Đình Hương Trà

PHÚ BÌNH - VĨNH LINH 20/02/2022 06:48

Đình Hương Trà ở ấp Hương Trà (nay là khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, Tam Kỳ). Đình tọa lạc gần bờ sông Tam Kỳ: hướng đông nam giáp sông Tam Kỳ; đông bắc giáp ấp Phú Lộc và ven sông Bàn Thạch; tây bắc giáp ấp Hương Sơn. Tất cả ấp trên đều thuộc địa bàn của xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông xưa.

Đình Hương Trà. Ảnh: PHÚ BÌNH
Đình Hương Trà. Ảnh: PHÚ BÌNH

Từ đình Tam Kỳ đến đình Hương Trà

Tiền thân của đình làng Hương Trà là đình xã Tam Kỳ (đình của xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam) - một trong những làng/xã cổ do các vị tiền hiền họ Trần (quê gốc xã Kim Chuyết) và họ Nguyễn (quê gốc xã Ngọc Lâm, đều thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vào vùng ngã ba sông Tam Kỳ lập nên từ cuối thế kỷ 17).

Nhiều vị cao niên ở Tam Kỳ cho biết, đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khuôn viên đình xã Tam Kỳ nằm ven đường thiên lý, về phía nam Quỳnh Phủ hội quán của Hoa kiều ở Tam Kỳ. Nay, vị trí đó ở khu vực góc đường Phan Châu Trinh và Duy Tân, gần con hẻm dẫn xuống giếng Bốn Trụ thuộc phường Hòa Hương (Tam Kỳ). 

Đến khoảng đầu thế kỷ 20, chưa rõ vì lý do gì, lý hào xã Tam Kỳ đã chuyển đình làng Tam Kỳ và bàn thờ các vị tiền hiền làng về vị trí chùa Ông (còn gọi là miếu Ông) ở ấp Hương Trà, và từ đó ngôi đình này được dân địa phương quen gọi là đình Hương Trà. Từ khi đình Tam Kỳ chuyển về nơi mới, các bàn thờ được sắp xếp lại. Gian hậu tẩm đặt bàn thờ các vị tiền hiền và hậu hiền.

Đến nay, chưa tỏ tường thời điểm dựng đình làng Tam Kỳ; chỉ biết từ cuối thời Gia Long đến đầu thời Thiệu Trị (1843) đã có nhiều sắc phong thần được cung nghinh, thờ phụng ở ngôi đình này. Cụ thể:

“Thành hoàng làng Tam Kỳ” được sắc phong “Bảo an chi thần” vào ngày 27 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), gia tặng “Bảo an thành hoàng chi thần” vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), gia tặng thần hiệu “Bảo an chánh chân hựu thiện chi thần” vào ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).

“Đại càn quốc gia Nam hải tứ vị tôn thần” được phong tặng thần hiệu “Hàm hoằng quang đại chí đức chuyên biện hiển hóa thượng đẳng thần” vào ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852).

“Bạch mã tôn thần” được tặng thần hiệu “Dương uy ngự vũ bảo chứng kiện thuận hòa nhu hàm quang tôn thần” vào ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852).

Và một sắc phong danh hiệu “Quan thánh đế quân miếu hộ quốc tý dân” cho miếu Quan Thánh tọa lạc ở ấp Hương Trà; sắc này ký ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).

Tất cả bằng sắc hiện còn này đều là bản sao (có chứng thực của quan Tuần phủ Nam Ngãi lúc đương thời), được bảo quản tại một gia đình ở khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương (Tam Kỳ). Lý do có các bản sao này được ghi lại là “Do mối mọt, ẩm thấp làm hư hỏng các bằng sắc nên lý trưởng Trần Cương của làng đã sao lại (ký ngày 10.10.1887), xin quan tỉnh chứng nhận để gửi ra triều đình xin cấp các bản sắc mới”.

Vị trí mới của đình xã Tam Kỳ ở ấp Hương Trà nằm ngay trước miếu Quan Thánh đế quân đã có từ trước. Khu đất này nguyên là nền của một di tích Chăm (đến nay vẫn còn tượng hai voi đá Chăm đặt trước sân đình). Gian chính giữa đình mới (còn gọi là đình Hương Trà) thờ chư tộc tiền hiền cùng các tộc phối tự (cùng được thờ).

Về sau, miếu Quan Thánh bị hư hỏng, các kỳ lão xã Tam Kỳ đã ra Hội An mua một phiên bản tượng Quan Công, Chu Thương, Quan Bình (giống như bộ tượng thờ ở Quan Thánh miếu Hội An) về đặt bên tả nội đình. Đến khoảng năm 1947 - 1950, sau tiêu thổ kháng chiến, hai tượng Chu Thương và Quan Bình đã bị mất. Hiện nay, chỉ còn tượng Quan Thánh đặt ở vách bên tả nội đình, gần cửa ra vào.

Kiến trúc đình Hương Trà

Đình Hương Trà quay mặt về hướng nam, nơi có dòng sông Tam Kỳ chảy qua. Trước sân đình, hồi nửa đầu thế kỷ 20, sum sê vườn sưa cổ thụ. Sau kháng chiến chống Pháp, kiến trúc cổ của đình chỉ còn lại gian hậu tẩm. Về sau, ngôi đình này được tu bổ nhiều lần. Ngôi đình được trùng tu khang trang lại vào năm 2003 - hoàn thành năm 2006 và tu bổ thêm vào năm 2020 do kinh phí nhà nước đầu tư và dân địa phương đóng góp.

Kiến trúc đình Hương Trà hiện tại có thể mô tả tổng quát như sau: hai trụ giữa đình đắp hình rồng uốn lượn ôm quanh cột đình, mái đình lợp bằng ngói âm dương; trên chóp mái đắp nổi hình rồng “lưỡng long triều nhật”(?) được cẩn bằng sành sứ dân gian, các duôi mái từ dưới lên trên chạm hình các con vật trong tứ linh (long, ly, quy, phụng) góp phần thể hiện sự cổ kính mang màu sắc tâm linh.

Ba cửa chính đều được làm bằng gỗ, vòm cửa hình vòng cung khá đẹp. Vào bên trong ta có thể nhận rõ ngôi đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống “nhất gian nhị hạ” - một gian hai chái.

Các hàng cột đều được làm bằng gỗ mít, các xà ngang trính được kết nối với nhau bởi các vì kèo, trính, đòn tay. Đà ngang được đâm xuyên có hai trỏng quả đỡ lấy các xuyên thượng, trên đầu các cột gỗ đều được chạm khắc, trang trí hình muông thú, hoa lá... Trên các gian thờ cũng trang trí các hình sơn thủy, tứ linh, tứ quý và các câu đối.

Đình Hương Trà (cùng với đình Phương Hòa) là hai ngôi đình trên địa bàn Tam Kỳ còn lưu giữ lại tục thờ cúng Thành hoàng - một trong những tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống tâm linh của người dân ấp Hương Trà nói riêng và dân xã Tam Kỳ xưa nói chung.

Hàng năm tới ngày 15.4 âm lịch, dân làng Hương Trà tổ chức lễ tế Thành hoàng tại đình nhằm tạ ơn công đức vị Thành hoàng cùng các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai khẩn, quy dân lập ấp dựng làng, cầu mong cho quốc thái dân an.

PHÚ BÌNH - VĨNH LINH