Giai đoạn mới, Quảng Nam cần gì?
(Xuân Nhâm Dần) - Tôi còn nhớ, thời kỳ đầu tái lập tỉnh, liên tục cả chục năm trời đội ngũ lãnh đạo của tỉnh đã làm việc hết mình, không “lợi ích nhóm”, trong sáng vô tư vì sự phát triển của Quảng Nam, vừa có tầm nhìn xa và rộng, vừa có giải pháp cụ thể phù hợp để đột phá, quyết đoán mạnh mẽ và dám chịu trách nhiệm về công việc. Phát huy truyền thống của “vùng đất mở”, tập trung nghiên cứu các cơ chế để phát huy sức mạnh tại chỗ và thu hút đầu tư vào Quảng Nam, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn nhất để có thể triển khai ngay công việc với tinh thần “thời gian là lực lượng”.
Vì thế, trong một giai đoạn ngắn đã khởi động, thúc đẩy và quyết tâm vượt qua các cản trở để đi tới, triển khai có kết quả các dự án lớn về phát triển Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, trung tâm du lịch Hội An, Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh và hàng vạn kilomet giao thông nông thôn, Trường Đại học Quảng Nam, một số bệnh viện và trường học, các cụm công nghiệp cấp huyện…
Nếu vẫn duy trì được theo đà ấy, giữ lâu được khí thế đó, với cách làm việc đó, thì đến nay chắc tình hình Quảng Nam còn khá hơn nhiều. Tiếc là một số năm gần đây, tình hình không được như thế, có nguyên nhân khách quan và chủ quan, mà chủ quan là chính. Tiên trách kỷ là vậy.
Nhìn nhận như vậy, để biết tiếp theo Quảng Nam phải làm gì có thể phát triển mạnh và bền vững? Câu hỏi này lãnh đạo tỉnh sẽ trả lời. Ý kiến tham gia của mọi người là góp những tiếng nói tư vấn, đề xuất để lãnh đạo địa phương xem xét và quyết định.
Tiếp tục ưu tiên công nghiệp - dịch vụ
Theo tôi, trước nhất là phải kiên định giữ định hướng phát triển mà lâu nay tập thể đã cùng nhau thảo luận và xác định trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Đó là chuyển từ một tỉnh vốn thuần nông chủ yếu là sản xuất lương thực tự cấp tự túc sang tỉnh công nghiệp và dịch vụ.
Tất nhiên vẫn có nông nghiệp lâu dài nhưng sẽ theo hướng khác. Trong đó dịch vụ sẽ là lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tương lai. Dịch vụ du lịch, cảng biển và sân bay, trung chuyển hàng hóa và tài chính, giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe.
Với thực trạng Quảng Nam hiện nay, khi nói đến các loại dịch vụ này thì nhiều thứ có thể cảm thấy còn xa vời, nhưng cần phải nhìn xa và tính chuyện lớn cho lịch sử lâu dài.
Công nghiệp thì theo hướng công nghệ sạch, công nghiệp phụ trợ và giá trị gia tăng nhiều. Nói chung không phát triển gia công lắp ráp (trừ gia công số hóa và lắp ráp máy bay). Ưu tiên khuyến khích công nghệ cao. Những ngành nào ô nhiễm môi trường thì nhất quyết không làm.
Những ngành giải quyết nhiều lao động giản đơn thì phát triển có tính chất giai đoạn một vài thập niên trước mắt. Nông nghiệp thì chú ý nguyên dược liệu giá trị cao, thực phẩm sạch và cây cảnh.
Lúa nước chỉ nên duy trì diện tích vừa phải để sản xuất gạo chất lượng cao, còn chuyển dần sang các loại cây trồng cạn, tưới nước ít, để dành nguồn nước lâu dài cho công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Theo đuổi đến cùng dự án chiến lược
Phải quyết chí thúc đẩy đến cùng một số dự án lớn, có tính chất chiến lược và ý nghĩa đột phá, tạo động lực cho các vùng lân cận và tác động ra toàn tỉnh, nhất là phát triển mạnh khu vực vùng đông và mở kết nối với khu vực phía tây của tỉnh.
