Phù sa chợ búa
(Xuân Nhâm Dần) - Thời tóc cột nhổng đuôi gà, tôi hay lén mẹ chui vườn sau nhà nội để ra bờ sông. Đó là khúc rẽ mà người lớn hay gọi chi lưu của dòng Vu Gia đoạn chảy qua Ái Nghĩa. Nhà có người đuối nước nên mẹ cấm tiệt chuyện tập bơi. Vượt sông trở thành khao khát ám tượng suốt thời thơ bé. Bên kia bờ, biền bãi xanh um nên việc cấm đoán đã vô tình biến bờ kia thành kho báu mà đứa trẻ là tôi luôn muốn chinh phục.
Đôi hồi, tôi nhặt được mấy mảnh gạch và tự ám thị ấy là đồ dùng của người Hời như lời ngoại dặn: “Thấy đâu thì để yên đó, đừng lấy mang về!”. Chuyện ngoại kể quanh các món quý liên quan đền đài người Chăm không làm tôi sợ mà trái lại, mơ màng về hôn lễ của chàng Rama và nàng Sita.
Những mảnh gạch, rồi những mảnh vỡ sành sứ, sau này lớn lên mới biết nếu có chăng thì là di chỉ hiện vật gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa thời Lâm Ấp hay tiền Chămpa. Nhưng hồi đó, lại mơ về quà cưới mà Rama trao cho Sita đánh rơi trên đường rong chơi ngược nguồn xuôi bể, dọc theo Hội Khách, An Điềm, Hà Tân, Ái Nghĩa, Túy Loan…
Khi tôi vào tuổi tam thập nhi lập, ven sông Ái Nghĩa không còn vọng lại đôi tiếng í ới trong sương mờ của các mẹ các chị đi lấy giá đúc cho kịp buổi chợ sớm mai. Chợ Ái Nghĩa, vào thời hậu chiến cho đến những năm 80 của thế kỷ 20, là nơi trao đổi hàng hóa sầm uất của hai miền xuôi ngược.
Ăn nhiều nơi, nhưng không đâu cọng giá đỗ ngọt giòn như ở quê tôi. Cát ven sông ngậm phù sa thượng nguồn nên giá có vị thanh và hương ngái ẩm không lẫn vào đâu được. Sau này lở bồi, người làng hiếm còn đúc giá kiểu cũ. (Là lấy cát về cho vào chum sành ủ giá chứ không ra sông nữa). Chỗ đứng hẹn hò ở gò Lớn ven sông Ái Nghĩa, bờ đất cũng đã chìm sâu đáy sông.
Mươi năm trở lại đây, chính quyền kịp làm bờ kè, sông thôi lở. Và nay đã nhộn nhịp dãy hàng quán nhậu bình dân, quầy ăn vặt. Những quán gió bên đường khoác cho phố thị cái vẻ chộn rộn nôn nao giữa một bên bứt lên đòi ra phố và bên kia là giữ lại biền đậu bắp ớt mướt xanh. Những mướt xanh từ phù sa nuôi lớn bao thế hệ.
GS. Trần Quốc Vượng viết rằng “ở thung lũng, ở đồng bằng và ở một vùng “sông nước” như toàn thể Việt Nam khi mà tính trung bình mỗi kilômet vuông đất đai có trên một kilômet sông suối thì từ cái làng định cư đầu tiên - ở thời đại đá mới hay ở thời đại kim khí - cho đến về sau đều là làng ven sông suối”.
Làng đó, sẽ là nơi neo giữ những gì thuộc về nguồn cội. Phải chăng, đó trở thành điều mà các nhà quy hoạch đang theo đuổi - phát triển đô thị tiếp tục tựa vào các dòng sông?
