Đưa "rừng" xuống... nước

THÀNH CÔNG 20/02/2022 06:51

Một dáng cây bonsai cổ thụ, một cánh đồng bậc thang, hay thậm chí bối cảnh của một vạt rừng,  mọi thứ đều có thể được đưa xuống… nước. Đó là thú chơi đầy sáng tạo và cũng lắm công phu của những người chơi thủy sinh, “tín đồ” của thế giới cỏ cây dưới nước.

Thú chơi thủy sinh đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết chăm sóc của người chơi. Ảnh: T.C
Thú chơi thủy sinh đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết chăm sóc của người chơi. Ảnh: T.C

Nhiều năm trở lại đây, một cộng đồng chơi thủy sinh đã hình thành tại TP.Tam Kỳ, trở thành diễn đàn của những người có cùng sở thích. Mỗi người mỗi công việc, mỗi đặc thù khác nhau, nhưng họ cùng có chung niềm mê đắm với thú chơi kỳ công và cũng khá… tốn kém này.

Mê đắm với thủy sinh

Anh Võ Vương, chủ tiệm thủy sinh Phan Kiều Aqua (đường Trần Phú, Tam Kỳ) được những người chơi thủy sinh biết đến từ nhiều năm trước, khi sở hữu những hồ thủy sinh đầu tiên ở… trong nhà trọ.

Căn nhà trọ của anh trở thành địa chỉ tới lui của nhiều người, chỉ để tham quan những hồ thủy sinh nhỏ nhưng đầy cuốn hút với màu xanh mướt mát của nhiều loại cây cỏ và các loại cá cảnh.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người tìm đến với thú chơi tao nhã này, như một cách để kiếm tìm sự tĩnh lặng, giải trí sau những áp lực của công việc thường nhật. “Chơi cá dưỡng tâm, chơi cây dưỡng thần”, một thú chơi hoàn toàn có thể tạo nên nhiều thay đổi tích cực từ chính sự tao nhã, lành mạnh, từ vẻ đẹp của thiên nhiên, cây cỏ ngay trong chính không gian sống thân thuộc của từng người.

Ban đầu, anh chia sẻ lại phụ kiện, cây thủy sinh, cá cảnh cho những người cùng sở thích. Thế rồi “hồ đẻ hồ”, nhận thấy nhu cầu của nhiều người với bộ môn khá công phu này, cộng với lượng phụ kiện, cây cảnh khá nhiều, anh rẽ hướng, từ chủ cửa hàng buôn bán gas trở thành một người chơi thủy sinh, buôn bán phụ kiện thủy sinh chuyên nghiệp.

“Cảnh núi rừng, đồng cỏ mượt mà, chuyển động của dòng nước và vài con cá cảnh trên bối cảnh rất tĩnh lặng đó có sức quyến rũ kỳ lạ. Rất khó cưỡng lại khi ngắm hồ thủy sinh, đến nỗi nhiều khi ngồi ngẩn ngơ cả tiếng đồng hồ chỉ để nhìn cỏ cây, ngắm cá. Ban đầu chỉ là yêu thích, dần dần nghề chơi này chiếm trọn thời gian, và cũng trở thành nghề chính của mình”, anh Vương chia sẻ.

Rất nhiều không gian yêu thích được đưa vào hồ thủy sinh, một kiểu tái hiện đầy sáng tạo và lắm kỳ công. Mỗi dạng bố cục là một phong cách, được định hình bằng đặc tính của loại cây trồng cũng như sự sáng tạo của người chơi.

Có thể nhắc đến những phong cách chơi thủy sinh phổ biến như hồ “Hà Lan” trồng chủ yếu là các loại cây cắt cắm, sinh trưởng nhanh, màu sắc rực rỡ; hồ “bonsai” gồm các loại lũa mô phỏng kiểu dáng cây bonsai chơi rêu thủy sinh hoặc hồ “rừng”, là phong cách chơi thủy sinh kỳ công với những loại thực vật khá đắt đỏ.

Bố cục, ánh sáng và thực vật thủy sinh là những yếu tố quyết định đến vẻ đẹp của một bể thủy sinh.
Bố cục, ánh sáng và thực vật thủy sinh là những yếu tố quyết định đến vẻ đẹp của một bể thủy sinh.

Anh Võ Vương chia sẻ, ban đầu, nhiều người tìm đến với thủy sinh chỉ đơn thuần là muốn có vài loại cây thật trang trí để bể cá bớt đơn điệu. Dần dần, chính sự chân thực của hồ thủy sinh tạo nên sức hút đặc biệt, buộc người chơi phải chăm chút, cầu kỳ và tinh tế hơn trong việc thiết kế, chăm sóc một bể thủy sinh.

“Thủy sinh thực sự giúp cho mình tìm được trạng thái cân bằng sau những áp lực công việc và cuộc sống. Mỗi khoảnh khắc, từ công đoạn thiết kế hồ thủy sinh đến quá trình chạy thử nước, vào cây, chăm sóc, thả cá… đều tạo cảm giác hứng khởi, thích thú. Việc ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để ngắm cây, ngắm cá là điều quá bình thường”, anh Vương nói.

“Nghề chơi” bạc triệu

Chi phí cho thú chơi thủy sinh khá đắt đỏ, cao gấp nhiều lần so với một bể cá thông thường. Anh Công Anh (phường An Xuân) kể, thích thú với những video về thủy sinh trên Youtube, vợ chồng anh đặt mua phân nền, đèn, tìm một số loại cây thủy sinh để về thử làm một bể thủy sinh theo hướng dẫn.

