Vị thuốc mang tên "hổ"

V.THU (Theo kienthuc.net.vn) 04/02/2022 17:39

(QNO) - Trong y học, cao hổ cốt nổi tiếng với tác dụng bổ thận, tráng dương, trừ phong thấp, làm mạnh gân cốt…

 

Hổ là loài vật ghi nhiều dấu ấn trong văn hóa của người dân Việt Nam. Hình tượng con hổ tồn tại hai thái cực, một bên đề cao sức mạnh, vẻ đẹp, tài trí của hổ; đổi lại một bên là loài vật hung tợn, phá hoại.

Cao hổ cốt

Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX trở về trước, hổ Việt Nam phân bố ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và hải đảo. Những nơi nổi tiếng có nhiều hổ là Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Lai Châu), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa, KBang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum)…

Hổ Việt Nam có tên khoa học là Panthera tigris corbettii, hay gọi là hổ Đông dương, được tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) xếp vào loài rất nguy cấp (CR) do nguy cơ bị săn bắt trái phép và mất sinh cảnh sống.

Tại Việt Nam, một nhà bảo tồn cho rằng, hiện còn khoảng 5 con hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, một số khác nhận định hiện hổ hoang dã ở Việt Nam đã tuyệt chủng.

Trong y học, rất nổi tiếng bài thuốc cao hổ cốt với tác dụng bổ thận, tráng dương, trừ phong thấp, làm mạnh gân cốt. Trước kia, khi hổ còn nhiều và số lượng săn bắn trong tự nhiên cao, đây là thứ dễ kiếm.

Ngày nay, để chữa bệnh và bồi bổ, đã có nhiều phương thức tiện lợi và hiệu quả. Việc dùng cao hổ cốt không còn phù hợp, ai mua được cao hổ cốt coi chừng đồ giả, trộn thêm tân dược có tác dụng chống viêm, giảm đau mạnh.

 

Râu hùm

Râu hùm có hoa khá lạ và đẹp, nhìn tựa như mặt hổ, với tên khoa học Tacca chantrieri Andre, thuộc họ Taccaceae. Ở nước ta, cây hay mọc hoang ở ven suối và rừng ẩm. Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ - Rhizoma Taccae Chantrieri.

Thân rễ có vị cay đắng, tính mát; tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm chỉ thống, lương huyết, tán ứ. Tuy nhiên, toàn cây có độc, nên chỉ sử dụng thân rễ dùng ngoài chữa thấp khớp. Thường dùng 50g thân rễ râu hùm, giã nhỏ, ngâm rượu xoa bóp ngoài chữa thấp khớp.

Hoặc dùng 50g thân rễ Râu hùm khô giã nhỏ, trộn với 30g Bồ kết nướng giòn, tán bột, ngâm vào 1/3 lít rượu trong 1-2 tuần, dùng rượu xoa bóp vào chỗ tê đau ngày 2-3 lần.

 

Cây lưỡi hổ

Là vị thuốc trị ho, viêm họng, viêm tai có mủ, cây lưỡi hỗ có tên khoa học Sansevieria trifasciata Prain, họ Dracaenaceae; còn gọi là Hổ vĩ mép vàng, Đuôi hổ mép vàng, Lưỡi cọp sọc.

Đây là loại cây cảnh quen thuộc được trồng rất nhiều. Lá hình dải, dày, giẹp và cứng, gốc có bẹ to mọc ốp vào nhau, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, mép nguyên có viền vàng, hai mặt có những vằn ngang màu sẫm nom như đuôi hổ.

Lưỡi hùm hoặc đuôi hổ vằn (Sansevieria zeylanica L.) khác loài trên ở chỗ hai mặt lá màu lục xám, có những vằn màu lục nhạt hoặc trắng trông như lưỡi hổ. Chi Sansevieria Thunb. có khoảng 60 loài trên thế giới, phân bố tự nhiên ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Một số loài là nguồn cung cấp sợi hoặc được trồng làm cảnh, do lá có màu đốm phong phú và ít cần sự chăm sóc.

Bộ phận dùng là lá tươi, thu hái quanh năm. Theo kinh nghiệm dân gian, dùng lá non tươi cây hổ vĩ mép lá vàng làm thuốc chữa ho viêm họng, khản tiếng, hái lá non sát tận gốc, rửa sạch, cắt thành từng khúc, lấy một khúc đập giập, thêm ít muối, nhai và ngậm nuốt nước dần trong 5 - 10 phút, rồi nhổ bã.

Ngày ngậm 2 - 3 lần. Liều dùng một ngày: 6 - 12g lá tươi. Ngoài tác dụng trên, lá hổ vĩ tươi rửa sạch hơ lửa cho héo, giã nát ép lấy nước, thấm vào bông quấn vào que tăm, bôi chữa viêm tai có mủ. Làm như vậy nhiều lần trong ngày.

 

Tai hổ

Cỏ tai hổ hay còn gọi là hổ nhĩ thảo. Tên khoa học của cây cỏ tai hổ Saxifraga stolonifera Meerb (S. sarmentosa L.f.), thuộc họ Saxifragaceae. Đây là vị thuốc trị vết thương chảy máu, viêm tai giữa cấp và mạn tính, viêm họng, viêm mũi.

Bộ phận dùng là toàn cây. Vị thuốc có vị cay đắng, tính hàn, ít độc, tác dụng thanh nhiệt giải độc, khu phong giảm đau. Thường dùng dung dịch cây tươi chữa bệnh ngoài da và nhỏ chữa thối tai; giã đắp mụn sưng viêm.

V.THU (Theo kienthuc.net.vn)