Khuyến công ở Thăng Bình
(QNO) - Từ hỗ trợ của Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng để phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Trước đây các sản phẩm như lưỡi dao trong máy cắt nông cụ, lưỡi cày... khi bị hư hỏng, nông dân Thăng Bình phải đến các địa phương khác trong tỉnh hoặc ra TP.Đà Nẵng mới có máy cắt sắt CNC để làm lại. Sản phẩm lưỡi dao, lưỡi cày yêu cầu độ chính xác cao nên máy cắt sắt thông thường không thể làm được.
Nhận thấy nhu cầu của người dân tăng cao và được Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình hỗ trợ 120 triệu đồng, anh Nguyễn Phu - chủ cơ sở cơ khí Công Phu (xã Bình Quý) đầu tư 1 máy CNC và 1 máy nén khí phục vụ sản xuất hàng nông cụ, hàng xây dựng dân dụng với tổng kinh phí hơn 245 triệu đồng.
Anh Phu cho biết, máy CNC này giúp tạo ra sản phẩm đồng đều, chất lượng và độ chính xác cao. “Nhờ có máy CNC, hoạt động sản xuất của cơ sở tôi ngày càng ổn định, nâng cao hiệu quả; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng” - anh Phu nói.
Tại cơ sở sản xuất trà gừng hòa tan của chị Nguyễn Thị Tiến (xã Bình Định Bắc), với cách làm trà rừng thủ công trước đây, mỗi tháng cơ sở chỉ sản xuất khoảng 4 - 5 tạ gừng tươi nên hiệu quả kinh tế còn thấp. Được Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện hỗ trợ 110 triệu đồng, chị đầu tư mua 1 máy sản xuất trà gừng và 1 máy đóng gói sản phẩm với tổng trị giá hơn 220 triệu đồng.
Với hệ thống máy móc này, mỗi tháng cơ sở chị Tiến sản xuất được hơn 1 tấn gừng tươi, sản phẩm được đóng gói thẩm mỹ khi bán ra thị trường. “Có máy đóng gói giúp giữ được hương vị của gừng và bảo quản an toàn, hợp vệ sinh hơn. Trên bao bì còn in mã vạch truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng sản phẩm đầy đủ nên người tiêu dùng tin tưởng” - chị Tiến nói.
Ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, hằng năm từ nguồn phân bổ kinh phí của tỉnh và huyện, phòng khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của các cơ sở để tư vấn, định hướng và có sự hỗ trợ phù hợp. Sau khi được hỗ trợ, sản phẩm của các cơ sở được nâng lên, hiệu quả cao hơn.
“Thời gian tới chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công, lồng ghép với các chương trình, đề án... nhằm giúp cơ sở tiểu thủ công nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới” - ông Hòe nói.