Chột dạ, đời mình sao cứ gắn với sông. Tôi ngụ cư ở đất Tam Kỳ, ngõ sau nhà, ngó ra là một đoạn sông Bàn Thạch. Chim cò ở bãi bụi ven Bàn Thạch nhiều nhưng vẫn cứ ám ảnh tiếng vạc và bắt cô trói cột. Mỗi bận nghe vạc kêu sương, lại nghĩ đến những đứa đi xa khỏi cương tỏa của mấy nhánh sông quê.
Cháu ngoại, cháu nội họ Phan Phiếm Ái, từ đời thứ ba, thứ tư trở đi đã ít còn quanh quẩn xứ này. Chuyện TÁN hay TỤ trở thành tâm điểm các cuộc đàm đạo của người lớn mỗi bận tết về, kèm theo tiếng thở dài rất khẽ.
Những đứa trẻ lớn lên, trưởng thành và chọn đường tương lai cho mình ở xứ khác, thậm chí không phải đất Việt. Là Moncton (New Brunswick, Canada), San Jose (California, Hoa Kỳ), New South Wales (Úc)...
Bên dòng sông Petitic Zodiac, bên dòng sông nào của vịnh San Francisco, có nhớ con sông Vu Gia mạch nước nguồn quê mẹ. Có nhớ con sông Yên mà tầm mắt ngày xưa không thể nào vượt nổi bờ tre kéo dài tít tắp. Dẫu thế giới phẳng, thấy nhau hằng ngày, gặp nhau hằng ngày nhưng bữa giỗ ông bà dễ gì gặp nhau. Chỉ còn mùi cúng quảy, mùi nhang trầm trong tâm tưởng.
Phố Cambridge, nơi em tôi ở, nằm trên xa lộ Canley Heights. Canley Vale là ngoại ô của Sydney, không có con sông nào, có chăng là dòng chảy trong tâm thức của đứa con Việt xa xứ.
Không chọn ở bên dòng sông quê nên cứ mang nỗi thắc thỏm quê nhà. Nhiều lần thức dậy vẫn ngỡ ngàng hồi lâu chưa thoát khỏi giấc mơ về những người yêu thương đã bỏ cõi tạm về nằm bên sườn đồi ngó phía sông nhà nội.
Lắm khi tôi AQ tự nhủ: “Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con”.
Trong 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam mà cụ Phan Châu Trinh viết, há chẳng phải có điều này hay sao? Biết là biết vậy. Nhưng nặng lòng muôn nỗi. Khi những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở xứ khác, tiếp nhận và hấp thụ văn minh xứ khác, dòng máu Việt chảy trong người liệu còn bao nhiêu khoảng trống cho văn hóa Việt, hay chỉ như hoạt cảnh bộ phim nào đó, mà cha mẹ lưu tâm cho xem đi xem lại.
Quê nhà không ký ức. Ngày trở về, tìm phiến đá cũ chỗ xuống bến, tìm ngọn gió xưa thổi qua rặng tre, thì tất cả đã đi biền biệt. Ở thì dùng dằng. Đi thì thắc thỏm. Liệu rằng đó là chỉ dấu của những đứa con lớn lên cạnh các dòng sông?
Dân chợ búa không biết từ bao giờ tự hàm nghĩa hung hăng, xô bồ, thô tục, chao chát. Nhớ có lần đứng giữa sân trường Đại học Tổng hợp Huế, tôi gân cổ lên cãi cho bằng được, rằng chợ búa tức là chợ bến, búa là từ Việt cổ chỉ cái bến sông. Chắc cái cách tôi cãi, nó hàm hồ tới nỗi, bạn tôi chào thua “dân Quảng Nam ớn quá! Chợ búa đó!”.
Tôi hiểu phong thủy của ông bà, chữ hội nhân như hội thủy, nghĩa là đất tốt có sự tụ họp của người tốt như có sự hội tụ của nước. Và tôi có niềm kiêu hãnh xác quyết rằng, người ven sông, thường tử tế, bởi phù sa dâng mình ủ bao đời sống khác…