Trà Nhiêu, chín đợi mười chờ

QUỐC TUẤN 25/02/2022 16:41

(QNO) - “Bản giao hưởng” Trà Nhiêu mùa này cứ chầm chậm trôi đi trong tiếng cu gáy la đà xen lẫn phút thì thào của gợn sóng chùng chình vỗ mạn thuyền. Những chờ đợi về thanh âm mới, cũ hình như vẫn lạc trôi xa xăm nơi “miền đất hứa”…

Sông nước Trà Nhiêu. Ảnh: Q.T
Sông nước Trà Nhiêu. Ảnh: Q.T 

Hoài niệm ngày cũ

Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) - danh xưng ngay khi thốt lên đã khiến mọi người ít nhiều mường tượng về ký ức rời rạc quê xứ ngày cũ. Tạt xe bên vệ đường, ông Khương Hưu (thôn Trà Đông, Duy Vinh) vừa xua tay gạt mấy nhành cỏ dại vừa mở chuyện: “Dấu tích may ra còn cái giếng cổ ni đây. Không biết niên đại ra sao nhưng mà nhìn cách xây của người xưa cũng kỳ công lắm. Thành giếng dựng bằng gạch, ở dưới là 5 lớp đá. Hồi bao cấp mọi người vẫn dùng ngon lành, giờ bỏ hoang lâu quá nên mới ra vậy”. Như lời ông Hưu, thành giếng sứt mẻ, còn đâu một mảng nhỏ. Đất đã lấp gần đến miệng giếng. Bậc thềm nhà dân cũng mấp mé phế tích này. 

Giếng cổ đã bỏ hoang. Ảnh: Q.T
Giếng cổ đã bỏ hoang. Ảnh: Q.T 

Cà kê chuyện xưa, ông Hưu rủ chúng tôi ghé chùa thôn, xem bia cổ. Tấm bia đã phai dấu gần hết, chỉ còn sót vài ký tự chữ Hán mà theo ông Hưu tìm hiểu là đề thời điểm xây dựng và hoàn thành chùa. Còn cụ thể năm nào thì không ai biết.

Ông Hưu kể: “Bia này trước dựng nơi chùa Ông ở vị trí khác, gần bờ tả ngạn Thu Bồn. Nhưng sau Chùa Ông mất dấu, các cụ trong làng bàn nhau thỉnh về đây đặt chứ nếu phó mặc ở chỗ cũ có khi giờ cũng thất lạc rồi”.

“Trà Nhiêu cũng có chùa Ông?”, chúng tôi ngờ vực.  “Có chứ. Chùa Ông ra đời từ thời Trà Nhiêu còn sầm uất mấy trăm năm trước kia. Đối chiếu với tấm bia thì tôi nghĩ là chùa được xây dựng và hoàn thành đầu thế kỷ 17” - ông Hưu phỏng đoán.

Tấm bia cổ được người trong làng phỏng đoán từng đặt ở Chùa Ông Trà Nhiêu. Ảnh: Q.T
Tấm bia cổ được người trong làng phỏng đoán từng đặt ở Chùa Ông Trà Nhiêu. Ảnh: Q.T 

Như để xác tín thêm nhận định của mình, ông Hưu bộc bạch thêm dữ kiện: “Tôi qua Hội An chơi thì thấy chùa Ông (ra đời năm 1653), những người làm bảo tồn ở đó có nói là chùa Ông Hội An ra đời sau chùa Ông Trà Nhiêu 30 năm tròn. Mình tự đối chiếu lại thì thấy lời chia sẻ của họ trùng hợp với chút tư liệu còn sót lại trên văn bia đây”. 

Một người đàn ông khác góp chuyện: “Không chỉ chùa Ông, mà cây da cổ thụ như bên Hội An ở đây cũng có. To đến mức nghe đâu trên ngọn có thể làm vọng lâu cho lính gác được. Nhưng do chiến tranh cây cũng mất dấu, một thời gian sau vẫn còn trơ lại cái gốc to tướng, trẻ con túm tụm cả chục đứa hè tay nhau ôm không xuể. Giờ dưới lòng sông có khi vẫn còn rễ của nó bám chặt”.

