Sinh kế bền vững cho dân ở làng

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 03/02/2022 05:41

(Xuân Nhâm Dần) - “Làng nông nghiệp đô thị” - một định hướng chiến lược đúng đắn và thú vị vừa được Tỉnh ủy Quảng Nam xác định trong phát triển bền vững tam nông đến năm 2030.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ngày 14.10.2021, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Kết luận số 91-KL/TU về Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Đây là kết luận mang tính định hướng về “tam nông”, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn tỉnh Quảng Nam trong 10 năm tới.

Trong 8 nhiệm vụ mà Kết luận 91 vạch ra để biến mục tiêu trên thành hiện thực, có nhiệm vụ thứ 6 là Phát triển mô hình “Làng nông nghiệp đô thị” hài hòa trong chuỗi mắt xích nông thôn gắn với đô thị, theo tôi là rất đáng quan tâm.

1. Những giải pháp của nhiệm vụ này khiến tôi liên tưởng đến ý kiến của GS. Hoàng Đạo Kính đăng trên báo Nhân dân: “Tôi đã từng đề xuất một mô hình cộng cư nông thôn thời hiện đại mà tôi gọi là nông thị hoặc nông trấn (agritown), kết hợp trong mình các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủ công và công nghiệp nhỏ, dịch vụ, văn hóa và giáo dục...

Nông thị được cấu trúc bởi các khu nhà thấp tầng có khuôn viên đủ rộng để tăng gia và thư giãn; những đường phố rộng vừa phải dành cho các cơ sở thương mại, dịch vụ và giải trí; các khu đất dành cho văn hóa, thể thao, trường học...

Làm nền cho tất cả và chiếm dụng đất nhiều hơn cả là không gian xanh và mặt nước… Đó là một không gian sống kế thừa mô hình làng truyền thống nhưng có yếu tố tiện nghi cùng chất lượng sống đô thị, nơi chấp nhận xu hướng hiện đại hóa nhưng vẫn bảo lưu được những giá trị xưa cũ”.

Song, ý kiến của GS. Hoàng Đạo Kính chỉ mới quan tâm đến việc tái thiết không gian nông thôn theo một mô hình mới nhằm giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn (cảnh quan, văn hóa) và phát triển (kinh tế, xã hội), mà chưa đề cập việc tạo sinh kế bền vững cho người dân sinh sống trong các agritown đó.

Thực trạng “đô thị hóa nông thôn” đã và đang để lại những hệ lụy về môi trường, cảnh quan và văn hóa truyền thống ở làng quê, nhưng lại chưa mang đến cho người dân cuộc sống tốt hơn. Vì vậy vấn đề tạo lập và duy trì sinh kế bền vững cho người dân nông thôn, những người đã chấp nhận đánh đổi “làng quê yên bình” của mình để lấy “đô thị không bản sắc”, là việc đáng quan tâm hơn cả.

2. Tôi đã đi thăm nhiều làng quê ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp… và chứng kiến thực trạng tương tự ở Việt Nam: người trẻ rời làng tìm đến những đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung để tìm kiếm việc làm và mưu cầu một cuộc sống mới tốt hơn.

Làng quê, dẫu có được chính quyền trung ương và địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn, cũng chỉ là nơi cư trú của người già sống nhờ lương hưu và tiền tiết kiệm, bởi người trẻ khó tìm được cơ hội mưu sinh trên mảnh đất quê hương mình.

Tuy nhiên, tôi cũng nhìn thấy nhiều làng quê ở những nước này “sống” được, bởi dân làng biết khai thác những giá trị khác biệt của làng mình, biến thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm; duy trì và phát triển các nghề truyền thống, tạo thành những sản phẩm vừa có giá trị văn hóa, vừa có giá trị kinh tế, tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa và sản phẩm của quốc gia, vươn ra quốc tế. Nhờ đó đã tạo sinh kế bền vững cho người dân, khiến họ có thể an tâm mưu sinh tại quê nhà.

