Làng An Hòa qua tư liệu địa bạ
Cách đây hơn 200 năm, địa bạ An Hòa xã cho biết An Hòa là tên của một tổng nằm trong thuộc Hà Bạc phủ Thăng Hoa, cũng là tên của một xã/làng ở một cửa biển lớn phía nam.
Những nét tín ngưỡng dân gian đặc trưng, những xứ đất nôm na còn in hằn trong đời sống tâm linh của cư dân một làng vạn nơi sông - biển giao hòa.
Theo địa bạ gốc mà chúng tôi sao chụp lại từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội), địa bạ của An Hòa xã có ký hiệu lưu trữ là 12063, gồm 14 tờ. Mỗi tờ được viết trên hai mặt giấy. Chữ viết chân phương, rõ ràng. Đó là bản địa bạ được sao lại y bản chính vào năm Tự Đức thứ 26 (1873).
Danh xưng
An Hòa tổng, cùng với Tân An tổng, nằm trong thuộc Hà Bạc của phủ Thăng Hoa. Riêng tổng An Hòa quy tập cư dân các làng xã chuyên nghề lưới, nghề đánh bắt thủy hải sản; không sống liên cư liên địa mà rải rác khắp vùng phía nam sông Trường Giang đến cửa An Hòa, bao gồm phần đất ven biển của huyện Thăng Bình, TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành hiện nay.
An Hòa xã, tức làng An Hòa, thuộc tổng An Hòa đương thời. Địa phận của làng được mô tả: phía đông giáp bãi biển; phía tây giáp sông Trường Giang lấy sông làm giới; phía nam giáp cửa cảng Đại Áp, cũng giáp sông, lấy sông biển làm giới; phía bắc giáp với chỗ cát trắng xứ Long Phước xã Diêm Điền cũng thuộc tổng An Hòa thuộc Hà Bạc, từ bờ sông ngã ba Ổ Gà cho đến cát trắng ngoài biển hai xã (An Hòa và Diêm Điền) lập trụ gỗ (mộc/cây mốc) làm giới.
Có thể thấy, làng An Hòa tọa lạc ở vị trí địa lý hết sức đặc biệt. Đó là một làng nằm giữa bốn bề sông nước, nơi hội lưu của tất cả ngõ nguồn của sông Trường Giang (cả các sông Tam Kỳ, sông Bến Ván) trước khi đổ ra biển lớn. Không chỉ là nơi các dòng sông gặp biển, làng An Hòa cũng án ngữ ở cửa biển Đại Áp - một cửa biển lớn, quan trọng của vùng đất Quảng Nam xưa.
Đất đai
Tổng diện tích của làng An Hòa là 1.058 mẫu 5 sào 13 thước 8 tấc gồm các hạng đất: ruộng tư các loại có 45 mẫu 5 sào 13 thước 8 tấc; núi đá/núi đất ngoài biển có hai sở; Thần từ Phật tự có 3 mẫu; đất cát trắng hoang nhàn có 1.010 mẫu.
Ruộng đất tư gồm nhất đẳng điền, nhị đẳng điền và tam đẳng điền, thu điền (1 mẫu 6 sào) và phần lớn là hạng tam đẳng điền (36 mẫu). Ruộng đất tư của làng phân bố tại xứ đất Bàu Cau (hơn 5 mẫu) của 21 hộ dân; Bàn Than xứ (3 sào) có 2 sở ruộng của 2 hộ; Cồn Xây xứ có 1 sở ruộng 3 sào của 1 hộ; Bình Đình xứ có 1 sở ruộng 1 mẫu 6 sào do bổn xã đồng canh và ở Bàu Đước xứ là đất ruộng ngập mặn, rộng đến hơn 38 mẫu có 4 sở ruộng của 4 hộ.
Diện tích đất gò nổng hoang nhàn của làng chiếm đến 1.010 mẫu, có 15 hạng nằm rải rác ở các xứ như Hòn Dừa xứ (20 mẫu), Bàn Than xứ (212 mẫu), Đông Tuần xứ (135 mẫu), Bàu Cau xứ (106 mẫu), Bình Đình xứ (hơn 67 mẫu), Cồn Si xứ (28 mẫu), Gành Trên xứ (hơn 431 mẫu), Mõ Đệ xứ (?) (10 mẫu). Do đất đai để trồng trọt của làng không nhiều, dân làng An Hòa chủ yếu tập trung canh tác trên một số xứ đất như Bàu Cau xứ.
Các địa danh của làng An Hòa cùng những mô tả đặc điểm tứ cận của từng sở ruộng phản ánh cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng và rất đặc thù của ngôi làng nằm ở vùng cửa sông cửa biển. Thiên nhiên hóa tạo có cửa biển lớn, sông lớn bao quanh; các bãi biển, các cồn/gò/nổng cát trắng, các khu rừng cấm; các loại cây trồng thích nghi với vùng đất như đước, cau... và nhất là một dạng địa hình đặc trưng hiếm nơi nào có là ghềnh đá, núi đá ngoài biển.
Đời sống tâm linh
Đời sống tín ngưỡng của làng An Hòa cũng được phản ánh rất phong phú, sinh động qua địa bạ. Trong tổng diện tích đất đai của làng, có trích 4 hạng 3 mẫu đất dành cho phần kiết lập các công trình tín ngưỡng của làng. Ba mẫu đất cát trắng dùng cho việc xây cất các công trình này nằm ở Bình Đình xứ (đình, chùa và miếu Thành Hoàng) và Gành Trên xứ (miếu Nam Hải Linh Ngư).
Đình làng An Hòa tọa lạc trên khoảnh đất rộng 1 mẫu ở xứ Bình Đình. Làng cũng dành một sở ruộng 1 mẫu 6 sào trong xứ đất này để dân làng cùng canh tác, hoa lợi thu được lo cho việc chung của làng. Sở ruộng này năm Tân Mùi (1811) bắt đầu tăng trưng cùng thu điền; phía đông giáp cát trắng xứ Bình Đình, phía tây và phía bắc giáp sông Trường Giang, phía nam giáp đất của xứ Mõ Đệ.
Tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) cũng là một tín ngưỡng phổ biến của cư dân vùng Quảng Nam, Đà Nẵng dưới triều Nguyễn. Địa bạ chỉ cho biết làng An Hòa đã kiết lập một ngôi chùa có tên là Quan Thánh Đế Quân tự. Ngôi chùa Ông này nằm trên sở ruộng rộng 1 mẫu ở xứ Bình Đình, phía đông và phía bắc giáp sông Trường Giang, phía tây và phía nam là đất cát trắng.
Trong khi đó, làng kiết lập Thành Hoàng miếu ở một hạng đất rộng 5 sào (phía đông giáp đất cát trắng của chùa; phía tây và phía nam giáp sông Trường Giang; phía bắc giáp đất cát trắng của đình). Ngoài ra, có thể bên cạnh Thành Hoàng miếu của làng có mộ ngài Đại Áp hải môn Cai đội thủ ngự Lễ Nghi hầu. Năm Tân Mùi (1811), ngài mất và xin được táng tại bổn xã địa phận.
Địa bạ còn lưu dấu một tín ngưỡng đặc trưng của cư dân làng An Hòa là tục thờ cá Ông. Đó là một nét tín ngưỡng đậm đà bản sắc của cư dân làng chài xứ biển. Làng An Hòa đã kiết lập miếu thờ cá Ông - gọi là Nam Hải Linh Ngư miếu trên sở đất cát trắng rộng 5 sào (gần 500 m2). Tách biệt ra khỏi các không gian tín ngưỡng cộng đồng khác như đình làng, chùa Ông, miếu Thành Hoàng, miếu Nam Hải Linh Ngư nằm ở xứ Gành Trên, phía tây giáp Trường Giang, phía đông và phía bắc là đất cát trắng và phía nam giáp với đất hoang của xứ Bàu Đước và sông.
*
* *
Ngày nay, ở xã Tam Hải (Núi Thành) hiện có các thôn Đông Tuần, Bàn Than (vốn là các xứ đất của làng An Hòa xưa) và các địa danh như bãi An Hòa, cửa An Hòa... Những danh thắng của làng như ghềnh đá/gành đá Bàn Than, mũi/hòn Bàn Than, đảo Hòn Dứa, Hòn Mang, đảo Đá Chìm và các di tích, cảnh quan như chùa Diên Khánh, rừng ngập mặn ở Cồn Si; khu nghĩa địa Cá Ông ở thôn Thuận An, xã Tam Hải với hơn 500 ngôi mộ lớn nhỏ khác nhau vẫn còn như nhắc nhớ về quá khứ xa xưa của làng đã được bảo lưu trong địa bạ cách đây hơn 200 năm.