Trà Nhiêu từng là một cảng thị nhộn nhịp trong quá khứ. Ảnh: Q.T
Làng Trà Nhiêu từng là một cảng thị nhộn nhịp trong quá khứ. Ảnh: Q.T 

Bây giờ, khi nhắc chuyện cây da những người lớn tuổi trong làng Trà Nhiêu vẫn còn lẩm nhẩm câu ca: “Dưới gốc cây có Tây đề chữ/ Trên ngọn cây có ông sứ đeo bồ…”.

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh bộc bạch: “Đúng là giếng và bia cổ trên đã có từ lâu lắc rồi nhưng giờ không có nguồn tư liệu nào xác đáng để chứng thực niên đại cả. Phế tích chùa Ông ở Trà Nhiêu như nhận định thì đã mất dấu hết nên lâu nay cũng không có cơ sở khôi phục lại được”. 

Xem ra, câu chuyện xoay quanh một thời hoàng kim của Trà Nhiêu vẫn còn ẩn chứa nhiều điều thú vị. Chỉ dấu mối quan hệ Trà Nhiêu - Hội An cũng hao hao với sự chuyển dịch tầm vóc đô thị của Faifo (Hội An) - Tourane (Đà Nẵng) trong buổi giao thời. Sau trăm năm, nắm lấy cơ hội, Hội An đã chuyển mình trong một vị thế khác, ở một bối cảnh khác. Còn Trà Nhiêu - danh xưng cảng thị chỉ còn trong hoài niệm xa lắc… 

Về với “đất bảy nghề”

Nghề truyền thống ở Trà Nhiêu. Ảnh: Q.T
Nghề truyền thống ở Trà Nhiêu. Ảnh: Q.T 

Đường vào Trà Nhiêu mùa này tràn ngập hoa, trong veo màu xanh của sông nước, cây trái, ruộng đồng. Nắng xuân đã quá đỉnh đầu, nhiều ngõ vắng tinh tươm vẫn ngập bóng râm. Thôn Trà Đông được chọn là mô hình điểm của xã Duy Vinh để xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài những hàng cau trải dài từ đầu đến cuối làng, bây giờ vườn tược ở Trà Nhiêu thêm lúc lỉu mít, bưởi, ổi cùng nhiều cây ăn trái khác. Nếu Quảng Nam hay được mệnh danh là “đất trăm nghề” thì Trà Nhiêu là “đất bảy nghề”. Hơn 400 hộ dân quần tụ nơi doi đất nhỏ được sông nước bao bọc tứ phía này ít nhiều đều "lận lưng" nghề đan chiếu cói, làm thủ công mỹ nghệ, thuyền thúng, vãi chài, dừa nước, nấu rượu và làm mì, bún. 

Nghề làm chiếu cói trong làng duy trì thời gian qua một phần nhờ du lịch phát triển. Ảnh: Q.T
Nghề làm chiếu cói trong làng duy trì thời gian qua một phần nhờ du lịch phát triển. Ảnh: Q.T 

Nói đến nghề từ dừa nước người ta nghĩ ngay đến Cẩm Thanh (Hội An), đan chiếu cói thì chỉ biết nhiều danh xưng Bàn Thạch còn thủ công mỹ nghệ thì nhắc về Kim Bồng (Hội An), Đông Khương (Điện Bàn)…

Bên kia sông, bên này sông, tiếng lành làng nghề tỏa đi vang vọng. Ở Trà Nhiêu, có đủ cả. Mà lạ, dăm mối sinh kế ở Trà Nhiêu dù cũng lắm tài hoa nhưng thân phận hình như cũng lặng lẽ hệt như số phận của xứ đất, xứ làng nơi này.

Trà Nhiêu (thôn Trà Đông) là một  trong 2 thôn nông thôn mới kiểu mẫu của xã Duy Vinh. Nhờ vào chương trình này, thời gian qua ít nhiều các nghề truyền thống của làng được tiếp sức, hỗ trợ phát triển theo hướng gắn với phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tạo ra giá trị gia tăng cho nghề.