Điều tạo nên sự thành công của những ngôi làng này là họ nắm được điểm mạnh, điểm yếu của làng mình, thông qua những nghiên cứu bài bản về vị trí địa lý, cảnh quan, động thực vật đặc hữu, nguồn nhân lực sẵn có và tiềm tàng, các sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, các giá trị văn hóa riêng biệt… Từ đánh giá tiềm năng và lợi thế của làng, họ vạch kế sách lâu dài, nhưng cũng tùy biến cho thích hợp với từng giai đoạn phát triển.

Ở những nơi này không có chương trình “xây dựng nông thôn mới” đại trà, với những tiêu chí giống nhau cho tất cả vùng miền; hay chỉ chăm chú xây dựng cơ sở hạ tầng mà quên việc đầu tư cho nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; cũng không “đồng hóa diện mạo của làng quê”, mà luôn trân trọng tính đặc thù, vốn là “hồn cốt” của những làng quê khác nhau.

3. Tôi đã đi thăm nhiều làng nghề truyền thống ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỗi làng một vẻ, không rập khuôn theo mô hình nào, nhưng lại giống nhau ở cách thức tổ chức sản xuất và điều hành chuỗi cung cầu sản phẩm.

Cả làng là công trường với sự phân công lao động nhịp nhàng: nghệ nhân (thường là người lớn tuổi) là người tạo ra khuôn mẫu, định hình sản phẩm và truyền nghề cho giới trẻ; thanh niên trai tráng là lực lượng lao động chính tạo ra sản phẩm mang đặc thù của địa phương; phụ nữ bán sản phẩm tại cửa hàng của gia đình, hoặc kết nối với chuỗi cung ứng do hợp tác xã điều hành để đưa sản phẩm ra thị trường; các hãng lữ hành đưa du khách đến tham quan đồng thời làm kênh quảng bá sản phẩm cho du khách và được hưởng lợi từ cộng đồng kinh doanh của làng...

Không gian của các làng nghề được quy hoạch chặt chẽ, với nhiều khu vực riêng: khu cất trữ nguyên liệu đầu vào; khu sản xuất; các cửa hàng kinh doanh; bảo tàng trưng bày và lưu giữ những sản phẩm tiêu biểu và đặc trưng; công viên giới thiệu sản phẩm của làng cho du khách và khách hàng đến tham quan, tìm hiểu, mua bán…

Những nghệ nhân có tay nghề thượng thặng được cộng đồng tôn vinh và nhà nước công nhận là “nhân gian quốc bảo”, được trả lương hàng tháng và hỗ trợ tài chính khi họ tổ chức triển lãm sản phẩm và mở các lớp truyền nghề cho giới trẻ. Người trẻ tham gia học nghề từ các nghệ nhân trong làng sẽ được nhà nước chu cấp học bổng, tiền mua dụng cụ, vật liệu để học nghề.

Đối với các làng du lịch cộng đồng, nhà nước hỗ trợ kinh phí để dân làng bảo tồn các kiến trúc cổ của làng, cử chuyên gia quản lý di sản văn hóa đến giúp người dân bảo tồn các di tích kiến trúc, cảnh quan, trưng bày hiện vật trong các công trình văn hóa mà dân làng tạo lập và gìn giữ, nhằm tăng sức thu hút với du khách tham quan. Đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn du khách tham quan trong làng đều trải qua những khóa đào tạo.

Cơ sở hạ tầng như điện nước, đường sá, bãi đỗ xe, bưu chính, viễn thông… đều do nhà nước đầu tư và thu phí sử dụng từ dân làng, du khách và nguồn thuế từ hoạt động kinh doanh trong làng. Những cơ sở này thường được xây dựng biệt lập ở bên ngoài nhằm tránh sự xâm hại hay phá vỡ cảnh quan truyền thống của làng.

Những ví dụ trên đây cho thấy chính quyền các cấp cần phân tích, đánh giá các tiềm năng, lợi thế và tính đặc thù của từng địa phương, thì mới hoạch định chính xác kế sách phát triển lâu dài cho từng nơi.

Từ đó, mới hỗ trợ người dân nông thôn sinh kế bền vững, phù hợp với sở trường và nghề nghiệp của họ, giúp họ có cuộc sống tốt hơn, và giữ được nguồn nhân lực cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN