Thi nhân và giai thoại

NGUYỄN ĐÌNH XÊ 06/02/2022 06:04

(Xuân Nhâm Dần) - Khi nhạc và thơ thấm đượm vào hồn người thì chủ thể trữ tình bấy giờ chính là không gian tình yêu, là niềm tương tư bất tận, là nỗi xao động dịu dàng mà ai cũng có khi dõi theo hay vương vấn một bóng hình. Chủ thể ấy xa xôi mơ hồ nhưng cũng gần gụi thân thiết để lúc cất lên điệu nhạc lời thơ thì ai cũng thấy bóng mình thấp thoáng đâu đây...

Dáng xưa. Ảnh: L.T.K
Dáng xưa. Ảnh: L.T.K

T.T.Kh trong “Hai sắc hoa ti gôn”, Diễm của “Diễm xưa”, Ngọ của “Ngày xưa Hoàng thị” và nhiều người khác trong các bài thơ, ca khúc được mến mộ, họ đến từ đâu và tại sao từ thế hệ này sang thế hệ khác người ta mải đi tìm?

Nhân thân, xuất xứ của họ trở thành cái đích hiếu kỳ được săn tìm với nhiều tò mò thích thú cùng lúc với sự cảm kích từ công chúng dành cho thi phẩm và nhạc phẩm mà họ là đối tượng trữ tình.

Kia rồi, người ta đã truy ra T.T.Kh - không chỉ một mà đến hai nàng. Những Diễm, Ngọ cũng lần lượt hiện ra trong mắt công chúng với quê quán, họ hàng, nhà cửa, cháu con. Khúc nhạc, câu thơ từng làm nhiều lứa đôi thổn thức trong nỗi đồng cảm sẻ chia giờ được trả về cho riêng họ. Chẳng ai còn dám mon men đến gần để hào hứng nhận ra thấp thoáng bóng dáng mình trong đó.

Xin đừng vẽ vời thêm, đừng phô ra đôi mắt đen tuyền và bờ môi đỏ kia. Hãy để nàng Kh. mãi tươi xinh mà sâu lắng, cô Ngọ cứ tóc dài áo trắng tung tăng ôm tập vở tan trường và Diễm luôn đi về hư hư thực thực dưới hàng cây long não thường có ở nhiều góc phố chứ không riêng gì Huế bên bờ sông Hương.

Làm ơn đừng phác họa dung nhan và vạch rõ đường đi nước bước của họ.

Vì sao ư? Vì như thế họ tức khắc trở về với riêng họ, bằng xương bằng thịt. Và khi ấy, Kh. - chỉ một mình cô ấy thôi - là người tình của ông Thâm Tâm - thi sĩ hoặc là ý trung nhân của ông Thanh Châu - nhà văn theo cách… truy vết từng diễn ra trên văn đàn.

Diễm trở về với hình vóc thiếu nữ quý phái của riêng Trịnh Công Sơn, còn Ngọ thì khu biệt trong mộng tưởng của một mình Phạm Thiên Thư. Cả Phạm Duy - người phổ nhạc - cũng chẳng có cửa để chen chân vào mớ bụi đỏ ven đường kia đâu, bởi đó là của riêng thi sĩ.

Hãy để bất cứ cô gái nào cũng nghĩ chính mình là Diễm của người trai từng để ý mình, thiếu phụ nào cũng tin mình lắm lúc có ánh nhìn tinh anh xao xuyến như nàng Kh., nữ sinh nào cũng nhận ra dáng mình từng ríu rít tan trường cùng cô Ngọ ngày xưa. Hãy để chàng trai nào cũng bâng khuâng nhớ về cô Kh. của riêng mình vào thời thanh xuân nhiều mộng mị. Và chàng học trò nào mà không có một cô Ngọ của riêng mình để hồi hộp tơ tưởng...

Kh. có thể là người thật của tác giả “Tống biệt hành”, Diễm là thiếu nữ khiến nhạc sĩ họ Trịnh bật lên cảm hứng, Ngọ thì hồn nhiên trong trẻo khiến người viết “Động hoa vàng” thổn thức.

Họ là nhân vật bằng xương bằng thịt, là nguồn cảm hứng da diết của các tác giả khiến câu thơ, khuông nhạc thêm sống động chứa chan nhưng khi đã thành giai điệu, đã vào tứ thơ thì cùng lúc họ tan thành nỗi niềm của từng người thưởng thức với bầu trời cảm hứng và tiếp nhận riêng biệt.

Vậy nên nửa thế kỷ rồi mà cô Ngọ hãy còn ngây thơ lúng liếng, hơn 80 năm đi qua song nàng Kh. vẫn duyên dáng ngồi hong tóc bên khung cửa để nghe tiếng thở dài vời vợi của chàng trai và Diễm thì cứ sớm chiều thầm lặng đi - về, để lại làn hương thao thức dưới hàng cây ven sông.

Họ không thể già đi vì lúc nào cũng còn người ngưỡng mộ bóng hình vun xới kỷ niệm, nhắc nhớ ký ức. Cứ trẻ hoài vì các cô không còn của riêng tác giả mà là của từng người đọc, người thưởng ngoạn với trái tim xao động cùng một điệu rung cảm. Và hãy để chủ thể trữ tình ấy được tự do bay nhảy trong khung trời riêng của từng người cảm thụ, tạo nên giai thoại đẹp để cảm xúc thăng hoa.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