Đoàn kết - khó mấy cũng vượt qua
(Xuân Nhâm Dần) - Quảng Nam đi từ không đến có kể từ sau ngày tái lập tỉnh. Nhìn lại những chặng đường đã qua, ông Nguyễn Đức Hạt - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (giai đoạn 1997 - 2001) cho rằng, yếu tố quan trọng để xây dựng Quảng Nam như ngày nay là tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó đi lên, tất cả vì dân.
* Thưa ông, chủ trương chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng đã được bàn bạc, triển khai như thế nào tại địa phương trong thời điểm ấy?
Ông Nguyễn Đức Hạt: Đây là việc lớn, khó, phức tạp. Tỉnh ủy rất thận trọng, phải thảo luận qua nhiều cuộc họp, từ thường trực UBND tỉnh, thường trực Tỉnh ủy, rồi đến hội nghị liên tịch với Ủy ban MTTQ tỉnh mới đưa ra phương án: huyện Hòa Vang nhập vào TP.Đà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các huyện thị còn lại thuộc Quảng Nam.
Sau khi nghe phương án này cũng có nhiều ý kiến, nguyện vọng mà Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng phải tập trung giải quyết. Đầu tiên là các huyện thị gồm Điện Bàn, Hội An và kể cả huyện Hiên (Đông Giang, Tây Giang ngày nay) cũng muốn nhập vào Đà Nẵng.
Vì vậy mới có cuộc vận động hành lang; một số cán bộ lớn tuổi của Điện Bàn ra gặp anh Mai Thúc Lân nói: “Điện Bàn gắn liền với Đà Nẵng, có nhiều gắn bó trong chiến tranh, nên đưa Điện Bàn vào Đà Nẵng là phù hợp”. Tương tự một số cán bộ Hội An cũng ra gặp anh Trương Quang Được đề đạt nguyện vọng xin Hội An nhập vào Đà Nẵng.
Những nguyện vọng và ý kiến đề nghị đó còn tiếp tục đưa ra tại hội nghị HĐND tỉnh. Nhưng khi trao đổi, thảo luận kỹ, đều thấy rằng, đề xuất của Hội nghị liên tịch là phù hợp, vừa để cho Đà Nẵng và Quảng Nam đều có điều kiện phát triển, nên khi biểu quyết thì sự thống nhất cao.
* Việc phân chia cán bộ vào Quảng Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hạt: Sau khi giải quyết xong vấn đề địa giới hành chính, việc phân bổ cán bộ, ai ở Đà Nẵng, ai vào Quảng Nam cũng không đơn giản. Những người ở lại Đà Nẵng thì không có vấn đề gì. Nhưng những anh, chị em vào Quảng Nam thì không tránh khỏi những băn khoăn, vì hầu hết cán bộ từ lãnh đạo tỉnh đến anh chị em cán bộ, nhân viên, lâu nay gia đình đều sống ở Đà Nẵng, có chỗ ở ổn định.
Anh Lân, anh Được và tôi cũng nhận được những cuộc gọi điện thoại và cả những bức thư của một số cán bộ hưu trí xin cho con mình ở lại Đà Nẵng vì hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn. Kể sơ vậy để thấy cái khó lúc đó. Nhưng rồi, việc bố trí cán bộ cũng ổn thỏa, anh chị em vào Quảng Nam đều yên tâm và vui vẻ lên đường.
Tôi nhớ buổi tiễn đưa hôm ấy thật xúc động. Lúc đầu Thường vụ chủ trương ai được đi theo tiễn đoàn cán bộ vào đến Quảng Nam thì xe dán chữ A, nhưng sau đó nhiều anh em cũng muốn vào, nên Thường vụ quyết định không dán chữ trên xe nữa.
Đoàn xe nối đuôi nhau dài hàng cây số. Thế mới biết tình cảm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam thật thắm thiết. Như lời một bài hát rất xúc động: “Về với Quảng Nam như chưa hề có cuộc chia ly”.
* Sau ngày tái lập tỉnh, đời sống kinh tế, xã hội rất khó khăn, chúng ta đã vượt qua như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Hạt: Đúng là, kinh tế - xã hội của Quảng Nam rất khó khăn. Ngân sách lúc đó khoảng 130 tỷ đồng. Riêng công nghiệp chỉ bằng 1% của Đà Nẵng. Muốn khắc phục khó khăn để phát triển, Quảng Nam phải có định hướng đúng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Nam là tỉnh nông nghiệp, phải quan tâm đến phát triển nông nghiệp là đúng, nhưng muốn đột phá để đi nhanh hơn, phải chú ý phát triển công nghiệp vốn còn rất nhỏ lẻ.
Cùng với đó, tập trung phát triển du lịch dựa vào 2 di sản văn hóa là Hội An và Mỹ Sơn, tạo đà phát triển đồng bộ cho Quảng Nam; mặt khác phải biết huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn cho sự phát triển của tỉnh.
Vì ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải cân nhắc kỹ, việc nào cần làm trước, việc nào làm sau. Trước hết là cải tạo, nâng cấp, tiến tới thảm nhựa các trục đường chính lên các huyện miền núi, tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa miền xuôi với miền núi; đồng thời phải lo xây dựng bệnh viện, trường học (Quảng Nam phải có trường đại học), các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao.
Vì vậy, tại Tam Kỳ, một công trình được xây dựng sớm nhất là Trung tâm Văn hóa để làm nơi sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Sau đó mới tính đến việc xây dựng trụ sở Tỉnh ủy và hạ tầng đô thị Tam Kỳ.
* Nhìn lại chặng đường 25 năm tái lập tỉnh, cảm xúc của ông lúc này thế nào?
Ông Nguyễn Đức Hạt: So với chiều dài lịch sử, 25 năm chưa phải là nhiều, nhưng nhìn lại, chúng ta vô cùng vui mừng, phấn khởi và tự hào vì sự phát triển vượt bậc của Quảng Nam. Từ một tỉnh nghèo, hàng năm phải nhờ sự tài trợ của Trung ương, nay đã là một trong những tỉnh có đóng góp vào ngân sách của Trung ương.
Từ một tỉnh, công nghiệp gần như không có gì, nay đã có những khu công nghiệp thành công, như Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Khu kinh tế mở Chu Lai, cùng với sự phát triển của du lịch đã đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh.
Đặc biệt, từ trong gian khó đi lên, đội ngũ cán bộ càng trong khó khăn thử thách, càng đoàn kết, càng trưởng thành, không chỉ đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, mà còn đóng góp ở tầm quốc gia (có 5 đồng chí Bí thư và Chủ tịch tỉnh tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó 4 đồng chí được điều ra Trung ương, giữ trọng trách ở các bộ, ngành, 1 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, hiện nay có đồng chí là Chủ tịch nước, có đồng chí là Phó Chủ tịch Quốc hội).
Sự thành công trong công tác cán bộ suốt 25 năm qua cần được giữ gìn và phát huy, để rồi các lớp cán bộ kế tiếp nhau luôn vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần sáng tạo và ý chí vươn lên mạnh mẽ, được nhân dân tin tưởng. Có như vậy, dù khó khăn đến mấy, dù đó là thiên tai, bão lũ, hay dịch bệnh Covid-19, Quảng Nam vẫn vững vàng vượt qua, tiếp tục phát triển bền vững.
Nghĩ lại 25 năm qua đầy gian nan vất vả mà chúng ta đã vượt qua để có sự phát triển ấn tượng như ngày hôm nay, bất giác tôi nhớ một câu hát: “Đất Quảng Nam quê mình vươn tới vượt thời gian”.
Xin cảm ơn ông!