Thích nghi an toàn với tự nhiên

THÀNH CÔNG 03/02/2022 05:49

(Xuân Nhâm Dần) - Sau thiên tai, tại Quảng Nam, một không gian cư trú mới đã được thiết lập, thích nghi an toàn hơn với biến đổi khí hậu và sạt lở ở vùng cao. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (thứ hai từ trái sang) trong chuyến kiểm tra tiến độ các mặt bằng tái định cư vùng sạt lở Phước Sơn. Ảnh: T.C
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (thứ hai từ trái sang) trong chuyến kiểm tra tiến độ các mặt bằng tái định cư vùng sạt lở Phước Sơn. Ảnh: T.C

Đã ấm lại những mặt người, sau bao xao xác biến động của làng trong những đợt thiên tai. Làng mới, nhà mới, đồng bào miền núi bắt đầu cuộc sống an cư khi ám ảnh sạt lở đã qua đi, bằng nỗ lực tái thiết, bằng những bước đi dài trong công tác sắp xếp, bố trí dân cư. 

Đánh giá sát đúng

Hồ Văn Sút cười tươi. Căn nhà mới của anh kịp hoàn thành ở khu tái định cư của thôn 2 (xã Phước Thành, Phước Sơn), khép lại tháng ngày sống tạm nơi nhà làng.

Đợt mưa lũ kinh hoàng năm 2020 dội xuống vùng cao Phước Sơn, hàng trăm căn nhà bị sạt lở vùi lấp, làm hư hỏng. Công tác tái thiết gấp rút được triển khai ngay sau mưa lũ, giữa bộn bề gian khó. Sau gần một năm, 5 khu tái định cư mới đã thành hình, đón người dân về dựng nhà ngay trước mùa mưa lũ năm 2021.

“Quá mừng, vì có nhà mới để ở. Sau đợt mưa bão, tôi đã nghĩ không biết bao giờ mới có thể làm lại được như cũ, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi được cấp đất để dựng lại nhà. Không còn phải lo chạy tránh mỗi khi mưa bão, cũng không còn phải sống tạm bợ trong nhà làng, nhà người thân nữa” - Sút tâm sự.

Với Nghị quyết 23, bên cạnh các nội dung được giữ nguyên như hỗ trợ đất ở, di chuyển nhà, san lấp nền nhà, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, làm đường dân sinh, đất sản xuất, Nhà nước sẽ hỗ trợ bổ sung vật liệu làm nhà với mức 40 triệu đồng/hộ; hỗ trợ công trình vệ sinh 5 triệu đồng/hộ. Mục tiêu sẽ sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ, bao gồm 2.358 hộ dân vùng thiên tai và cư trú trong khu vực bảo vệ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn. Dự kiến kinh phí khoảng 968,222 tỷ đồng.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, những gia đình bị trôi sập nhà hoàn toàn đã được bố trí đất, hỗ trợ kinh phí làm nhà.

“Mặt bằng là cái khó nhất trong bài toán tái định cư, do phải đảm bảo an toàn, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng trong bối cảnh quỹ đất miền núi vốn eo hẹp. Dù gấp rút, song công tác khảo sát, đánh giá tác động đã triển khai thận trọng, bài bản hơn, tránh những nguy cơ về sạt lở tái diễn” - ông Trung nói.

Những kinh nghiệm quý giá trong công tác sắp xếp dân cư trên cơ sở các đánh giá khoa học và tri thức dân gian giúp tiến độ triển khai tái định cư cho dân được đảm bảo.

Tại Nam Trà My, đặc thù địa hình gây ra nhiều khó khăn cho công tác sắp xếp, bố trí tái định cư, song bằng nhiều cố gắng, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng vào cuộc.

Trên cơ sở đánh giá sát đúng nhu cầu, tính toán vị trí phù hợp, lấy ý kiến của người dân thụ hưởng chính sách, việc vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách tạo được sự đồng thuận sâu rộng. Người dân thành chủ thể tham gia cuộc sắp xếp, tái định cư, nhờ đó sớm ổn định cuộc sống lâu dài.

