Quy hoạch không gian sống bền vững
Không dừng lại ở mục tiêu sắp xếp, bố trí dân cư, Nghị quyết 23 còn hướng đến xây dựng chương trình tổng thể phát triển miền núi, đảm bảo các yếu tố thích ứng bền vững trước thiên tai, cảnh quan môi trường và vùng sản xuất.
Tập trung các nhóm giải pháp
Hiện thực hóa các nội dung Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, đề án “Phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với các nhóm giải pháp được xem như luồng gió mới giúp miền núi có cơ hội phát triển, hướng đến quy hoạch không gian sống bền vững.
Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (đơn vị chủ trì soạn thảo đề án) cho biết, nhiệm vụ phát triển kinh tế miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục xác định tạo đột phá các nhóm dự án động lực nhằm thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng; hoàn thành bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số…
Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển về lâm nghiệp phù hợp gắn với thực hiện kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh và trồng rừng gỗ lớn nhằm quản lý tốt hơn diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp theo hướng liên kết nâng cao chuỗi giá trị kinh tế rừng.
“Trong các nhóm giải pháp này, chúng tôi ưu tiên cho phát triển dược liệu, nhất là bảo tồn nguồn gen và phát triển vùng nguyên liệu chế biến. Đồng thời tập trung sắp xếp dân cư, ổn định sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; xây dựng kết hạ tầng đồng bộ; mở rộng quy mô phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, đưa sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng” - ông Ẩn nói.
Trong chiến lược phát triển mới, miền núi sẽ được phân chia theo 3 vùng cụ thể: vùng núi phía bắc (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang), chủ yếu phát triển dược liệu và cây công nghiệp; vùng trung du (Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước) phát triển cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái và các vùng nguyên liệu, kinh tế vườn, kinh tế trang trại; vùng miền núi phía nam (Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My) sẽ phát triển vùng nguyên liệu dược liệu, sâm Ngọc Linh, quế Trà My, du lịch vùng sâm…
Ưu tiên con người
Đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Nguyễn Bằng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang đề xuất 4 nội dung cốt lõi trong xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - môi trường vùng núi và con người miền núi.
Bên cạnh nhận diện vùng núi và con người miền núi thông qua vị trí địa lý, đặc điểm kinh tế - xã hội và nguyên nhân phát triển chậm, ông Bằng cho rằng cần cách tiếp cận kinh tế - xã hội, thiết kế chính sách đầu tư phát triển, đầu tư dự án động lực với tầm nhìn chiến lược, phù hợp theo đặc điểm từng vùng, từng tộc người miền núi.
Trong đó, chính sách phát triển miền núi cần phải được tập trung theo các thứ tự ưu tiên, chủ yếu về kết cấu hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế; cấp nước sạch, các thiết chế văn hóa; bảo vệ và trồng rừng gỗ lớn, dược liệu dưới tán rừng.
Ngoài ra, ưu tiên sắp xếp, bố trí dân cư; hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất đầu tư các dự án nông - lâm nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và phát triển đô thị trung tâm huyện lỵ có bản sắc kiến trúc vùng núi.
Riêng đối với con người vùng núi với tư cách là chủ thể, cần tập trung đầu tư theo thứ tự ưu tiên về nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền gắn với chế độ tín dụng ưu đãi.
“Thiết kế chính sách đầu tư phát triển cho vùng núi và con người vùng núi nếu phải lựa chọn ưu tiên khi nguồn lực chưa đảm bảo trong từng giai đoạn thì nên ưu tiên đầu tư cho người vùng núi” - ông Bằng chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để phát triển toàn diện cho miền núi, tỉnh dành nguồn lực rất lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế. Miền núi sẽ tiếp tục được hỗ trợ về cơ chế chính sách ưu tiên, đặc thù.
Trong đó, triển khai đồng bộ công tác sắp xếp, bố trí dân cư gắn với phát triển vùng sản xuất, các cụm khu công nghiệp vừa và nhỏ, hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư, giảm nhẹ thiên tai, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
“Điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm phát triển miền núi chính là các trục quốc lộ nối giữa các địa phương miền núi. Nếu các trục quốc lộ này được đầu tư đồng bộ sẽ kéo theo sự phát triển đa dạng miền núi.
Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để phân tích sâu, tìm ra các giải pháp phát triển mới, xuất phát từ cách làm khác biệt, đảm bảo tính khả thi trong chiến lược tổng thể đầu tư phát triển cho miền núi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.