Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: Hành động vì tương lai đất Quảng!
(Xuân Nhâm Dần) - Năm 1996, các nghiên cứu cho rằng, tách ra 2 đơn vị sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Đà Nẵng từ một thành phố thuộc tỉnh, “chiếc áo cũ” đã chật hẹp và kìm hãm, cần mở cơ chế mới để phát triển.
Còn Quảng Nam là vùng nông nghiệp, nông thôn và miền núi, không đủ nguồn lực để đầu tư khi còn phải tập trung cho Đà Nẵng là động lực, tạo phần lớn nguồn thu cho tỉnh. Các phân tích đó đúng sai thế nào thì còn phải bàn thêm, nhưng thực tế sau 25 năm chia tách thì rõ ràng cả hai địa phương đều vượt lên.
Ngày mới tái lập, Quảng Nam là một trong hai tỉnh nghèo nhất nước về thu ngân sách, Trung ương hằng năm phải hỗ trợ; diện nghèo và vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao, thiếu hạ tầng nghiêm trọng, nông nghiệp tự cấp tự túc lương thực là chủ yếu, công nghiệp chưa có, dịch vụ cũng vậy, ngoại trừ một ít ở Hội An.
Nhưng sau khoảng 20 năm thì Quảng Nam đã vươn lên tương đối khá về nhiều mặt, có công nghiệp, có dịch vụ, đã tự cân đối được ngân sách và hằng năm còn nộp về ngân sách trung ương; hạ tầng cũng được xây dựng, có sân bay, cảng biển, các trục giao thông chính và hệ thống đường giao thông nông thôn, thêm nhiều trường học và bệnh viện… Phải nói đó là thời kỳ thành công.
Để dễ hình dung, tôi kể thêm câu chuyện này. Ngày còn Quảng Nam - Đà Nẵng và tiếp sau đó là Quảng Nam thời kỳ đầu mới chia ra, các đồng chí lãnh đạo các huyện miền núi nói lái về tình hình đầu tư cho hạ tầng ở trên đó là “Chỉ có Giằng (chẳng có gì)” và một bài thơ vui: “Đường lên Hiên/ Qua núi Kiền/ Dốc nghiêng nghiêng/ Đá bay liền/ Ngã lăn chiêng”.
Bây giờ Quảng Nam đã khác lắm rồi, chỉ cần vài giờ là có thể đi từ trung tâm tỉnh lỵ đến các vùng xa xôi ở miền núi mà hồi mới chia tỉnh, có nơi phải đi mất gần một ngày.
Vì sao thành công? Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là tập thể cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, kể cả chủ chốt của các ngành và huyện thị lúc đó. Thời gian cuối của Quảng Nam - Đà Nẵng, trước khi chia tỉnh, Hội nghị Tỉnh ủy đã bàn kỹ về bố trí cán bộ cho hai địa phương mới.
Tinh thần chung là ưu tiên cán bộ cho Quảng Nam vì Quảng Nam khó hơn nhiều so với Đà Nẵng. Cán bộ đi vào Quảng Nam không nhất thiết phải đông về số lượng, thiếu thì tạm thời để trống chỗ, sẽ từ từ tìm chọn nhân sự đảm bảo các mặt để bổ sung sau, còn ai đi vào Quảng Nam lúc này là phải đảm bảo chất lượng cán bộ, đủ sức chiến đấu để vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.
Tôi nhớ, lúc còn 3 ngày nữa là đến thời điểm các cơ quan của tỉnh sẽ về Tam Kỳ làm việc, chúng tôi từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ để nghe tình hình. Tôi nhớ hôm ấy trời mưa khá to, một đơn vị bộ đội của tỉnh vào Tam Kỳ đầu tiên đang lao động vất vả dưới mưa, chuẩn bị mặt bằng cho cơ quan vào làm việc. Anh em lao động không ngừng tay, họ vừa làm vừa hát vang bài “Quảng Nam yêu thương” nghe mà xúc động.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo lúc đó của tỉnh mang tinh thần và chí khí “rất Quảng Nam”. Mỗi khi khó khăn đến mức tưởng như không thể vượt qua được thì lúc ấy người Quảng Nam đã biết vùng đứng dậy và đi tiếp một cách kiên cường - lịch sử nhiều lần đã từng như thế. Chia tỉnh lần này lại thêm một lần thử thách.
Với ý chí và quyết tâm cao để vượt khó, nhất quyết phải đưa Quảng Nam tiến lên, không để trì trệ, không chịu đầu hàng khó khăn và tụt hậu. Lúc đó anh em hay nói với nhau là hành động “Vì tương lai Đất Quảng!”. Và đó là điều đọng lại rõ nét trong tôi đến tận bây giờ.