Nhiều sản phẩm mây, tre, đan độc đáo từ bàn tay khéo léo của người thợ làng Trà Nhiêu. Ảnh: Q.T
Nhiều sản phẩm mây, tre, đan độc đáo từ bàn tay khéo léo của người thợ làng Trà Nhiêu. Ảnh: Q.T 

Xem ra, về Trà Nhiêu, chỉ lấy “nguyên liệu” phục vụ từ 7 nghề trên cũng đã dư sức “thết đãi” du khách một tour tuyến hoàn chỉnh. Đến làng bằng thuyền thúng. Đi trải nghiệm đan chiếu, làm mộc, đan lá dừa. Tự tay vãi chài thu nhặt thủy hải, sản. Nấu một bữa mì Quảng, nhắm cuốc rượu cũng từ xứ đất này. Chỉ đi trong một ngày e là không đủ…

Ông Trần Hùng, vốn đã mấy chục năm gắn bó với thủ công mỹ nghệ bộc bạch: "Có ông khách người Mỹ qua Trà Nhiêu, ghé chỗ tôi chơi đến 4 lần. Họ nói họ thích cái không gian, con người ở đây quá nên đi không chán".

Thao thức chờ đợi

Khu nhà điều hành hoạt động du lịch của làng vắng lặng bóng du khách. Ảnh: Q.T
Khu nhà điều hành hoạt động du lịch của làng vắng lặng bóng du khách. Ảnh: Q.T 

Đứng trưa, rừng dừa nước lặng ngắt. Chúng tôi lênh khênh qua chiếc “cầu khỉ”. Nói “cầu khỉ” là bởi mặt sàn bằng tre đã tốc hết theo nắng, mưa chỉ còn trơ lại mấy thanh bê tông bắc ngang vừa đủ một bàn chân người lớn bước qua.

(CLIP) Bình yên làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu: 


Ngay sát bìa rừng dừa là nhà điều hành. Mấy cây anh đào vẫn còn khoe sắc như níu hương xuân, bốn phía thềm sân cỏ dại lởm chởm có chỗ sắp ngang đầu người. Dịch dã đưa du khách biệt tăm hết. Ban điều hành làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu cũng giải tán. 

Ông Khương Hưu - nguyên Trưởng ban điều hành làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu nói: “Nói Trà Nhiêu “ngủ quên” cũng không phải. Đận 2018, 2019 ở đây khởi sắc lắm. Mùa nắng, bình quân ngày cũng được vài ba trăm khách. Khách đến bằng đường thủy là chủ yếu. Cả làng bảy, tám chục hộ làm du lịch thì cũng hơn nửa trong số đó kiếm thêm chừng 5 đến 7 triệu một tháng. Không khí trong làng đợt đó cũng chộn rộn hẳn lên”. 

Bình yên Trà Nhiêu
Bình yên Trà Nhiêu 

Thấm thoắt, Trà Nhiêu cũng đã có hơn chục năm tiếp cận với hoạt động du lịch. Vấn đề lợi ích bền vững mang lại cho cộng đồng vẫn là căn bệnh trầm kha như bao làng du lịch cộng đồng khác, nhưng không phải Trà Nhiêu không có lối ra.

Bà Nguyễn Thị Thưa chia sẻ: “Hồi mới đón khách, cứ mỗi khách tham quan, trải nghiệm đan chiếu thì mình được trả 10 nghìn đồng. Sau nhiều lần đề xuất thì đến gần đây tăng lên được 20 nghìn đồng/người. Như rứa là cũng được đó chứ, vì nguồn khách mình gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phía lữ hành mà”. 

Những biền bãi mà chúng tôi đến đều đã được quy hoạch để phát triển các dự án du lịch. Tất cả đều chọn những cái tên rất “Trà Nhiêu” như: dự án Khu du lịch sinh thái làng cau Trà Đông, Khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu Xanh, Khu du lịch - nghỉ dưỡng Nông Trại Xanh Trà Nhiêu. Nhưng tất nhiên mọi thứ là vẫn ở thì thì tương lai. Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết: “Ba dự án trên hiện đều đang ở bước đền bù, giải phóng mặt bằng thôi. Sau đó thì mới triển khai được”. 

Người dân ở làng vẫn đang mong ngóng du khách sớm quay trở lại. Ảnh: Q.T
Người dân ở làng vẫn đang mong ngóng du khách sớm quay trở lại. Ảnh: Q.T 

Từ sau tết đến giờ, Trà Nhiêu đón được hai đoàn khách. Không đáng là bao nhưng cũng làm người dân ở đây ít nhiều khấp khởi. Giêng hai, nắng mới rơi rớt trên tược cau. Trà Nhiêu lim dim giữa hai đầu chênh vênh. Trà Nhiêu khắc khoải về ngày cũ vàng son đã xa và Trà Nhiêu mong ngóng cho mùa du lịch mới sẽ chộn rộn hơn trên quê nhà…

QUỐC TUẤN