Du lịch xanh

TRƯƠNG CÔNG QUẢNG 01/02/2022 08:36

(Xuân Nhâm Dần) -  Du lịch xanh là xu hướng cần sớm được triển khai và triển khai hiệu quả trong bối cảnh thế giới chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc giữ lại tất cả hàng tre, miếu cổ cạnh đường làng và các bàn thờ tổ tiên mà ông mua lại ở Triêm Tây. Ảnh: Quốc Tuấn
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc giữ lại tất cả hàng tre, miếu cổ cạnh đường làng và các bàn thờ tổ tiên mà ông mua lại ở Triêm Tây. Ảnh: Quốc Tuấn

Cuối quý 3-2021, Hội An nêu phương châm: “Tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 càng thôi thúc chính quyền và doanh nghiệp ở Hội An phải hành động mạnh mẽ hơn trong phát triển du lịch xanh.

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã truyền tải thông điệp “8T” với những giải pháp cụ thể nhằm kết nối rộng rãi hơn trong cộng đồng doanh nghiệp vì mục đích chung hướng tới “Hội An - điểm đến xanh”.

Khung hành động “8T” bao gồm: tổ chức thực hiện; từ chối sản phẩm nhựa dùng một lần; tiết giảm rác thải khó xử lý; tái sử dụng; thay thế sản phẩm tạo ra rác thải hữu cơ; tái chế; truyền thông; tạo ra sản phẩm thân thiện…”.

Gạn đục khơi trong

Nhận thức chung cần được nhìn lại, đó là hiện trạng xây dựng các khu du lịch, khách sạn để khai thác nó mà ít quan tâm đến bảo vệ tài nguyên môi trường hiện vẫn còn phổ biến. Điều này gây áp lực lên thiên nhiên và các di sản, cả vật thể lẫn phi vật thể. Văn hóa bản địa được tạo ra là do lịch sử lâu dài và từ người dân. Thế nhưng người dân địa phương hưởng rất ít nguồn lợi từ làn sóng du khách mang lại.

Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc từng chia sẻ: “Hiện nay người ta mới đơn thuần trưng bày ra cho du khách xem lịch sử các vùng đất, các địa danh và những gì thuộc về phong cách kiến trúc đặc thù, nhà cổ, chùa chiền mà bỏ quên đi cái chất chứa bên trong chúng, quên đi một nền văn hóa, một lối sống, phong cách giao tiếp, phong tục tập quán, lối sống thường nhật đang bị biến động… Một di sản chỉ có thể hiện hữu khi các giá trị vật thể và phi vật thể cùng tồn tại song hành”.

Một khu du lịch hay một điểm đến, có thể là di sản văn hóa, người ta đến đó không chỉ có nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí. Các thành viên lớn tuổi trong đoàn du khách Bắc Âu mà tôi gặp hồi đầu năm 2020 khi họ tham quan chợ Nồi Rang bên kia cầu Cửa Đại bày tỏ rằng, họ muốn đi chợ, họ thích các làng quê bên ngoài Hội An để được hòa mình vào lối sống của người bản địa. Lịch sử, hoạt động kinh tế truyền thống và môi trường tự nhiên chung quanh một điểm đến sẽ góp phần tạo nên giá trị cho điểm đến ấy.

Tại khu du lịch Triêm Tây, đến cùng chúng tôi còn có nhà văn gốc Việt LeLy Hayslip và một số sinh viên Na Uy. Bà Lely tay không rời chiếc nón lá và say sưa hát các bài dân ca, hát ru Quảng Nam. Các sinh viên Na Uy sau khi đi thăm ruộng lúa của dân làng đã đến nghe chị hát và vỗ tay tán thưởng. Vẫn cần nói thêm một chút ở Triêm Tây.

Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc với tâm niệm là “Không xây cái gì và giữ lại cái gì” trong khu du lịch này, đã quyết định giữ lại tất cả hàng tre, miếu cổ cạnh đường làng và các bàn thờ tổ tiên mà ông mua lại ở đây. Ông chỉ xây thêm vài hồ bơi, các phòng họp nhỏ và toilet tiện nghi cho khách ở lại.

Bà Lely và một cộng sự bảo, lần nào về Việt Nam họ cũng vào ở đây, kể cả đạo diễn nổi tiếng Oliver Stone cũng vậy, vì họ thấy ở đây khác biệt với phần còn lại ở các khu nghỉ dưỡng tại Hội An. “Chiếc nón lá đội đầu, cái quạt nan tre phe phẩy trên tay rất thích, nó chứng tỏ mình đang đến Việt Nam” - bà Lely nói.

Nương theo tự nhiên, tôn vinh văn hóa bản địa

Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc tự hào với trường phái xây dựng của mình: "Cái vốn thiên nhiên đã ban tặng cho một vùng đất là rất quý và đặc thù cần giữ gìn. Truyền thống xây dựng, vật liệu và kỹ năng của người thợ địa phương cần được quý trọng để giữ lại cái hài hòa giữa sinh hoạt, tâm hồn con người và môi trường sống truyền thống.

Du khách khám phá làng du lịch cộng đồng Triêm Tây.
Du khách khám phá làng du lịch cộng đồng Triêm Tây.

Tôi giữ lại cả những hàng cau, bụi chuối của người nông dân ở đây. Đừng tưởng chỉ có xây dựng toàn bê tông cốt thép mới là làm du lịch. Tôi chống xói lở bờ sông Thu Bồn ngoài kia cũng chỉ bằng tre và cỏ".

Từ lâu, chúng tôi đã đọc các tác phẩm của kiến trúc sư bậc thầy là giáo sư Hassan Fathy (1900 - 1989) người Ai Cập. Học thuyết của ông là không chỉ cần bảo vệ những giá trị văn hóa các dân tộc trong các dự án xây dựng hiện đại, mà còn đưa ra lý thuyết “kiến trúc thích ứng” trong cuốn "Xây dựng cùng nhân dân" (Contruire avec le Peuple).

Nhờ vậy tôi hiểu khá nhanh những gì kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc nói, bởi ông chịu ảnh hưởng của Hassan Fathy. Nhà gỗ, móng đá ong lẫn trong những vườn dừa, hàng cau, lũy tre là một chọn lựa xây dựng dưới bàn tay ông Quốc ở các công trình du lịch tại Quảng Nam.

Sẽ là một chọn lựa được du khách yêu thích, như điều nhà văn Lely nói ở trên, nếu cái thảm chùi chân ở khách sạn Hội An được làm bằng xơ dừa, màn treo cửa bằng vải đũi Quảng Nam, cái lọ hoa bằng gốm Thanh Hà, vỏ ốc Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré đựng xà phòng trong phòng tắm, tấm chiếu nhỏ dệt từ Bàn Thạch trải trên bàn ăn…

Tất cả chi tiết ấy sẽ tạo ra cảm giác gần gũi của một điểm đến mà du khách chọn lựa… Người viết từng nghỉ lại vài khách sạn ở Hồng Kông, Melbourne (Úc) cũng từng được vài trải nghiệm tương tự!

Điều cuối cùng, Hội An và du lịch Quảng Nam nói chung cần tổ chức khai thác du khách theo chuỗi giá trị như kinh nghiệm của người Thái. Từ hàng không, khách sạn, nhà hàng, hàng lưu niệm, hướng dẫn viên, điểm tham quan đến xe vận chuyển nội địa… cần được tổ chức theo dây chuyền khép kín.

Điều này sẽ giảm phiền hà cho du khách, không bị chặt chém… Tất cả đều thuộc môi trường du lịch xanh, cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ với vai trò hợp tác và dẫn dắt bởi quản lý nhà nước và hiệp hội du lịch.

TRƯƠNG CÔNG QUẢNG