Dự phóng từ sân bay Chu Lai

NHẬT LINH 01/02/2022 07:34

(Xuân Nhâm Dần) - Theo quy hoạch của Chính phủ, sân bay Chu Lai sẽ trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế, trung tâm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.

Cảng hàng không Chu Lai không ngừng phát triển từ khi được đưa vào khai thác thương mại. Ảnh: D.L
Cảng hàng không Chu Lai không ngừng phát triển từ khi được đưa vào khai thác thương mại. Ảnh: D.L

Ngày 24.3.2005 đánh dấu mốc son trong sự hồi sinh và phát triển của sân bay Chu Lai, khi chuyến bay thương mại đầu tiên được khai thác.

Ông Lê Minh Triều - Giám đốc Cảng hàng không Chu Lai phác thảo nhanh: “Tại thời điểm đưa sân bay Chu Lai vào hoạt động, chỉ với 1 chuyến bay ATR72/ngày, nhà ga chỉ phục vụ tối đa 500.000 khách/năm với các dịch vụ tối thiểu.

Từ ngày 19.5.2015, Cảng hàng không Chu Lai chấm dứt khai thác loại tàu bay nhỏ, chỉ khai thác các loại tàu bay Airbus A320/321. Có 4 hãng hàng không vào khai thác gồm Vietnam Airline, VietjetAir, Jetstar Pacific, Bamboo Airway với trung bình từ 16 - 20 chuyến/ngày.

Cảng hàng không Chu Lai đã được nâng cấp đạt công suất khai thác từ 1,7 đến 2 triệu khách/năm. Trang thiết bị phục vụ bay được đầu tư đồng bộ, hiện đại; từ năm 2018, đã đưa vào khai thác hệ thống dẫn đường máy bay hạ cánh chính xác, đảm bảo tiếp thu hạ cánh khi thời tiết xấu”. 

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Cảng hàng không Chu Lai là một trong những sân bay luôn có tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước, tăng đều 2 con số, trung bình từ 15 - 20%/năm. Theo ông Triều, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo sửa chữa và đầu tư mới đồng bộ trang thiết bị hiện đại tại Cảng hàng không Chu Lai.

Ngoài hoạt động hàng không dân dụng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, Chu Lai là sân bay còn dùng chung giữa việc khai thác hoạt động hàng không dân dụng, bay huấn luyện quân sự, hoạt động huấn luyện nhảy dù hàng năm và công tác huấn luyện phi công dân dụng của Trường Hàng không New Zealand tại Việt Nam... 

Hành khách chờ chuyến bay bên trong nhà ga sân bay Chu Lai. Ảnh: D.L
Hành khách chờ chuyến bay bên trong nhà ga sân bay Chu Lai. Ảnh: D.L

Trong quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 1, công suất đạt 5 triệu khách/năm, hàng hóa đạt 1,5 triệu tấn/năm, khai thác được tàu bay Code F. Và đến năm 2050 trở thành cảng hàng không quốc tế cấp 4F, công suất phục vụ 40 triệu khách/năm.

Tháng 8.2021, UBND tỉnh đã đề nghị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm triển khai kế hoạch đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai trong thời gian tới theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc.

Trước mắt, UBND tỉnh đề nghị ACV sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ga hành khách công suất phục vụ 5 triệu hành khách/năm, cải tạo nhà ga hàng hóa, mở rộng sân đỗ máy bay, các công trình phụ trợ và các hạng mục phục vụ bay, triển khai ngay từ năm 2022 để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa đang tăng nhanh trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực miền Trung.

Quảng Nam cũng đề nghị ACV cùng với tỉnh làm việc với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành Trung ương liên quan xúc tiến nguồn vốn từ ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng đường cất - hạ cánh mới phía tây và chuyển đường cất - hạ cánh hiện hữu thành đường lăn theo đúng quy hoạch xây dựng Cảng hàng không Chu Lai đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Để sớm hiện thực định hướng trên, Quảng Nam sẽ thành lập tổ công tác hỗ trợ ACV triển khai đầu tư xây dựng các công trình tại Cảng hàng không Chu Lai một cách thuận tiện nhất...

NHẬT LINH