Tầm nhìn và bài học liên kết vùng từ 420 năm trước
(Xuân Nhâm Dần) - Cách đây 420 năm, năm Nhâm Dần 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đứng trên đèo Hải Vân phóng tầm mắt về phương Nam đã nảy ra một ý tưởng ảnh hưởng đến vận mệnh của cả vùng đất sau này.
Khi được giao kiêm trấn cả Thuận Hóa và Quảng Nam, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vẫn đặt tổng hành dinh ở Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay thuộc tỉnh Quảng Trị); giữ lại các quan chức cấp dưới ở phủ, huyện của Quảng Nam. Đến năm 1602, một sự kiện đã mở ra bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng ngày nay.
Theo sách sử, trong một lần đi kinh lý xứ Quảng, dưới cái nhìn của một người mưu lược và có ý chí xây dựng nơi “dung thân vạn đại”, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi đứng trên đèo Hải Vân phóng tầm mắt về đất, biển phương nam đã nảy ra một ý tưởng ảnh hưởng đến vận mệnh của cả vùng đất.
Ông nhận thấy “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân cũng bằng quá nửa”. Đánh giá dãy núi Hải Vân “là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, ông liền vượt qua núi xem xét hình thế.
Sau đó Nguyễn Hoàng cho dựng trấn dinh ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, xây kho tàng, chứa lương thực. Năm 1602, Nguyễn Hoàng phái hoàng tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào trực tiếp cai quản Quảng Nam; đến năm 1604 cắt huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của Thuận Hóa, chuyển qua Quảng Nam, nâng Điện Bàn lên thành cấp phủ, quản 5 huyện Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu.
Hưng thịnh giao thương
Về không gian địa lý, rõ ràng các cửa biển Câu Đê, cửa Hàn, cửa Đại nối kết với hệ thống sông ngòi lên đến các đầu nguồn giàu tài nguyên phía tây, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của cả vùng. Quả là, sau khi Nguyễn Hoàng cho nhập Điện Bàn vào Quảng Nam, giao con trai trực tiếp điều hành, thì cả xứ Quảng Nam đã nhanh chóng phát triển.
Thương nhân Nhật Bản đã đến Hội An và tổ chức các chuyến giao thương, trao đổi hàng hóa. Theo nghiên cứu của Li Tana (nhà nghiên cứu Đông Nam Á), “sự nhập cuộc của các nhà lãnh đạo họ Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng quả là quan trọng đối với việc duy trì các mối quan hệ thuận lợi với Nhật Bản…
Việc buôn bán với Đàng Trong vào các thập niên 1610 và 1620 trở nên hấp dẫn đến độ một số thương gia người Nhật đã làm giả giấy phép có Châu ấn để tới đây buôn bán”. Cùng với người Nhật còn có thương nhân từ Trung Hoa và các nước Đông Nam Á và cả từ châu Âu.
“Lý do khiến có nhiều thương gia như vậy hàng năm từ Trung Hoa đến Quảng Nam là vì có thể tìm thấy ở đây một trung tâm buôn bán với các nước và vùng lân cận” (Li Tana, Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18).
Phát triển giao thương, buôn bán qua các cửa biển Đà Nẵng, Hội An đã đem lại cho các chúa Nguyễn mối lợi lớn. Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn ghi lại: “Các xã Minh Hương ở Hội An, Cù Lao Chàm, Cẩm Phố, Làng Câu có Sai Ti Thám Báo.
Hễ thấy tàu tới Quảng Nam, vào cửa biển Đại Chiêm, Hội An, cửa biển Đà Nẵng hay Vũng Lấm để buôn bán thì phải nộp các hạng thổ vật và đóng thuế xuất, thuế nhập theo lệ đã định…
Thường niên đến tháng Giêng, các viên cai bạ, tri bạ, lệnh sử, ký lục thuộc Tàu ty vào phố Hội An, sai thuộc quân thông hiểu tiếng ngoại quốc, ra giữ Cù Lao Chàm và cửa biển Đà Nẵng, thấy có thuyền buôn nước ngoài đến thì xét hỏi từng chiếc…
Các tàu Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến và Ma Cao đều dâng lễ tiến…. Thuyền buôn các nước khác bị gió đánh bạt đến, nếu họ xin được tạm trú thì cho họ đậu ở cửa Hàn và Cù lao”.
Bài học liên kết vùng
Đứng trên đỉnh đèo Hải Vân, trong cuộc tuần du năm Nhâm Dần 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã có một cái nhìn bao quát về địa thế và có lẽ cũng cần trực giác của một nhà chiến lược để đưa đến việc nhập Điện Bàn của Thuận Hóa vào Quảng Nam.
Quyết định của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng không chỉ chấm dứt một sự cắc cớ về địa giới kéo dài gần 200 năm mà còn mở ra một bước ngoặt lịch sử cho cả vùng Đà Nẵng và Quảng Nam.
Với sự sáp nhập Điện Bàn vào Quảng Nam, với cửa biển Đà Nẵng và con sông Cổ Cò nối liền vào cửa Đại, toàn bộ xứ Quảng Nam đã trở nên phồn thịnh.
Cho đến cuối thế kỷ 18, một thương nhân người Quảng Đông nhận xét: “Từ Quảng Nam về thì mua được trăm loại hàng hóa, thứ gì cũng có. Không một phiên bang nào có thể sánh kịp. Phàm hóa vật được sản xuất từ các phủ như Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Quảng Nghĩa, Bình Khang và dinh sở Nha Trang thì đường thủy hay đường bộ, đi thuyền hay đi ngựa đều đổ dồn về phố Hội An, cho nên thương nhân thường tụ họp ở đây, hàng hóa rất nhiều, dù cả trăm chiếc thuyền lớn cùng đồng thời đến để chuyên chở cũng không thể hết được”.
Đến cuối thế kỷ 20, Đà Nẵng và Quảng Nam lại tách ra thành hai đơn vị hành chính tương đương. Điều này có một số mặt tích cực trong việc tạo nên sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo mỗi đơn vị; nhưng nếu không quan tâm đến yêu cầu gắn bó giữa các điều kiện địa thế bổ sung cho nhau sẽ dễ dẫn đến những thiệt hại, kiềm chế sự phát triển chung. Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là việc điều tiết nước giữa đầu nguồn ở Quảng Nam và việc ngập mặn vào mùa nắng, ngập lụt vào mùa mưa ở hạ nguồn Đà Nẵng.
Dù trong tương lai có sự điều chỉnh sáp nhập địa giới nữa hay không, thì việc liên kết giữa Đà Nẵng và Quảng Nam luôn luôn là bài học quý báu từ tiền nhân. Thật tuyệt vời cho cả hai địa phương nếu một ngày nào đó, sản vật, hàng hóa từ Nam Lào, từ rừng núi Quảng Nam nhanh chóng, tấp nập xuất qua cửa ngõ Đà Nẵng.
Khách du lịch đến Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, có thể tiếp tục đi thăm di sản Mỹ Sơn, rồi qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc (Quảng Nam) để thăm di sản Vat Phu ở Champasak (Lào)... chung một tour lữ hành.