Tạo động lực cho kinh tế tư nhân

ĐINH VĂN ĐÀO 05/02/2022 08:38

(Xuân Nhâm Dần) - Doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh, là động lực quan trọng của nền kinh tế Quảng Nam.

Công nghiệp ô tô tạo bước đột phá phát triển kinh tế tư nhân của Quảng Nam. Ảnh: H.QUANG
Công nghiệp ô tô tạo bước đột phá phát triển kinh tế tư nhân của Quảng Nam. Ảnh: H.QUANG

Kinh tế tư nhân tăng nhanh

Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có tổng số 6.778 doanh nghiệp (DN) tư nhân, chiếm 97,7% tổng DN toàn tỉnh, gấp hơn 11 lần năm 2005. Nguồn vốn kinh doanh của DN kinh tế tư nhân là 193,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,8% tổng vốn DN, gấp hơn 45 lần năm 2005.

Năm 2020, các DN đóng góp khoảng 65% GRDP của tỉnh; trong đó DN kinh tế tư nhân đóng góp 42,2% GRDP (năm  2005: 22,5%; năm 2000: 7,5%). DN kinh tế tư nhân đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh (65 - 70% tổng thu nội địa).

Tuy vậy, DN kinh tế tư nhân của tỉnh có quy mô tương đối lớn chỉ chiếm 2% DN; 98% DN loại vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Bình quân lao động/DN thấp và giảm (năm 2020: 15,3 lao động/DN; 2005: 34,4 lao động/DN), dưới 60% lao động qua đào tạo.

Ở miền núi DN phát triển chưa đáng kể. Đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, dịch vụ còn khó khăn. Chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ và năng lực cạnh tranh... còn hạn chế.

 

Thiên tai xảy ra, đại dịch Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn. Giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng nhanh, lãi suất cho vay cao, gây nhiều bất lợi cho DN và nền kinh tế, nhất là các DN công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải; các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Chính phủ đang triển khai chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng chống dịch; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp đồng bộ, các quyết sách hỗ trợ DN, các gói kích thích kinh tế đủ lớn; khắc phục đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; kết nối thị trường, kết nối toàn cầu phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tích hợp chiến lược tổng thể của Chính phủ, Quảng Nam thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch bệnh Covid-19 và chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; tái cơ cấu kinh tế. Vì vậy cần triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp. 

Cần giải pháp đột phá  

Tư duy về chiến lược phát triển của tỉnh trong những năm đến cần được quan tâm đúng mức. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn quy hoạch phát triển vùng không gian sinh thái và liên kết vùng; kiến tạo các động lực tăng trưởng mới, gắn với 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược.

Định hướng chiến lược phát triển bền vững, đột phá; gia tăng quy mô kinh tế lên gấp đôi hiện nay (năm 2020 chiếm gần 2% GDP cả nước) và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế (GRDP đầu người lên 5.000 USD, năm 2020 là 2.741 USD). Đây là thách thức lớn, Quảng Nam cần có những giải pháp đột phá.         

 

Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chiến lược phát triển DN và kinh tế tư nhân. Tỉnh cần tổng kết Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy và ban hành mới để tạo điều kiện phát triển DN.

Cần sớm xác định các cụm ngành động lực vùng tây (trung tâm chế biến sâu nông lâm sản, dược liệu; du lịch sinh thái, đô thị đặc thù); đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược kết nối vùng, liên vùng.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần có chương trình tổng thể gắn với cơ cấu lại kinh tế; hỗ trợ DN về đầu tư hạ tầng các khu cụm công nghiệp, dịch vụ trọng điểm, các cụm ngành động lực theo vùng; tháo gỡ khó khăn về tiếp cận đất đai, mặt bằng; chính sách vốn vay, thuế hợp lý...

Phát triển DN và kinh tế tư nhân gắn với đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Cần có một chương trình tổng thể, cơ chế đặc thù đủ hấp dẫn để thu hút DN kinh tế tư nhân đầu tư vào vùng tây, sẽ tạo nhiều dư địa phát triển.

Vấn đề lớn hiện nay là tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thu hút đầu tư DN liên kết theo chuỗi giá trị nông lâm sản, du lịch nông nghiệp, sinh thái; đầu tư công nghệ, tạo vùng nguyên liệu gắn chế biến sâu. Cần sớm ban hành chính sách tích tụ ruộng đất; cơ chế liên kết nông dân, HTX và DN để kích hoạt, tạo bước phát triển đột phá...

Tỉnh sớm có chủ trương xây dựng khu công nghiệp công nghệ thông minh, phát triển kinh tế số; có cơ chế chính sách thuận lợi để tạo điều kiện cho Thaco sớm đầu tư phát triển cụm ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí - ô tô khu vực; phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành may, giày, điện tử... Đây là lĩnh vực tiềm năng, cần đột phá về chính sách phát triển.

Ngoài ra, đẩy mạnh chiến lược đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh, đáp ứng nhu cầu xã hội. Có chính sách hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động DN, thích ứng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số.

Quy hoạch, sắp xếp, điều chỉnh lại hệ thống các trường đào tạo; cơ chế liên kết đầu tư phát triển. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ, liên kết DN đào tạo nghề phục vụ phát triển các cụm ngành kinh tế động lực vùng; hỗ trợ đào tạo DN vừa và nhỏ, DN nông thôn, miền núi.            

Quảng Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, kiến tạo động lực đột phá. Hy vọng với các quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế của tỉnh, các DN kinh tế tư nhân sẽ mạnh dạn đầu tư vào địa bàn, là động lực quan trọng đóng góp ngày càng tăng vào nền kinh tế địa phương trong những năm đến.

ĐINH VĂN ĐÀO