Acoon Kinh nơi miền rừng xanh thẳm
(Xuân Nhâm Dần) - Hoài niệm được gợi nhắc, chừng như chạm vào miền cảm xúc của rất nhiều Acoon Kinh - cách gọi thân mật của cộng đồng Cơ Tu với đồng bào Kinh sinh sống ở núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Đằm sâu biết bao câu chuyện mưu sinh, những Acoon Kinh vẫn đang đi tiếp quãng đường góp sức dựng xây “quê hương thứ hai” nơi miền rừng xanh thẳm...
Chút ánh nắng mùa đông rơi rớt trước hiên nhà. Bà Nguyễn Thị Thoắt, gần 60 tuổi nhưng vẫn miệt mài bán buôn cho khách. Ở vùng đất đầy nắng gió giáp biên nước bạn Lào như A Xan (Tây Giang), những vị khách của bà Thoắt thật đặc biệt.
“Căn Vững ơi, nhi pay đoong acu xi’looh chọ ta’rí. A’rưah cu ch’root dền ớ!” (Mẹ Vững ơi, lấy giúp tôi dây buộc trâu. Chút xíu tôi mang tiền xuống trả nhé!). Từ trong bếp, bà Thoắt chạy ra, lục tìm chùm sợi dây thừng mang tận tay vị khách - một cụ bà đã trạc tuổi 70, vai đeo gùi, đi chân đất.
Rồi cả hai đều cười, nói chuyện với nhau bằng tiếng Cơ Tu đầy thân mật. Hình ảnh đó đã không xa lạ. Những thân thuộc giữa chủ quán - một Acoon Kinh và đồng bào vùng cao cứ ăm ắp như mùa lúa chín ngay phía chân ruộng bậc thang Chuôr cách đó vài bước.
Hơn 30 năm gắn bó với vùng đất Hiên cũ, nay là Đông Giang và Tây Giang, bà Thoắt nói, không có công việc gì mà vợ chồng bà chưa nếm trải. Từ phụ hồ, lao động thuê, cho đến bán buôn, chăn nuôi gia súc… công việc cứ thế bám lấy cuộc đời mưu sinh nơi miền rừng.
“Có năm, vợ chồng mình phải nương nhờ vườn sắn của người dân địa phương, họ cưu mang giúp vượt qua tháng ngày khốn khó” - bà Thoắt kể.
Câu chuyện bất chợt đứt quãng, bởi khách. Vẫn cách chào cũ, bà Thoắt giao tiếp bằng tiếng Cơ Tu, rồi lật đật giao hàng. Lần này, khách ghi nợ. Một phụ nữ trẻ vì không đủ tiền nên mượn tạm vài cân thịt, cùng ít gia vị, mắm muối để chiêu đãi mấy thanh niên phụ giúp dựng nhà. Ai khó, bà sẵn lòng. Bởi đó là cách để bà trả ơn vùng đất đã chở che gia đình suốt hành trình mưu sinh ở vùng đất mới.
“Mình luôn xem nơi này như quê hương thứ hai nên cũng trăn trở trước khó khăn của bà con. Nhiều đứa trẻ theo mẹ đến đây, thấy trên người không có đồ mặc, mình cũng hay tặng áo quần mới. Họ vui, mình cũng vui theo” - bà Thoắt cười hiền.
Hành trình đến với Tây Giang, vợ chồng bà Thoắt phải “5 lần, 7 lượt” ngược núi men theo những cung đường rừng hiểm trở. “Đường đến đâu, vợ chồng cô đến đó. Hàng hóa phải cõng, phải gùi. Có năm, căn nhà được dựng ở nơi bìa rừng, vợ chồng cô gánh hàng vào tận thôn cung ứng nhu cầu mua sắm của bà con. Cực lắm!”.
Chuyện cũ được gợi nhắc, gương mặt bà Thoắt thoáng buồn, bà kể lúc mới khăn gói từ Hưng Yên vào Quảng Nam, bắt ngược chuyến xe đò duy nhất lên tận P’rao trong chiều mưa núi.
Nhưng, cũng nhờ vậy mà vợ chồng bà nuôi được cả 4 người con, bây giờ có người đang làm cán bộ nhà nước, nhân viên y tế, tiếp tục góp sức dựng xây cho miền rừng xanh thẳm. Cuộc sống của gia đình bà Thoắt đã đổi thay rất nhiều.
