Gỡ khó cho công tác điều trị Covid-19

LÊ QUÂN 14/02/2022 07:33

Yêu cầu có sự phối hợp giữa nhân viên y tế các tuyến cũng như thiết lập mạng lưới điều trị theo phân tầng Covid-19 trong thời gian tới được đặt ra để công tác điều trị Covid-19 có hiệu quả nhất định.

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi trường hợp F0 điều trị tại nhà. Ảnh: L.Q
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi trường hợp F0 điều trị tại nhà. Ảnh: L.Q

Tại cuộc làm việc với Tiểu ban Điều trị phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị Sở Y tế thống nhất trưng dụng Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế để thành lập cơ sở điều trị Covid-19 và phải trang bị đầy đủ thiết bị điều trị.

“Sở Y tế cập nhật hằng ngày phác đồ điều trị; quản lý và vận hành có hiệu quả phần mềm điều trị F0 tại nhà. Tất cả cơ sở khám chữa bệnh từng bước thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi vừa tiếp tục khám chữa bệnh thường quy đồng thời sẵn sàng dành 10 - 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị Covid-19” - ông Trần Văn Tân nói.

Hiện nay, Quảng Nam có 4 cơ sở điều trị thể nặng, nguy kịch và 37 cơ sở điều trị thể nhẹ, không triệu chứng tại các huyện, thị xã, thành phố cùng với 4 khu thu dung điều trị Covid-19 tại các bệnh viện,Trung tâm Y tế. Ngoài ra, các địa phương đã thành lập 108 Trạm y tế lưu động và 11.605 ca bệnh được theo dõi, điều trị tại nhà.

Nhận định nguồn nhân lực y tế tại Trạm y tế xã thiếu để đảm bảo việc quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, chưa có sự vào cuộc của các ban ngành khác, chỉ đơn thuần có cán bộ Trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động dẫn đến F0 điều trị tại nhà chưa được quan tâm đúng mức. Hiện các địa phương vẫn chưa có phần mềm quản lý F0 tại nhà thống nhất toàn tỉnh.

Trong khi đó, ở các cơ sở điều trị tập trung, việc thiếu nhân lực bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, điều dưỡng đủ năng lực để tham gia các ê kíp trực tại cơ sở thu dung điều trị tầng 3 là câu chuyện được đặt ra.

Báo cáo từ Tiểu ban điều trị cho biết, sự điều phối nhân lực từ Sở Y tế còn bất cập, việc hỗ trợ ê kíp chuyên sâu từ các đơn vị chưa kịp thời, chưa có sự hỗ trợ giữa các đơn vị trong ngành y tế. Ngoài ra, việc cung cấp thuốc điều trị triệu chứng như chống đông, kháng vi rút chưa kịp thời và đầy đủ.

Công tác chuyển tuyến rất khó khăn, đặc biệt là các ca bệnh nặng cần chuyển về Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam theo phân công của Bộ Y tế. Bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật, thủ thuật, sinh đẻ, thận nhân tạo chưa có cơ sở đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế.

Hầu như tất cả tuyến huyện chưa có hệ thống ô xy lỏng, khí nén theo quy định. Chưa kể, hầu hết cơ sở thu dung điều trị chỉ được cấp mã tạm bảo hiểm y tế và chưa được thanh quyết toán về bảo hiểm y tế...

Sắp tới, Quảng Nam sẽ có kế hoạch về phân tầng thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo đó, cùng với việc sử dụng Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam làm cơ sở điều trị tầng 3 và người bệnh Covid-19 cần can thiệp phẫu thuật, bệnh kèm, sinh đẻ..., tại 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh sẽ thiết lập phòng mổ áp lực âm tạo tính bền vững và lâu dài cho các bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tính toán để thiết lập cơ sở thu dung điều trị Covid-19 trẻ em thể nặng (tầng 2) tại Bệnh viện phụ sản Nhi. Các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập từng bước thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi, dành từ 10 - 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị Covid-19.

Dự kiến, Quảng Nam sẽ từng bước giải thể cơ sở thu dung điều trị cấp tỉnh tại Trung đoàn 885, chuyển Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch về thực hiện nhiệm vụ vừa điều trị Covid-19 tầng 2, vừa điều trị nội ngoại trú bệnh lao và bệnh phổi hoặc chỉ đơn thuần chức năng điều trị bệnh lao và bệnh phổi; giải thể dần các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng tuyến huyện...

LÊ QUÂN