Tấm lòng với đất quê

LÊ THÍ 13/02/2022 06:08

“Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ” (NXB Hội nhà văn, tháng 11.2021) là một nghiên cứu chuyên sâu về làng xã của vùng dọc các nhánh sông Tam Kỳ. Đây là tập sách của nhóm tác giả Phú Bình - Lê Đình Cương, Phạm Thông, Phú Thiện - Ngô Đăng Khoa, Nguyễn Thị Vĩnh Linh.

Bìa tập sách “Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ”.
Bìa tập sách “Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ”.

Nguồn tư liệu quý

Sinh thời, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghiên cứu lịch sử của làng là khó nhất vì đây là khu vực nhỏ, tài liệu tham khảo rất ít. Viết về làng xã Quảng Nam lại càng khó vì đây dù sao cũng là vùng đất mới hình thành vào thời “tranh tối tranh sáng”, vùng “biên địa” nên giai thoại, truyền thuyết nhiều hơn là “sử liệu” chính thống.

Mặt khác, không như khu vực phía bắc, làng xã vùng nam Quảng Nam lại ít được nghiên cứu. Trong khi đó, đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và chiến tranh, những tài liệu vốn đã ít lại bị hủy hoại quá nhiều. Vì vậy, việc ra đời của tập nghiên cứu là một việc làm cần thiết và một cố gắng đáng được khích lệ, hoan nghênh.

Nhóm tác giả sách là những người được sinh ra, lớn lên và gắn bó với Tam Kỳ nên đây là một lợi thế để nghiên cứu. Cũng vì thế sách được viết bằng cả tấm lòng. Nhưng trong khi nghiên cứu, các tác giả đã không để “trái tim” lấn át “ngòi bút”, luôn khẳng định tinh thần khiêm tốn “biết gì nói nấy, biết đến đâu nói đến đấy”.

Đọc cả 7 chương của quyển sách ta thấy tinh thần “bản địa” và “tôn trọng sự thật khách quan” thể hiện khá rõ. Trong phần 5, khi nói về các làng nghề, nếu không phải là người Tam Kỳ, suốt đời “ăn nằm” với Tam Kỳ thì không thể nói một điều đơn giản nhưng lại rất đặc biệt, rất “lạ”: “Nấu hến không dùng củi vì củi cháy chậm, ngọn lửa nhỏ, không đủ nhiệt lượng, trong khi đó việc chế biến rất gấp gáp, nhiệt độ thấp sôi chậm, con hến không hả họng đều” (trang 189). Lâu nay phần lớn đều nghĩ nấu bằng lá vì dễ kiếm, rẻ tiền lại là món đặc sản của vùng ven sông biển.

Hay trong phần 4 khi đề cập nhân vật Lê Văn Long, một nhân vật lịch sử hiện còn nhiều tranh cãi, Phú Thiện - Ngô Đăng Khoa đã thận trọng ghi: “Dựa vào gia phả và các sắc phong còn lưu lại ở nhà thờ tộc Lê, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng trong tác phẩm “Quảng Nam - Đất nước & Nhân vật” và “Tự điển nhật vật lịch sử Việt Nam” cho rằng: Đô đốc Long, một võ tướng thời Tây Sơn, người chỉ huy đạo quân thứ ba trong chiến dịch giải phóng Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu…” (trang 136). Trước những vấn đề nhạy cảm, tác giả đã chọn cách “kế thừa”, một sự chọn lựa khôn ngoan và hợp lý.

Điền dã công phu

Trọng tâm của sách là ở các phần 1, 2, 3 và 6. Phần này các tác giả đã sử dụng hệ thống tư liệu khá phong phú và độc đáo được tích lũy trong thời gian dài kết hợp cùng một số tài liệu lịch sử chính thống để trình bày lại quá trình hình thành, phát triển và đặc điểm của các làng xã trên vùng đất mà ngày nay gọi là TP.Tam Kỳ.

Tác giả đã khai thác các tài liệu chính thống theo chiều dọc thành một trục, dựa vào một số mốc thời gian chính, đi lần lượt từ “Ô Châu cận lục” (1555) đến “Phủ biên tạp lục” (1776), “Địa bạ Gia Long” (1814), “Đồng Khánh Địa dư chí” (1888), “Bản đồ của Nha địa chính Đông Dương” (1936)... Nhưng nếu chỉ dựa vào các tài liệu này không thể dựng lại được một cách có hệ thống lịch sử của các làng xã xưa mà phải nhờ vào hệ thống tư liệu sưu tầm được qua điền dã.

Đình Hương Trà (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Ảnh: Phương Thảo
Đình Hương Trà (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Có thể nói các tài liệu thu thập được từ điền dã là phần quan trọng nhất làm nên hồn cốt của nghiên cứu. Phần chính thống chỉ là phần cốt lõi mà thôi và nhiều người có thể có được nhưng phần “tư liệu riêng” thì chỉ tác giả mới có nhờ là người địa phương, chịu bỏ công sức để sưu tầm (cộng thêm may mắn) và nhất là phải tinh thông Hán văn mới có thể tiếp cận, xử lý thông tin trước khi sử dụng.

Chính vì vậy các tài liệu điền dã sưu tầm được là vô cùng quan trọng và giá trị. Những tài liệu này một phần làm nên phần phụ lục ở cuối sách vừa phong phú vừa cần thiết. Đồng thời không những minh họa cho phần chính văn ở các phần trước mà còn là một kênh lưu giữ những tư liệu quý hiếm nhưng có nhiều “nguy cơ” bị thất lạc, hư hỏng.

Trong phần 3 nội dung nói về hệ thống đình, miếu và lễ cúng ở các đình miếu. Đây cũng là phần mà tài liệu điền dã đóng vai trò hết sức quan trọng, đã được tác giả dày công sưu tầm. Trong phần này có giới thiệu một số bài văn cúng ở các đình miếu. Rất tiếc, những bài văn cúng này chưa được tổng hợp thành một hệ thống mà chỉ là những đoạn ngắn được đưa vào làm “sinh động” thêm cho vài lễ cúng ở một số đình miếu.

LÊ THÍ