Cọ xát, rèn luyện để trưởng thành

HÀN GIANG 30/01/2022 09:07

(Xuân Nhâm Dần) - Sẵn sàng đi cơ sởTròn một năm rưỡi được điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, cọ xát với thực tiễn ở vị trí công tác mới, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh chia sẻ, công tác cán bộ cực kỳ khó khăn, nhạy cảm vì liên quan đến con người.

Song, người đứng đầu cấp ủy thật sự khách quan, công tâm, kết nối được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ thì sẽ làm tốt công tác này. Bà Thanh dẫn chứng, đối với Bắc Trà My, ban đầu gặp nhiều khó khăn trong luân chuyển cán bộ là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã.

Nhưng với sự quyết tâm của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy, hiện nay tâm thế của các đồng chí bí thư đảng ủy cấp xã là sẵn sàng luân chuyển làm bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch UBND của một xã nào đó. Các đồng chí trưởng, phó phòng cấp huyện cũng sẵn sàng đi cơ sở theo yêu cầu của công tác cán bộ.

Cán bộ xã Ch’Ơm (Tây Giang) hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc vườn ươm giống đảng sâm. Ảnh: N.Đ
Cán bộ xã Ch’Ơm (Tây Giang) hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc vườn ươm giống đảng sâm. Ảnh: N.Đ

Bà Tuyết Thanh nói, việc lựa chọn nhân sự từ nơi đi sang nơi đến phải phù hợp văn hóa, điều kiện thực tế nhằm phát huy tốt năng lực cán bộ, như trường hợp đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trà Đông được điều động làm Chủ tịch UBND xã Trà Giang.

Để đi đến quyết định, qua nắm tình hình thực tế, Ban Thường vụ Huyện ủy nhận thấy, thời điểm đó Trà Đông đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đồng chí bí thư đảng ủy xã này đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ, trong khi đó xã Trà Giang phải hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo định hướng của huyện.

Mặt khác, Bí thư Đảng ủy xã Trà Đông từng kinh qua chức vụ chủ tịch UBND xã nên phù hợp để luân chuyển làm Chủ tịch UBND xã Trà Giang.

Tại huyện Thăng Bình, thực hiện công tác luân chuyển để đào tạo cán bộ và chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt 2 cấp (xã, huyện) không phải là người địa phương, có 42 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nói: “Việc điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ đã tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là người trẻ có triển vọng, nằm trong quy hoạch được rèn luyện, thử thách từ thực tiễn.

Công tác này bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, thiếu hụt nhân sự chủ chốt, nhất là các địa phương có nhiều dự án trọng điểm và gặp khó khăn về công tác cán bộ”.

Ngăn ngừa “chạy chức”, “chạy quyền”

“Mỗi cán bộ phải phấn đấu rèn luyện để đủ lượng và chất. Ở đây, lượng là quá trình học tập, rèn luyện đủ tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu về bằng cấp. Chất là phải thay đổi để có khả năng đáp ứng ở các vị trí được giao đảm nhiệm, giải quyết được những vấn đề nơi công tác đặt ra. Từng vị trí công việc tốt, cả hệ thống sẽ hoạt động tốt”.

(Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín)

Nghị quyết về công tác cán bộ của Tỉnh ủy (khóa XXII) đặt ra mục tiêu trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; trong đó có tập trung xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp đủ sức giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Theo ông Nguyễn Chín - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cái thiếu hiện nay của cán bộ là chất lượng chiều sâu năng lực quản trị xã hội, năng lực xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn ở các vị trí công tác từ cơ sở đến tỉnh vẫn còn hạn chế.

Lần này, chương trình thực hiện nghị quyết được đồng bộ với các đề án, có tiêu chí để phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm đào tạo cán bộ lâu dài, có chất lượng, đáp ứng đòi hỏi cho các nhiệm kỳ tiếp theo.

Ông Nguyễn Chín nói, định hướng của Quảng Nam là tập trung nâng cao chất lượng công tác cán bộ, với quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có đức có tài, đủ lượng, đủ chất.

Đây là việc khó, rất quan trọng, phải làm liên tục, kiên trì, nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, cả hệ thống chính trị phải thay đổi nhận thức về công tác cán bộ, góp phần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cán bộ.

Trong quá trình như vậy, phải tránh và chống cho được “chạy chức”, “chạy quyền”. “Phải hết sức ngăn ngừa nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, vì chính nó làm “méo mó” quyết tâm của cán bộ, làm mất niềm tin của nhân dân” - ông Chín nhấn mạnh.

HÀN GIANG