Trao truyền thông điệp bảo vệ môi trường
Vẽ tranh từ vật liệu tái chế, đọc sách ngoài trời, trải nghiệm những giải pháp xanh bảo vệ môi trường giúp giới trẻ thêm yêu thiên nhiên, môi trường xung quanh...
Đây là những hoạt động diễn ra tại Hội An vào cuối tuần qua, trong chương trình “Nghệ thuật vì môi trường” do Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và Công ty TNHH cơ sở văn hóa nghệ thuật Hội An (CAB Hội An) tổ chức.
Chương trình “Nghệ thuật vì môi trường” bao gồm chuỗi các hoạt động nghệ thuật biểu diễn múa ứng tác về môi trường “The Dance We Made” của nhà biên đạo múa người Anh, Tim Casson; triển lãm giới thiệu động vật biển, chiếu phim và thảo luận về môi trường; triển lãm kết quả cuộc thi “Biến rác thành tác phẩm nghệ thuật” và trình diễn âm nhạc tương tác trực tuyến hai đầu cầu Vương quốc Anh - Hội An cùng các phần trình diễn nghệ thuật đường phố khác.
Chỉ trong 3 ngày cuối tuần trước khi diễn ra sự kiện, nhóm tình nguyện viên của CAB Hội An theo chân nhân viên vệ sinh môi trường Hội An đã thu nhặt hơn 1.000 ly giấy đã qua sử dụng của du khách bỏ lại trên phố cổ.
Đó chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi tác động từ phát triển kinh tế du lịch mang lại cho môi trường đô thị di sản.
Thói quen sử dụng sản phẩm dùng một lần ngày càng len lỏi trong hoạt động du lịch bởi sự tiện ích khiến môi trường từng ngày âm thầm bị đe dọa.
Ở một góc bùng binh An Hội, nhiều thiếu nhi được lần giở từng trang sách ảnh, sáng tạo nghệ thuật trên nền các phế phẩm. Những bạn lớn hơn một chút thì hào hứng trải nghiệm những sản phẩm xanh, tuần hoàn rác thải thành sản phẩm hữu ích với môi trường…
Ngay cả “nguyên liệu” để cấu thành chương trình cũng hoàn toàn được tận dụng từ hạ tầng sẵn có hoặc thu gom từ các phế phẩm gây nguy hại đến môi trường. Tiếp thu những kiến thức mới về đa dạng sinh học của quê hương, thay đổi và tích lũy thói quen xanh từ những hành động nhỏ nhất là những điều mà người trẻ ở Hội An thu nhặt được qua chương trình.
Không chỉ chật vật từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đô thị cổ Hội An lâu nay vốn cũng hứng chịu nhiều thách thức từ sự biến đổi khí hậu với các thảm họa thời tiết như bão, lũ, nhất là sạt lở bờ biển.
Cuối năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26), Chính phủ Việt Nam đã chỉ ra sự cấp thiết của các hành động vì khí hậu và cam kết mục tiêu chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh trong tương lai.
Theo ông Sam Wood - Phó Tổng Lãnh sự Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại TP.Hồ Chí Minh, Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Trên thế giới, những người trẻ đang tiên phong trong việc thảo luận về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Ông Sam Wood nói rất vui vì điều này cũng được tái hiện tại Hội An, nơi có người trẻ dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển bền vững của thành phố di sản.
Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, công tác tuyên truyền giáo dục về môi trường, nhất là với thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.Hội An trong thời gian qua. Hội An xem môi trường là một trong ba trụ cột quan trọng trong việc phát triển của thành phố bên cạnh kinh tế và văn hóa.
“Từ năm 2009, TP.Hội An đã có nghị quyết về xây dựng thành phố sinh thái, từ đó đề ra và đã thực hiện được nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới, với việc du lịch phục hồi, thành phố sẽ tiếp tục dùng một phần nguồn thu từ việc phát triển kinh tế quay trở lại tập trung cho vấn đề bảo vệ môi trường” - ông Lý nói.