Về thôi, nhà mình!

DƯƠNG QUANG 01/02/2022 08:33

(Xuân Nhâm Dần) -  “Một thân quán trọ sầu phong tỏa/ Đốt ngọn đèn lên, bóng rợn tường/ Đêm ba mươi tết quê người cũng/ Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương”. Đêm cuối năm, lần giở mấy trang thơ Nguyễn Bính, bỗng thảng thốt khi bắt gặp những câu ông viết từ hơn nửa thế kỷ trước mà như ứng với bây giờ.

 

Người ta đang rất sợ “phong tỏa”, nay lại gặp “phong tỏa”, mà “phong tỏa” đi vào thơ xuân dù có thắm dịu đôi phần song vẫn không thôi ám ảnh những ai đã từng trải qua những “tháng ngày Covid-19” khốc liệt.

“Sầu phong tỏa” trong thơ của thi sĩ giang hồ hàm ý nỗi sầu bao quanh, vây lấy không gian cư ngụ của người lữ thứ, đặc quánh màn đêm trừ tịch. Ba mươi tết, pháo nổ tứ phương “mà con, giờ đây đang còn lênh đênh”, thì hỏi sao lòng không buồn tê tái! “Lênh đênh tóc rối cỏ bồng. Chiều ba mươi tết ai không nhớ nhà”.  

1. Không gian ấy, tâm trạng ấy, dẫu là thi huống, cũng có khác gì đâu hoàn cảnh của hàng triệu con người từ miền Trung, Tây Nguyên, kể cả miền Bắc, rời quê vào Sài Gòn và nhiều tỉnh ở miền Nam mưu sinh bằng những việc làm thời vụ; khi dịch giã trỗi lên, rất đông trong số họ kẹt lại ở “quán trọ trần gian” cưu mang một phần đời mình, gia đình mình.

Đoàn người từ phương Nam về quê theo đường Hồ Chí Minh hồi tháng 7.2021. Ảnh: THÀNH CÔNG
Đoàn người từ phương Nam về quê theo đường Hồ Chí Minh hồi tháng 7.2021. Ảnh: THÀNH CÔNG

Nơi từng được xem là vùng đất hứa nào ngờ có ngày chứng kiến những đợt tháo chạy chưa từng có trong lịch sử. Mười hai cửa ngõ ra vào TP.Hồ Chí Minh bao năm qua được xem như mười hai vòng tay dang ra đón lấy con dân bốn phương về đây tìm sinh kế, lập nghiệp, định cư…, hốt nhiên những ngày tháng 8, tháng 9.2021 bi kịch đã biến thành nơi “người lên ngựa, kẻ chia bào”.

Mà con đường quy cố hương chẳng hề đơn giản. Thời Xuân Thu, Lý Bạch từng than “Thục đạo chi nan, nan ư hướng thanh thiên”, đâu có hay “đường về nước Thục khó như lên trời xanh” chỉ là chuyện nhỏ; nay đường về quê mẹ của người lao động tha phương mới là dài thăm thẳm chiều trôi, lại bị phong bế muôn nẻo.

Chứng kiến cảnh một số người dân bị bít đường về, quỳ gối van nài lực lượng chức năng tháo barie chốt kiểm soát, nhà văn Trần Nhã Thụy, người Quảng Ngãi, đã ứng tác bài thơ, trong đó có mấy câu buốt tâm can: “Lạy bốn hướng lạy chín phương. Cho con thoát chốt tìm đường về quê. Lạy sao hôm với sao khuê. Soi đường đi giữa bốn bề rào giăng”.

Nghĩ đến đây, lại nhớ tới nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển quê tôi, nay đã về với đất mẹ, nhớ và thương anh da diết; trong trí vang lên những lời ca tha thiết trong nhạc phẩm “Đường về” của anh: “… Giờ này ngồi trông phương ấy. Trời đất mây che mờ mấy sơn khê…”. Ai ngồi trông? Ôi chao, có phải quê nhà, dáng mẹ hay bóng hình em mòn mỏi ngóng mong?!

 

2. Quê hương là điểm tựa, dường như là điểm tựa cuối cùng. Vậy nên mỗi khi hữu sự, người ta nghĩ ngay đến quê hương bổn quán và quyết định trở về. Những tháng ngày lao động nhập cư phương Nam bị Covid-19 dồn vào chân tường, lối thoát của họ chính là nơi cắt rốn chôn nhau.

Nhưng đó là với những người về được, còn người về không được hoặc không được về vì nhiều lý do cũng đông lắm. Tôi có những lần đi làm công tác xã hội tại những khu nhà trọ công nhân, ghé mấy xóm người Quảng, chợ Bà Hoa… ở TP.Hồ Chí Minh và được nghe nhiều người bảo tết này sẽ ở lại.

Họ từng chần chừ không về hồi tháng 7, tháng 8, tháng 9, lỡ cả những chuyến xe đồng hương miễn phí do UBND tỉnh tổ chức, đài thọ rồi; khi qua tháng 10 trở đi, TP.Hồ Chí Minh mở cửa, sản xuất - kinh doanh dần hồi phục, họ tiếp tục hy vọng bám trụ để đi làm, dành được ít thu nhập gửi về cho cha mẹ hoặc anh chị ngoài kia, còn lại phòng khi Covid-19 tái bùng phát.

Và cũng có nhiều người “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” vì không còn bà con thân thuộc nào nơi cố xứ. Có người thổ lộ rằng nếu về có khi còn cực hơn ở đây, thôi ráng trụ lại. Thấy thương lắm bà con quê mình!

Giữa những ngày “sóng gió” ấy, nhờ sự quan tâm đùm bọc của hội đồng hương các xã, huyện và tỉnh tại TP.Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ về vật chất và động viên tinh thần kịp thời của chính quyền các cấp và đồng bào từ quê nhà, các trường hợp khốn khó đã được giúp đỡ, những người đi làm ăn xa tạm thời mất thu nhập do dịch bệnh cảm thấy ấm lòng khi có hơi ấm quê hương. Tết này, người đồng hương ở lại nhiều, sẽ vơi bớt nỗi buồn đón xuân tha phương, sẽ thấy “trong mùa nắng mới, sầu không đến/ giữa hội hoa tươi, ấm lại lòng”...

Trong gian khó mới tỏ lòng nhau; và điều được sáng tỏ thêm trong hoàn cảnh dịch giã, khổ đau chính là tình đồng hương “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Người đồng hương nghĩ về nhau, giúp nhau, đó cũng là một dạng thức của hoài hương. Hoài hương là căn tính của con người. Có người xa quê bao năm, mất gốc hoàn toàn, vẫn mong tìm về nguồn cội. Có người cả đời đi biền biệt, đến lúc sắp từ giã cõi trần thì lòng chỉ muốn về yên nghỉ trên đất hương hỏa ông bà.

Thì về, quê hương có bao giờ chối từ những đứa con của mình. Tạm quên đi những “tháng ngày Covid-19 đen tối”, gió lạnh đang báo hiệu sang mùa, nhắc chúng ta mùa xuân mới đang chờ phía trước.

Lòng như thấy rộn lên giọng Đen Vâu với bài rap thời thượng “Đi về nhà”, có hình ảnh ẩn dụ thật đẹp “đường về nhà là vào tim ta”, cùng cơ man hình ảnh thân thương, gần gụi của góc vườn, gió trời; với cơm mẹ nấu, áo mẹ may; với “ba ra chợ mua cây đào cây mai về bày”…

“Ấm êm hơn bếp lửa, ngọt bùi hơn lúa non. Nhà vẫn luôn ở đó, mong chờ những đứa con”.

DƯƠNG QUANG