4 thảo dược giúp tăng sức đề kháng của cơ thể
(QNO) - Các chuyên gia sức khỏe cho biết để xây dựng một hệ miễn dịch mạnh mẽ, chúng ta cần bổ sung một số loại vitamin nhất định, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và năng tập thể dục. Ngoài ra, việc sử dụng một số thảo dược cũng góp phần tăng cường sức đề kháng hiệu quả cho cơ thể, điển hình như 4 loại sau:
Cúc dại tím (Echinacea). Theo Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ), cúc dại tím chứa các thành phần giúp giảm đau và giảm viêm, cũng như có tác dụng kháng virus và chống ôxy hóa. Lợi ích này khiến nó trở thành một thảo dược lý tưởng để hỗ trợ và tăng cường chức năng hệ miễn dịch.
Theo một tài liệu được công bố trên cơ sở dữ liệu Cochrane Library, dùng cúc dại tím sau khi xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh (như sổ mũi và nghẹt mũi) có thể giúp giảm thời gian bệnh và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh. Tương tự, một đánh giá khác đăng trên Tạp chí Advances in Integrative Medicine chỉ ra rằng cúc dại tím có lợi cho bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, nếu họ sử dụng nó ngay khi mới có triệu chứng.
Nếu nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với mầm bệnh hoặc cảm giác không được khỏe, hãy thử dùng cúc dại tím 2-3 ngày liên tiếp. Nhớ đọc kỹ liều dùng ghi trên bao bì của sản phẩm hoặc tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Tỏi. Nhờ có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và chống lại ký sinh trùng mạnh mẽ, tỏi giúp cơ thể chống lại nguy cơ nhiễm trùng ngực và nhiễm trùng đường hô hấp. Trong một nghiên cứu được xuất bản trên Cochrane Library, các chuyên gia ngẫu nhiên cho những người tham gia bổ sung tỏi có chứa 180mg allicin/ngày trong suốt 12 tuần hoặc giả dược. Kết quả cho thấy nhóm dùng tỏi ít có nguy cơ bị cảm lạnh hơn và cũng có thời gian khỏi bệnh nhanh hơn so với nhóm dùng giả dược. Còn theo một nghiên cứu khác, hợp chất allicin trong tỏi mang lại đặc tính kháng khuẩn cho tỏi, nhờ đó, nó có thể chống lại các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như salmonella và E. coli.
Trên hết, tỏi là thảo dược rất lý tưởng để tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, cũng như là một lựa chọn tốt để điều trị tình trạng ký sinh trùng hoặc nhiễm giun trong ruột. Trong một nghiên cứu, các chuyên gia đã sử dụng tỏi để điều trị bệnh nhiễm khuẩn giardiasis và nhận thấy các triệu chứng của bệnh nhân hết sau 24 giờ.
Nhân sâm. Theo một nghiên cứu, nhân sâm có công dụng tăng cường sức khỏe cho trục HPA (tức trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận), bộ phận phụ trách điều chỉnh phản ứng của hệ miễn dịch trước căng thẳng tinh thần, nên cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Không chỉ vậy, nhân sâm còn giúp giữ cân bằng hệ miễn dịch bằng cách điều chỉnh các loại tế bào miễn dịch khác nhau (bao gồm tế bào T, tế bào B, tế bào tiêu diệt tự nhiên và đại thực bào), có chức năng nhận diện các mối đe dọa đối với cơ thể và chống lại chúng. Lưu ý là tác dụng của nhân sâm rất mạnh, nên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng. Một số cách tiêu thụ nhân sâm thông thường là pha trà với củ nhân sâm tươi, hoặc uống viên nang nhân sâm.
Nấm linh chi. Thành phần beta-glucan trong nấm linh chi được cho là có khả năng kích thích các loại tế bào khác nhau trong hệ miễn dịch (bao gồm bạch cầu đơn nhân, tế bào tiêu diệt tự nhiên và tế bào đuôi gai), từ đó giúp chúng có khả năng phát hiện và chống lại nhiễm trùng tốt hơn. Một số bằng chứng còn cho thấy beta-glucan trong linh chi còn có tác dụng chống khối u, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Có thể tiêu thụ nấm linh chi ở dạng bột hoặc viên nang.