Thắm mối lương duyên
Câu chuyện của bà Thoắt như lát cắt mỏng về sự góp mặt của những Acoon Kinh nơi miền đất mây ngàn. Hôm nọ, trong chuyến công tác, tôi ghé quê. Trung tâm xã Sông Kôn (Đông Giang) nay được đặt bằng cái tên Bh’lô Bền, trở thành thôn chung của cộng đồng Cơ Tu - Kinh.
Bh’lô theo nghĩa Cơ Tu là huyền thoại, còn Bền vốn là vùng đất sinh sống đầu tiên của những Acoon Kinh từ sau ngày giải phóng. Hai cái tên ghép lại, gợi nhắc về mối lương duyên bền chặt giữa hai dân tộc anh em chung sống bên dòng sông R’lang xanh ngát.
Ở Bh’lô Bền và cả những vùng lân cận như Bhơ Hôồng, Pho hay một số thôn của xã Jơ Ngây, A Ting… luôn có những câu chuyện về mối lương duyên giữa non ngàn. Ở đó, có những cặp vợ chồng Cơ Tu - Kinh ghép đôi từ hàng chục năm trước. Họ chấp nhận điều kiện, hoàn cảnh, phong tục sống để đến với nhau bằng tình yêu đích thực. Lần trước, tôi ghé nhà ông Zơrâm Vờn ngay trung tâm của Bh’lô Bền.
Ông Vờn có vợ là Nguyễn Thị Thúy, người xã Đại Hồng (Đại Lộc). Hơn 30 năm trước, trong một lần ngược núi đến thăm nhà anh trai, bà Thúy tình cờ quen biết và cảm mến chàng trai Cơ Tu hiền lành, tốt bụng. Rồi cả hai đến với nhau như trong chuyện cổ tích.
Ông Vờn nói với tôi, tất cả là do duyên số, vì hồi đó nghèo khổ quá nên phải làm thuê. Nhưng điều ông không ngờ tới, chính nhờ việc làm thuê ấy lại giúp ông lấy được người vợ miền xuôi xinh xắn.
Tôi ngồi với thầy Nguyễn Cung Tiến, cũng ở Bh’lô Bền. Thầy Tiến là giáo viên thuộc thế hệ đầu tiên lên công tác tại Hiên cũ. Thời đó, vùng đất Sông Kôn - nơi thầy Tiến chọn thanh xuân ở lại, hoang vu và thăm thẳm rừng. Đói ăn và thiếu mặc kèm thêm sốt rét hoành hành, nhiều giáo viên miền xuôi thuở ấy có người đành phải “dừng cuộc chơi” trở về quê kiếm việc làm.
Người ở lại, ngoài thương trẻ, yêu nghề, còn chấp nhận gắn bó cuộc đời nơi vùng đất họ đã chọn để góp sức cho những đổi thay, sau này. Tuổi thanh xuân của thầy Tiến cũng được gửi trọn nơi miền rừng, với những lớp học và ước mơ con chữ của các lớp học trò Cơ Tu nghèo khó…
Không thể kể hết những câu chuyện, tấm lòng của những Acoon Kinh với vùng cao. Bởi, mỗi người ở lại, mỗi đứa trẻ được sinh ra, rồi lớn lên ở núi đều nhận được sự bảo bọc, chở che của mẹ rừng Trường Sơn. Vì thế, trong thâm tâm mỗi người, họ nhận nơi này là quê xứ, với ký ức đẹp tuổi thanh xuân còn mãi.
Nói như anh Bùi Đức Ngọc - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn P’rao thì, dù ở đâu và làm gì, họ vẫn là con dân của mẹ rừng. Cùng chung nguồn nước, chung mái làng và chung cả cuộc sống, họ yêu lấy nơi này bằng tất cả niềm trân quý của con người Việt, dòng máu Việt. Và hơn cả, những lớp trẻ Acoon Kinh bây giờ, đang ngày càng gắn bó với rừng, sõi tiếng Cơ Tu không khác gì người dân địa phương.
“Chia nhau từng gùi sắn, giúp nhau từng bó rau, nhiều thế hệ cán bộ và người dân miền xuôi xem anh em miền núi như ruột thịt. Không phân biệt bản quán, không phân biệt tộc người, những sẻ chia cứ ăm ắp đầy như mùa lúa ba trăng, không thể tách rời” - anh Ngọc chia sẻ.