Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở Điện Bàn: Áp lực hồ sơ về đất đai
Mỗi năm tiếp nhận hàng chục nghìn hồ sơ giao dịch, chủ yếu trên lĩnh vực đất đai; trong đó việc phát sinh hàng nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến thời gian giải quyết hồ sơ đất đai khiến Điện Bàn chịu nhiều áp lực.
Phát sinh nhiều hồ sơ đất đai
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã, mỗi năm Điện Bàn tiếp nhận từ 20.000 - 30.000 hồ sơ giao dịch, đa phần liên quan đến đất đai, trở thành địa phương có số lượng hồ sơ đất đai cần giải quyết nhiều nhất tỉnh.
Cùng với đó cũng phát sinh hàng nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến thời gian giải quyết hồ sơ do một số chính sách đất đai và các chính sách liên quan đến đất đai chưa đồng bộ, không rõ ràng.
“Nghị định 64 về giao đất cho người dân đến nay đã 28 năm (1994) nhưng đến nay vẫn chưa có nội dung mới thay đổi, trong khi dân số đã tăng lên 0,5 lần, tương tự số hộ cũng tăng lên. Vì vậy, việc xác định đất ở, giao đất lần đầu theo Nghị định 64 cũng cần có điều chỉnh.
Rồi những bất cập của thị trường bất động sản liên quan đến giá cả bồi thường hay sự tham gia của người dân trong vấn đề lợi nhuận của doanh nghiệp… cũng là nguyên nhân khiến người dân khiếu nại khiếu kiện” - ông Úc phân tích.
Tại buổi làm việc vào hôm qua 22.2 với Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh liên quan đến công tác giám sát, thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn đề nghị, các cấp ngành trung ương cần nghiên cứu, thay đổi một số vấn đề liên quan đến Luật Đất đai.
Ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, với những vấn đề còn vướng mắc phát sinh về đơn thư, Điện Bàn cần tập trung giải quyết, tránh phát sinh điểm nóng.
Điện Bàn là địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ. Từ đó, phát sinh nhiều yếu tố liên quan đến đất đai, nhất là quá trình thu hồi đất đầu tư hạ tầng, mở rộng các tuyến giao thông, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới…, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, khiến nảy sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện.
Tính từ ngày 1.7.2016 – 1.7.2021, các cơ quan chức năng của Điện Bàn tiếp nhận tổng cộng 4.461 đơn thư, đa phần đơn thư kiến nghị, phản ánh (4.245 đơn), còn lại là đơn thư khiếu nại (186 đơn), tố cáo (30 đơn).
Dù vậy, số đơn khiếu nại đủ điều kiện thụ lý chỉ 130 đơn nhưng 88 đơn có nội dung khiếu nại sai (77,2%). Tương tự, trong số 30 đơn tố cáo, số đơn đủ điều kiện thụ lý chỉ 17 đơn, nhưng số vụ việc tố cáo đúng chỉ 3 đơn.
Ông Đặng Công Nhiên - Chánh Thanh tra thị xã Điện Bàn cho rằng, sở dĩ số đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo nhiều một phần do thủ tục, quy định của Nhà nước về khiếu nại khiếu kiện dễ dãi, người dân gửi theo kiểu cầu may “được thì tốt không được cũng không mất gì” dẫn đến hồ sơ dồn ứ, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo các đơn thư khác chậm.
Vướng mắc từ đất “thổ cư”
Theo ông Đặng Công Nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai kéo dài như chính sách đất đai và các chính sách khác có liên quan đến đất đai chưa đồng bộ, có mặt không rõ ràng.
Công tác quản lý đất đai tại một số địa phương còn lỏng lẻo, việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các dự án trên địa bàn còn sai sót, dẫn đến phát sinh khiếu kiện, đặc biệt vấn đề công nhận đất ở trong diện tích đất “thổ cư” còn gặp vướng mắc.
“Theo quy định pháp luật không có định nghĩa đất thổ cư. Cụ thể, TAND công nhận đất thổ cư là đất ở, cơ quan hành chính như UBND tỉnh hướng dẫn công nhận đất thổ cư là đất ở cộng đất vườn ao liền kề. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến công nhận đất ở trong diện tích đất thổ cư, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài và bản án của TAND không thể thi hành được” - ông Nhiên dẫn chứng.
Không ít dự án trên địa bàn thị xã, một số chủ đầu tư dù chưa được giao đất nhưng đã chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức khác (bằng giấy viết tay), đến khi vướng trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư khiến các cá nhân, tổ chức mua đất dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Ông Trần Úc cho rằng, điều này là vô lý, bởi đây là trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng chính quyền phải đi giải quyết. Tuy nhiên, với đơn thư khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND thị xã đều được giao nhiệm vụ cho Thanh tra thị xã tham mưu giải quyết; chủ động tổ chức làm việc với người khiếu nại, tố cáo, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan… nên hầu hết đơn khiếu nại, tố cáo đều được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục, đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý.
“Khi có quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo cho người khiếu nại, người tố cáo, người bị khiếu nại, người bị tố cáo chúng tôi sẽ công bố công khai về quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo trên website của UBND thị xã.
Sau 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, nếu người khiếu nại không khiếu nại lần hai thì người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại chỉ đạo các cá nhân và đơn vị có liên quan tổ chức thi hành quyết định, giải quyết khiếu nại và báo cáo về UBND thị xã hoặc UBND các xã, phường theo thẩm quyền” - ông Úc diễn giải.
Ông Úc cũng khẳng định, Điện Bàn luôn tăng cường công tác quản lý, theo dõi nắm bắt thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo để chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, đặc biệt thực hiện tốt việc tiếp công dân để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân về những vấn đề vướng mắc cần giải quyết.