Bên kia dốc Gió…

ĐĂNG NGUYÊN 02/02/2022 05:33

(Xuân Nhâm Dần) - Tôi đứng từ đồi cao nhìn xuống, dòng A Vương êm đềm chảy, cảm giác hai chiếc cầu bê tông bắc qua đoạn sông này chỉ cách nhau chừng vài chục mét. Nhà cửa mọc lên sau những cây cầu mới, góp vào diện mạo của một “đô thị mở” P’rao giữa đại ngàn…

Một góc thị trấn P’rao. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Một góc thị trấn P’rao. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

A Vương gợi cho tôi bao ký ức đẹp của vùng đất “cây chò” (P’rao - theo tiếng Cơ Tu). Có cả niềm thương nhớ của tuổi học trò sau những lần vượt sông kiếm hái rau rừng. Thời nghèo khó, nhưng P’rao đã mang dáng dấp một thị trấn ven sông lịch sử. Và thêm mở rộng, P’rao thay “chiếc áo cũ” bằng những dự án quy hoạch theo hướng tây nam, về phía ven sông dọc đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

“Phải thay đổi tư duy cách nhìn bằng quy hoạch tổng thể mới để khu vực thị trấn có cơ hội phát triển. Theo định hướng của huyện, P’rao sẽ trở thành một trong những đô thị có sức hút cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm đến, nhất là trong phát triển du lịch” - ông Đinh Văn Hươm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (nay là Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh) chia sẻ.

Đổi khác, từ làng!

Phía bên kia dốc Gió, nơi giáp ranh giữa xã Tà Lu và Sông Kôn là vùng đất “ba sông”. P’rao nằm về phía tây, được ôm trọn bởi dòng A Vương huyền sử. Những năm sau 1980, từ một vùng đất hoang vu, P’rao nhanh chóng tiếp cận nhịp sống mới, dân cư đông đúc dần. Nhưng, phải đến năm 1994, khi xã Tà Lu được chia tách, P’rao mới chính thức trở thành thị trấn riêng biệt, như bây giờ.

Những kỳ vọng, thậm chí là giấc mơ của cư dân xứ núi đang dần hiện hữu ở P’rao, đặt nền móng cho “cuộc cách mạng” mới để “dọn đường” đón nhà đầu tư.

Tôi đi dọc theo bờ sông A Vương, rồi băng qua các đoạn đường dân sinh của thị trấn. Mùa này, gió núi se lạnh, nhưng người Cơ Tu vẫn miệt mài công việc cuối năm.

Họ là cư dân bản địa, tranh thủ sau những ngày làm công cho các công trường, dự án của huyện tìm đến chăm sóc vườn keo, chờ ngày thu hoạch. Keo, với họ như “của để dành”, trở thành mô hình kinh tế mới, góp thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhờ đó, những đổi khác đang dần hiện hữu, từng ngày. Loanh quanh một hồi, lúc ghé chân vào làng Trao mới thấy nơi này đã khác xưa rất nhiều. Từ một ngôi làng người Cơ Tu với tỷ lệ hộ nghèo gần như chiếm đa số, sau hơn chục năm đổi hướng canh tác, làng Trao đã “thay da, đổi thịt”.

Ông Bh’nướch Angư - Bí thư Chi bộ thôn Trao không thể giấu niềm vui khi nhắc đến câu chuyện về làng và cả tư duy của… người làng. Minh chứng cho lời nói của ông Angư, ngoài diện mạo nhà cửa khang trang còn có thêm những tổ xây, tổ mộc, cùng các mô hình kinh tế dược liệu, chăn nuôi gia súc… được hình thành và duy trì. Miệt mài đầu tư phát triển, ở làng Trao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

“Chỉ còn hộ già neo đơn, trẻ em mồ côi và hộ mới lập gia đình là nằm trong diện nghèo, nhưng rất ít. Hầu hết người dân đều có ý thức làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc” - ông Angư nói.

Du lịch sẽ được khai phá, những giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu được kỳ vọng sẽ phát huy giá trị độc đáo. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Du lịch sẽ được khai phá, những giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu được kỳ vọng sẽ phát huy giá trị độc đáo. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Đã thôi cảnh u buồn về một thị trấn nhỏ hiu hắt giữa rừng, P’rao từng ngày “lột xác”, mang dáng dấp của một đô thị ven sông. Kỳ vọng của cư dân xứ núi đang dần hiện hữu, đặt nền móng cho “cuộc cách mạng” mới để “dọn đường” đón nhà đầu tư.

Gọi giấc mơ về

Sương chiều bảng lảng, góc núi Đông Giang như chìm trong huyền ảo. Men theo con đường mới dẫn vào khu vực sân vận động Trung tâm VH-TT huyện, mọi thứ đang trở nên rất khác.

Khác là bởi, dự án này sau khi được triển khai đã gỡ được nhiều “nút thắt” về kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là trong quy hoạch mở rộng thị trấn. Thoát khỏi “chiếc áo cũ” chật chội, P’rao đang dần mở rộng sang hướng tây nam, lấy sông A Vương làm điểm nhấn để hình thành đô thị mở trong tương lai gần.

Mục tiêu đó được Chủ tịch UBND thị trấn P’rao - ông Huỳnh Văn Tân đề cập trong cuộc trò chuyện với tôi về định hướng phát triển của vùng. Ông Tân nói, sau những dự án được triển khai, thế cô lập đã được phá bởi những chiếc cầu kiên cố, cùng nhiều hạng mục công trình mới kết nối P’rao với các khu vực lân cận.

Khi giao thương được thuận lợi, người P’rao gọi giấc mơ bằng những nỗ lực bứt phá trong quy hoạch phát triển, hướng đến xây dựng thương hiệu từ tiềm năng đặc hữu và lợi thế sẵn có của vùng.

“Chúng tôi có lợi thế về địa hình để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái. Đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G và các tuyến dân sinh kết nối như những đòn bẩy cho phát triển liên vùng. Trong đó, điểm nhấn là các tuyến đường ven sông A Vương đang được hình thành gắn với công tác sắp xếp, bố trí dân cư kiểu mẫu theo định hướng phát triển chung của địa phương” - ông Tân nhấn mạnh.

Đi qua từng góc núi, P’rao bây giờ gây ấn tượng với khách bởi những tấm bảng ghi tên đường, hệt phố. Về đêm, những ngã tư rực màu điện sáng, quán xá đông đúc người qua lại, niềm vui hiện rõ trên gương mặt người Cơ Tu hồn hậu, mến khách...

Tôi  hình dung, chừng vài năm nữa, khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi và các dự án khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, suối khoáng nóng Apăng, khu nghỉ dưỡng phía tây Bà Nà - Bạch Mã… được đưa vào hoạt động, nơi này sẽ còn thêm phần nhộn nhịp, sầm uất. Khi đó, những giấc mơ đón đầu cho ước vọng vươn xa sẽ không còn là đợi chờ.

Phía bên kia dốc Gió, dáng hình của một thị trấn ven sông sẽ thật khác…

ĐĂNG NGUYÊN