Ăn tết giữa rừng
(QNO) - Gác đi niềm vui đoàn tụ gia đình ngày Tết cổ truyền, những “người lính rừng” đang lặng lẽ gìn giữ màu xanh, bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn quốc gia Sông Thanh.
Trở lại khe Tà Vạt…
Lần thứ hai trở lại khe Tà Vạt, xã Đắc Pring (Nam Giang), nên chúng tôi lường trước được đoạn đường di chuyển để phân phối sức cho hợp lý. Hơn 3 giờ đồng hồ đi thuyền máy, lội bộ, vượt núi, băng rừng, đoàn đã đến được khu vực 14 hầm vàng nằm trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh bị đánh sập hồi tháng 6.2021. Thật khó xác định được vị trí chính thức của các hầm vàng bởi sau hơn 6 tháng bị đánh sập, giờ dây leo bụi rậm đã phủ kín mặt bằng. Trên những mô đất, mỏm đá, đã xuất hiện nhiều loại cây rừng tự nhiên mọc lên. Màu xanh đã trở lại trên những khu vực tưởng chừng đã “chết” vì nạn khai thác vàng trái phép.
Anh Trần Duy Minh - cán bộ Vườn Quốc gia Sông Thanh cho biết: "Từ sau khi tỉnh tổ chức đánh sập 75 hầm vàng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được chia thành 2 nhóm, với 20 anh em, chia nhau túc trực 24/24 giờ. Nhờ đó, các đối tượng “vàng tặc”, “lâm tặc” đã không còn đường quay lại. Giờ đây, qua đi tuần tra, anh em còn thấy những mang, nai, heo rừng quay trở lại khu vực này, thậm chí nhiều hôm mang còn xuống ăn rau cải của anh em đang trồng".
Còn theo anh Hiên Kiều - nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách của Vườn quốc gia Sông Thanh, mỗi chuyến đi rừng của anh em thường kéo dài từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ, có định vị GPRS đánh dấu mốc trên từng khu vực đã đánh sập hầm vàng. Bán kính di chuyển lên đến hơn 20km đường rừng, từ khe Tà Vạt, qua Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2. "Bãi vàng khu vực Thạnh Mỹ đã tồn tại hơn 40 năm nay, bây giờ đã không còn thấy bóng dáng người lạ mặt xuất hiện ở đây nữa" - anh Kiều nói.
Tất niên trong rừng sâu
"Đây là năm đầu tiên Vườn quốc gia Sông Thanh tổ chức cho cán bộ, lực lượng giữ rừng chuyên trách, ăn tết giữa rừng. 70% quân số sẽ trực chiến 24/24 giờ tại các điểm nóng, các nơi vừa đánh sập hầm vàng", ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Sông Thanh thông tin.
Để lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng yên tâm tư tưởng, đơn vị đã cấp lương tháng 1, tháng 2 từ rất sớm; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tăng thêm khẩu phần ăn tại các điểm chốt cho lực lượng trực. Và những ngày qua, lãnh đạo Vườn quốc gia Sông Thanh đã trực tiếp đến các điểm chốt sâu trong rừng già để động viên, chia sẻ và chúc tết anh em trực.
Ngoài ra, Vườn quốc gia Sông Thanh còn thành lập tổ cơ động sẵn sàng ứng chiến khi có tình huống xảy ra, tổ cơ động được bố trí đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ, sẵn sàng lên đường khi cần thiết và dưới sự điều động trực tiếp của lãnh đạo đơn vị. Ông Hồng nói: "Tết này, anh em chúng tôi xác định bám rừng, giữ rừng, để không tái diễn những vụ vi phạm lâm luật trong khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh".
Chứng kiến bữa cơm tất niên ở khe Tà Vạt, chúng tôi cảm nhận được tinh thần chuẩn bị “ăn tết rừng” của lực lượng giữ rừng miền biên giới. Giữa rừng sâu, cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng cũng chuẩn bị đầy đủ các món ngày tết của đồng bào Cơ Tu như: Zà rá, cơm lam, bánh sừng trâu, đặc biệt là bánh chưng và dưa món.
Theo anh Hoàng Ngọc Hùng - Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Vườn quốc gia Sông Thanh, tết này anh trực ca một, động viên các nhân viên giữ rừng chuyên trách cùng đón tết trong rừng. "Gần 10 năm bám rừng, song đây là năm đầu tiên đón tết trong rừng, cũng có chút nổi niềm với gia đình, vợ con. Song, với trách nhiệm của một “người lính rừng” bản thân tôi sẽ cùng với anh em quyết tâm giữ cho những cánh rừng mãi xanh trong mùa xuân mới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị giao phó" - anh Hùng bộc bạch.
Tết là dịp đoàn viên, quay quần bên người thân, gia đình nhưng vì công việc đặc thù, cán bộ kiểm lâm và nhân viên của Vườn quốc gia Sông Thanh chọn những cánh rừng già sâu thẳm để đón tết. Với họ, tết bình yên cho những cánh rừng già cũng là cái tết vui nhất và yên bình nhất.