Nghị quyết 23 ra đời được kỳ vọng sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn tới. Ảnh: T.C
Nghị quyết 23 ra đời được kỳ vọng sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn tới. Ảnh: T.C

“Chúng tôi ưu tiên bố trí dân cư theo hình thức xen ghép. Những hộ có điều kiện về đất ở nhanh ổn định đời sống, đồng thời có thể chia sẻ với cộng đồng trong vấn đề tìm kiếm đất bố trí cho người dân.

Nam Trà My hạn chế tối đa việc đào, đắp đất gây sạt lở, vận động bà con làm lại nhà ở theo phương thức truyền thống để tránh tác động đến kết cấu đất, vừa tiết kiệm, vừa tạo được sự bền vững” - ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi được thực hiện theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19.4.2017. Theo quy định của Nghị quyết 12, mỗi hộ dân trong diện hưởng lợi từ cơ chế được hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng (bao gồm hỗ trợ về di chuyển nhà ở, san lấp nền nhà, nước sinh hoạt, đường giao thông, đất sản xuất) và tối thiểu 200m2 đất ở. Theo thống kê, giai đoạn 2017 - 2020, ngân sách tỉnh đã bố trí 385 tỷ đồng để hỗ trợ 9 huyện miền núi thực hiện sắp xếp ổn định dân cư.

Song song với việc triển khai đề án sắp xếp, bố trí dân cư theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã chủ động làm việc với các đơn vị nghiên cứu để có những đánh giá khoa học, phục vụ công tác sắp xếp dân cư trong thời gian tới.

TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên thông tin: “Qua phối hợp với Sở KH&CN và các địa phương Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, chúng tôi triển khai đề tài nghiên cứu về giải pháp dự báo, cảnh báo sớm và phòng chống sạt lở đất phục vụ bố trí dân cư ở ba địa phương này.

Chúng tôi tập trung đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân chính gây sạt lở đất tại các huyện miền núi, trong đó yếu tố chủ động phòng ngừa được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu của đề tài là kết hợp khoa học công nghệ hiện đại và truyền thống phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương, xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống cảnh báo sớm, các công trình phòng chống sạt lở đất cho vùng nguy cơ cao theo lộ trình từ 2021 - 2025, làm cơ sở cho những tính toán của địa phương trong thời gian tới”.

Hồ Văn Sút cười tươi ngày dọn về nhà mới. (ảnh chụp tháng 10 năm 2021). Ảnh: T.C
Hồ Văn Sút cười tươi ngày dọn về nhà mới. (ảnh chụp tháng 10 năm 2021). Ảnh: T.C

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Nghị quyết 12 là dấu ấn lớn, tạo nên sự an cư lạc nghiệp cho gần 7.000 hộ dân. Từ số tiền ban đầu hơn 100 tỷ đồng, đến khi kết thúc nghị quyết, giá trị lên đến hơn 300 tỷ đồng, cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào quá trình triển khai nghị quyết này.

Ngoài ra, qua đợt mưa bão kinh hoàng của năm 2020, không một khu tái định cư nào nằm trong Nghị quyết 12 được triển khai trước đó bị sạt lở cũng là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả, tính thiết thực, là tiền đề để Nghị quyết 23 ra đời, kế thừa và làm nền tảng cho giai đoạn tới ở miền núi.

Nghị quyết 23 được HĐND tỉnh thông qua cho giai đoạn tiếp theo, gợi mở kỳ vọng lớn hơn, rộng hơn cho miền núi. Theo thống kê, số tiền hỗ trợ cho mỗi hộ dân khi di dời, tái định cư bao gồm hỗ trợ vật liệu làm nhà và công trình vệ sinh lên đến 125 triệu đồng, cộng hưởng với các chương trình, chính sách khác sẽ là nguồn lực quan trọng cho đồng bào miền núi an cư, ổn định đời sống.

Kết hợp những đánh giá khoa học và yếu tố phong tục, tập quán, công tác tuyên truyền sâu rộng hơn, công khai, minh bạch trong cơ chế chính sách…, những bài học kinh nghiệm quý giá đang được tiếp nối, “bài toán khó” của một thời đang dần có lời giải.

THÀNH CÔNG