày), “Trâu cày không được, giết thịt” (Trâu mà không cày được thì giết thịt).

Mưu mô thủ đoạn với... chữ

Thi thoảng, bạn đọc thấy ở sách kiếm hiệp hay nghe nhân vật trên phim biện hộ cho hành vi độc ác của mình bằng câu: “Vô độc bất trượng phu” (không độc ác thì không phải là bậc trượng phu).

Nhưng thật bất ngờ, trong cuốn “100 thuật mưu thân của các tướng soái thời xưa” (NXB Thanh Niên 2008), các soạn giả Dương Thu Ái - Nguyễn Kim Hanh cho rằng thoạt đầu câu này đầy đủ là: “Lượng tiểu phi quân tử/ Vô độ bất trượng phu” (Nhỏ nhen không phải là quân tử, không biết tính toán chẳng phải trượng phu). “Nhưng về sau, câu nói này được những kẻ thích chơi trò mưu mô thủ đoạn và bọn tâm độc tay ác đổi thành… vô độc bất trượng phu”, các soạn giả bình luận.

Mới thấy, giữa 2 chữ “độ” và “độc” qua phiên âm Hán Việt chỉ thấy thêm bớt chữ “c” mà ngữ nghĩa đã khác nhau trời vực. Tất nhiên, xét về Hán tự, chữ “độ” (度, trang 177) cũng có tự dạng khác xa với chữ “độc” (毒, trang 310) như ghi nhận lần lượt trong cuốn “Hán Việt tự điển” của cụ Thiều Chửu. Với câu biến tướng “vô độc bất trượng phu”, những kẻ có tâm địa xấu xa đã ít nhiều “thành công” khi vẽ chữ để biện hộ cho hành vi của mình.

Tìm hiểu thêm, càng bất ngờ khi biết “vô độc bất trượng phu” được xếp vào top 3 câu thành ngữ có nguồn gốc chữ Hán bị… hiểu sai nhiều nhất. Hai câu còn lại cũng khá đặc biệt.

Câu đầu tiên là “Nam tử hữu đức tiện thị tài, nữ tử vô tài tiện thị đức”, lâu nay được hiểu là: đàn ông có đức mới là tài, phụ nữ… không tài mới là đức. Rắc rối nằm ở vế thứ hai. Theo một số nhà phân tích, chữ “vô” trong “nữ tử vô tài” là động từ, “vốn có mà xem như không”. Vì thế, “vô tài” trong trường hợp này phải có nghĩa “vốn dĩ có tài, nhưng trong lòng lại xem như không có”, ý nói khiêm tốn. Cho nên, vế “phụ nữ không tài mới là đức” trở nên lạc nhịp so với nghĩa gốc: Có tài năng nhưng không khoe khoang, đó mới là đức hạnh lớn nhất của người phụ nữ.

Câu còn lại cũng tương tự. “Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt”, lâu nay được hiểu là “người không vì mình, trời chu đất diệt”. Nhưng chữ “vị” này, theo phân tích, đã bị hiểu lầm về âm đọc. Không phải “vị” (vì) mà là “vi” (tu vi, tức tu luyện). Như vậy, từ một câu mang tính khuyên răn con người ta ở đời nên khắc chế bản thân, câu nói đã bị hiểu trượt sang nghĩa khác hoàn toàn: chỉ suy nghĩ cho bản thân.

Thế đấy, chỉ “xê dịch” vài dấu câu hay thêm bớt vài chữ mà ngữ nghĩa bị đẩy đi quá xa.

HỨA XUYÊN HUỲNH