Hương khói cuối năm...

BẢO ANH 28/01/2022 08:42

Đã thành lệ, cứ sau 20 tháng Chạp hằng năm, Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam lại tổ chức đi viếng mộ, dâng hương các văn nghệ sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Tác giả bài viết thắp hương tại di tích hầm bí mật nơi nhà văn Chu Cẩm Phong và đồng đội hy sinh tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên.
Tác giả bài viết thắp hương tại di tích hầm bí mật nơi nhà văn Chu Cẩm Phong và đồng đội hy sinh tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên.

Trong 20 năm chiến tranh, hàng chục văn nghệ sĩ quê Quảng Nam, Đà Nẵng và từ một số tỉnh miền Bắc đã đến sống, chiến đấu, sáng tác trên mảnh đất Quảng Nam đầy gian khổ và ác liệt. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống.

Trà My, Hiệp Đức là nơi nhà thơ Nguyễn Mỹ, họa sĩ Nguyễn Xuân An, họa sĩ Hà Xuân Phong hy sinh. Điện Bàn, Duy Xuyên là nơi nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà văn - nhà báo Chu Cẩm Phong, nhà thơ Nguyễn Hồng, nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý, nhà báo - nhà thơ Nguyễn Trọng Định, nhạc sĩ Văn Cận... ngã xuống.

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần này, chúng tôi lại đi viếng hương các anh, các chị. Trước khi đi, chúng tôi ra Đà Nẵng thăm nhà văn Hồ Duy Lệ - nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam, vừa để báo tin và nhân tiện mời anh cùng tham gia viếng hương.

Hóa ra, anh đã tự đi viếng trước đó mấy ngày. Anh bảo, nghỉ hưu, thời gian rộng rãi, nên khi thấy không khí tết bắt đầu rộn ràng thì anh nhớ và đi mà không báo cho hội biết, “vì ngại các anh cuối năm bận rộn khó thu xếp”.

Rồi anh nhắc lại điều mà anh đã dặn dò chúng tôi trước khi nghỉ hưu: “Bằng cái tình văn nghệ, mỗi năm cố gắng đến viếng hương ít nhất một lần, tốt nhất là dịp tết cổ truyền của dân tộc, để các anh các chị ấy được ấm lòng...”.

Các văn nghệ sĩ hy sinh trên đất Quảng Nam khi còn rất trẻ. Đến nay một số người đã được gia đình, đồng đội đưa về quê, quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng cũng có người vẫn còn nằm lại đất Quảng, xa họ hàng, bà con ruột thịt...

Không thể biết các anh, các chị đang nương trú chốn nào, đã về với quê cha đất mẹ hay vẫn còn lưu luyến với xứ Quảng, với những dòng sông, con suối, cánh đồng... - nơi các anh các chị đã chiến đấu và giã từ thanh xuân. Thành ra, khi tổ chức viếng hương, ngoài mộ phần, nếu điều kiện cho phép thì Hội VHNT Quảng Nam còn viếng cả ở nơi các anh chị hy sinh.

Mỗi nén nhang cắm xuống, khói lại tỏa quyện vào đất trời, chắc là sẽ tìm gặp các chị, các anh... Mỗi phần lễ, ngoài kẹo bánh và trái cây, còn có bia, rượu, thuốc lá nữa, và không thể thiếu hoa. Lúc còn sống, chẳng phải các anh các chị đã từng ao ước đến ngày hòa bình được ăn một bữa ngon, được uống một bữa say, được ngắm một trời hoa đầy sắc màu đó sao?!

Riêng với nhà thơ Nguyễn Hồng, trong phần lễ dâng cúng không thể thiếu lon sữa đặc - một món xa xỉ thời ấy mà anh từng ước ao. Với nghệ sĩ múa Phương Thảo, hoa phải là hoa trắng - trắng như tâm hồn mãi mãi tuổi 23 thanh xuân của chị và cũng là màu mà chị hằng yêu thích...

Những ngày áp Tết Nguyên đán Nhâm Dần này, chúng tôi lại tìm về với các anh, các chị. Khói nhang ấm áp lại tỏa về trời, hòa vào cùng vô tận, tìm đến các anh chị để tri ân, để tưởng nhớ và để báo cho các anh chị biết rằng thêm một mùa xuân nữa lại về trên quê hương, đất nước tươi đẹp của chúng ta...

BẢO ANH