“Vài năm trước, hầu như chỉ có thể tìm được vài loại cây thủy sinh giá trị không cao như lan nước, tiểu bảo tháp. Chơi được chừng mươi ngày phải lật bỏ luôn do rêu hại phát triển quá nhanh.

Thời gian sau đó mới tìm hiểu kỹ hơn, đặt mua từng loại thiết bị chuyên dụng cho thủy sinh, vừa chơi, vừa tìm những người đi trước để hỏi kinh nghiệm. Thời đó mạng internet và các diễn đàn trực tuyến về thủy sinh còn khá hạn chế nên phải mất một khoản kha khá “học phí”, mới bắt đầu có kinh nghiệm để chơi môn này”, anh Anh nói.

Nhiều loại cây thủy sinh có giá cả khá đắt đỏ, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng mỗi ngọn. Ảnh: T.C
Nhiều loại cây thủy sinh có giá cả khá đắt đỏ, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng mỗi ngọn. Ảnh: T.C

Để cây thủy sinh sinh trưởng, phát triển tốt, gần như phải tái tạo hệ sinh thái gần giống với tự nhiên nhất, phù hợp đặc tính từng loại cây. Theo anh Anh, những yếu tố cơ bản ngoài một bể kính cần có phân nền để trồng cây, đèn thủy sinh, bộ lọc nước với vật liệu lọc chuyên dụng, bình khí CO2. Ngoài ra còn cần nhiều thứ phụ liệu khác như cốt nền, phân nước đa lượng, vi lượng, vi sinh, thuốc diệt rêu hại...

Dân chơi thủy sinh thường không quá chú trọng đến cá, mà chỉ nuôi cá để cân bằng hệ sinh thái và trang trí hồ thủy sinh, dọn dẹp rêu hại. Mỗi người chơi có kinh nghiệm riêng trong việc sử dụng phân nền, phân nước, chế độ đèn, tùy theo nhu cầu và phong cách chơi thủy sinh của chính mình.

Không chỉ tốn kém chi phí cho “đồ chơi” thủy sinh, nhiều loại cây thủy sinh cũng có giá cả khá đắt đỏ, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng chỉ với một ngọn cây có kích thước bằng… ngón tay.

Nguyễn Đức (phường An Xuân) tìm đến thú chơi thủy sinh chỉ vài năm gần đây, nhưng là một trong những người sở hữu nhiều loại cây thủy sinh có giá trị cao ở TP.Tam Kỳ thời điểm hiện tại.

Trong bể thủy sinh của Đức có nhiều loại ráy, bucep (loài cây thủy sinh đặc hữu có nguồn gốc từ Indonesia) như Pinto, Black angel, Varigate, Nano white… Những loại cây này cần chế độ chăm sóc cầu kỳ hơn, đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng, ánh sáng. Vậy nên, không quá khó hiểu khi một hồ thủy sinh luôn có giá từ vài triệu đồng lên đến hàng chục triệu đồng.

Chia sẻ đam mê

Với Văn Quốc (phường Hòa Thuận), một tay chơi thủy sinh thuộc vào hàng lâu năm ở Tam Kỳ, chi phí không còn là vấn đề lớn đối với việc chơi thủy sinh. Quốc được gọi vui là “trùm độ chế”, khi có thể tự mày mò dán bể, làm lọc, đèn thủy sinh lẫn phân nền, phân nước...

Vẻ đẹp của một bể thủy sinh ở TP.Tam Kỳ. Ảnh: T.C
Vẻ đẹp của một bể thủy sinh ở TP.Tam Kỳ. Ảnh: T.C

Ngay cả các loại lũa, đá và cây thủy sinh cũng được Quốc tìm ngoài tự nhiên, ngay xung quanh mình. Thay cho phân nền thủy sinh có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một bao trọng lượng vài kilogam, thì Quốc có thể tự làm nền trộn bằng các vật liệu giá rẻ, chỉ mất vài chục nghìn đồng cho hàng chục kilogam phân trộn.

Loại phân này sau quá trình xử lý kỹ bằng kinh nghiệm cá nhân vẫn có thể sử dụng trong bể thủy sinh, thậm chí còn tốt hơn so với một số loại phân công nghiệp giá rẻ. Ngoài ra, đèn, lọc thủy sinh cũng được Quốc tự chế bằng ống nước nhựa, đèn led rời…

“Quan trọng là mình hiểu được đặc tính của từng loại thiết bị, khắc chế được nhược điểm của nó. Quan trọng hơn nữa là đam mê. Đã đam mê thì cái khó ló cái khôn, khó mới thú”, Quốc nói.

Mỗi người một ngành nghề, một công việc, song nhờ thú chơi thủy sinh, nhiều người cùng sở thích ở TP.Tam Kỳ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi nhau về kiến thức, kinh nghiệm. Một Fanpage trên facebook cũng đã được tạo lập, trở thành nơi hỗ trợ, chia sẻ mọi điều xung quanh thú chơi thủy sinh.

Hãy thử tìm đến với thú chơi thủy sinh, nếu bạn yêu thích những sắc màu độc đáo của ánh sáng, nước và cây cỏ, yêu thích một góc thiên nhiên được đặt để khéo léo vào trong chiếc bể nhỏ ở trong căn nhà mình!

THÀNH CÔNG