Đó là những dự án du lịch 4 - 5 sao tại các cụm ở khu vực gần biển từ Điện Bàn đến Núi Thành; một số dự án ở phía tây nơi có mặt bằng với độ cao đủ mát quanh năm và cạnh các hồ lớn có cảnh quan đẹp.
Đó là dự án sân bay Chu Lai trung chuyển và cảng biển Kỳ Hà gắn với khu thương mại tự do phi thuế quan. Mở rộng các Khu công nghiệp Tam Hiệp - Tam Anh, khu Tam Thăng ra phía Thăng Bình và một số nhà máy lẻ chế biến nông sản nguyên liệu ở khu vực phía tây.
Đặc biệt lưu ý dự án Đô thị Đại học ở khu vực Phú Ninh, sau này sẽ lan dần sang phía tây Thăng Bình và hình thành một số khu công nghệ cao vừa là nơi sản xuất thử nghiệm của các trường đại học công nghệ vừa là sản xuất đại trà hàng xuất khẩu.
Dự án đô thị đại học có ý nghĩa lâu dài rất đặc biệt, là chiến lược về sử dụng và tạo ra các giá trị khoa học - công nghệ có hàm lượng chất xám cao của thời đại công nghiệp lần thứ 4. Đó là một đô thị sinh thái có nhiều trường đại học trong nước và quốc tế, gắn với môi trường thuận tiện cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
Để bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ lâu dài môi trường đầu tư phát triển, môi trường du lịch và giáo dục đào tạo, cần đầu tư và thúc đẩy một số dự án quan trọng về phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe, quam tâm y tế dự phòng và y tế công nghệ cao.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
Giải pháp thường xuyên và quan trọng nhất sắp tới là thực hiện cơ chế thoáng mở và cải cách mạnh mẽ thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, trước nhất là đối với lĩnh vực đầu tư phát triển, thu hút nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy lưu thông.
Trước đây lập Ban Quản lý Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai là để chuyên trách thúc đẩy một số dự án lớn, quản lý quy hoạch và thực hiện thủ tục một cửa để giải quyết thủ tục nhanh nhất (khi ấy chưa có một cửa chung của tỉnh).
Hiện nay, dư luận từ các nhà đầu tư cho rằng môi trường đầu tư ở Quảng Nam còn nhiều hạn chế, thủ tục đầu tư giải quyết chậm, có cái kéo dài rất nhiều năm và vẫn nhiều cửa, nhiều cấp, đẩy qua đẩy lại, trùng lặp và chồng chéo; có việc không lớn nhưng không ai giải quyết, ngại thanh tra, kiểm tra, báo chí.
Nên lắng nghe và rà soát kỹ lại để không bị chồng chéo giữa KTM và một cửa chung của tỉnh (để không thành 2 cửa); giữa KTM và huyện thị, ngành (phân công KTM lo mấy dự án lớn, còn lại giao huyện và ngành thực hiện bình thường); giữa một cửa và các ngành (nếu giữ hết các cửa thì sẽ tăng thêm cửa chứ không phải giảm); giữa Ủy ban, Hội đồng và Thường vụ (Thường vụ định kỳ cho ý kiến về chủ trương lớn, về quan điểm định hướng, còn điều hành là công việc của Ủy ban).
Quyết định ở công tác cán bộ
Về tư tưởng, nên thống nhất cao quan điểm chung: Vì sự phát triển của Quảng Nam. Đừng để vì lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm mà cản trở công việc. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Quyết định nhất vẫn là cán bộ. Đó là cán bộ lãnh đạo và công tác cán bộ, trước nhất là cấp tỉnh. Lãnh đạo cần ra sức nâng cao năng lực để đủ sức đáp ứng cho yêu cầu công việc trong giai đoạn mới, ra sức suy nghĩ và lắng nghe nhiều để có quyết định đúng, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm.
Không cục bộ địa phương, không “phe nhóm”, dám và biết sử dụng những cán bộ “hay cãi”, có năng lực tư duy độc lập chứ không phải dạ dạ vâng vâng...