Tính sinh kế cho người dân lòng hồ thủy điện
Cần có một chương trình tổng thể, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân lưu vực lòng hồ thủy điện. Đó là nội dung cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì vào cuối tuần qua với 22 đơn vị thủy điện đang vận hành phát điện trên địa bàn.
Tạo sinh kế bền vững
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thông tin, hằng năm các nhà máy thủy điện đóng góp hơn 1,5 triệu MW điện vào nguồn điện năng quốc gia. Có 22 nhà máy thủy điện vừa đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh, tham gia cắt lũ vào mùa mưa, điều tiết nước vào mùa hạn.
Đồng thời có nhiều hoạt động an sinh xã hội cho người dân. Song, mỗi đơn vị thủy điện đều có một cách làm riêng, không có sự phối hợp, các hoạt động trao sinh kế chỉ nhất thời, không bền vững...
Đời sống của một bộ phận người dân ở lưu vực lòng hồ thủy điện vẫn còn khó khăn. Dẫn đến việc tác động của người dân vào rừng đầu nguồn, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc phát điện.
“Vì vậy, ngoài chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh, các nhà máy thủy điện cần hiến kế xây dựng một chương trình khung trong việc ổn định sinh kế bền vững cho người dân” - ông Bửu nói.
Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, năm 2021, có 7 thủy điện đã đóng góp nguồn thu hơn 30 tỷ đồng cho địa phương, công tác phối hợp trong thời gian qua cũng khá tốt.
Tuy nhiên, hiện nay cái khó của huyện là 2 khu tái định cư thủy điện A Vương gồm Cutchrun, Pachephalanh trước đây chỉ có 327 hộ sinh sống, nay phát sinh mới 132 hộ.
Địa phương không có quỹ đất để bố trí định canh định cư, các chương trình hỗ trợ, trao sinh kế cũng khó thực hiện. Rất mong UBND tỉnh, nhà máy thủy điện A Vương sớm có sự quan tâm để giúp bà con ổn định cuộc sống.
“Phải làm tốt công tác dân vận giữa nhà máy thủy điện, chính quyền địa phương, có như thế mới tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chương trình sinh kế” - ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, chia sẻ.
Theo ông Chương, Nam Giang có 6 đơn vị thủy điện đang hoạt động, diện tích lòng hồ sông Bung khá rộng lớn. Song, việc phát triển nuôi trồng thủy sản cũng còn quá khiêm tốn, mới chỉ có 13 hộ nuôi tự phát.
Do vậy, huyện đề xuất các đơn vị thủy điện quan tâm đến công tác thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ ngư lưới cụ, cùng với địa phương xây dựng các mô hình nuôi cá lồng bè quy mô lớn...từng bước tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số tại địa phương.
Cần triển khai hiệu quả
Ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, qua 10 năm thành lập, đơn vị đã hoàn thành trồng 400ha rừng thay thế. Trong 7 năm gần đây, Công ty Thủy điện Sông Tranh đều tổ chức thả cá, với số lượng lên đến hơn 550.000 con cá giống, đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, đơn vị làm nhà tình nghĩa cho người dân, trao máy tính, xe đạp cho học sinh...
Với gợi ý của Quảng Nam, ông Toàn đề xuất nên cấp gạo, giống cây để bà con trồng rừng tại các lưu vực lòng hồ thủy điện. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dược liệu, rừng gỗ lớn và nâng cao chi phí bảo vệ rừng cho người dân... là hoàn toàn hợp lý.
Làm sao để bà con có điều kiện kinh tế ổn định, thì họ sẽ chuyên tâm giữ rừng. Có giữ rừng tốt nơi đầu nguồn thì các nhà máy thủy điện mới đảm bảo nguồn nước để phát điện.
Ông Toàn thông tin thêm, từ đầu năm 2022 đến nay, nguồn nước về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 trong xanh hơn rất nhiều. Đây là tín hiệu khả quan cho công tác trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn của Quảng Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, hiện có hơn 20.000ha đất trống trong lưu vực lòng hồ của 22 thủy điện. Trong đó có đến 10.000ha đất nương rẫy thuộc dạng sản xuất không được, kém hiệu quả. Do đó, cần tập trung chuyển đổi diện tích này để ổn định sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân.
Để giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các đơn vị thủy điện phải là lực lượng chủ công trong việc triển khai 3 nhóm vấn đề: trồng rừng, tái tạo nuôi trồng thủy sản và du lịch trên lòng hồ thủy điện.
“Trước mắt, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tham mưu xây dựng khung chương trình tổng thể, cho từng lưu vực, xây dựng cơ sở dữ liệu thủy điện và giám sát quá trình thực hiện... có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.
Làm sao để đời sống người dân thật sự thoát nghèo và Quảng Nam sẽ trở thành đơn vị điểm của cả nước trong quá trình thực hiện ổn định sinh kế bền vững lâu dài cho bà con lưu vực lòng hồ thủy điện” - ông Bửu nói.