Bài học "phá thế"
“Cái khó bó cái khôn”, đó là câu nói cửa miệng trong dân gian. Nhưng nhìn lại mấy trăm năm qua, dường như lịch sử đã cho thấy nhiều bài học ngược lại với những lần “phá thế” của những người đi trước lẫn hôm nay ở xứ Quảng…
Hai câu chuyện cũ ở Quảng Nam
Sau chiến tranh, cả vùng cát phía đông huyện Thăng Bình và Duy Xuyên không còn lấy một cây tre vì cày ủi và chất độc khai quang. Làng mạc chỉ thông thống cát với cát.
Người dân ở đó quay về làng cũ sau chiến tranh chợt thấy rằng thiếu cái gì cũng có thể xoay xở được, nhưng thiếu đôi đũa thì phải đi hàng chục cây số mới tìm được gốc tre mang về vót đũa. Mấy gia đình tản cư từ Đà Nẵng về nghe nói giữ đôi đũa rất kỹ sau mỗi bữa ăn vì sợ… ai đó lấy mất!
Một nhà văn đi thực tế ở vùng này, hỏi một chị phụ nữ điều gì đáng lo nhất? Chị nói tĩnh queo: “Lo thiếu đũa anh à!”. Quả nhiên trong một đám cưới mấy trăm người, anh chủ tịch xã do quá bực mình vì thiếu đũa đã la lớn: “Tới đôi đũa cũng không có mà ăn...”.
Chẳng thể ngờ chuyện thiếu đũa trở thành một nguồn cơn kỳ lạ. Cả vùng cát mấy chục nghìn dân sau chiến tranh đã trở thành một vành đai xanh với phong trào trồng nhiều tre dọc sông Trường Giang để… chống sạt lở bờ sông, rồi tiếp theo là những rừng dương bạt ngàn chống cát bay lấp ruộng, mở ra ba vụ lúa. Xã Bình Dương (Thăng Bình) bốn lần anh hùng trong chiến tranh và hòa bình như một kỳ tích bắt đầu là như vậy!
Lại nhắc đến một “Anh hùng lao động” khác ở Quảng Nam là ông chủ nhiệm hợp tác xã Lưu Ban ở Duy Xuyên. Làm chủ nhiệm một hợp tác xã nông nghiệp ở vùng đất bán sơn địa khô cằn, ông Lưu Ban đã biết tập hợp sức mạnh của nông dân, lắng nghe họ hiến kế “trong nỗi khao khát vô cùng về đất đai” để đưa vùng Duy Sơn trở thành vựa lúa đạt 13 tấn/ha khi mà nhiều vùng khác còn đang thiếu nước tưới lẫn sức kéo.
Sinh thời ông luôn nói rằng chính sự cần cù, chịu thương khó và cả tâm trí để cải tiến nông cụ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giải quyết nước tưới quanh năm bằng hệ thống thủy nông theo địa hình tại chỗ.
Đến khi ông tranh thủ được sự ủng hộ của Linh mục Nguyễn Trường Thăng ở giáo xứ Trà Kiệu thì nảy ra ý tưởng làm thủy điện ở quê nhà… Cha xứ tìm dịch tài liệu, ông chạy đến các nhà khoa học, các quan chức chính quyền để xin chính sách, khi niềm tin được củng cố, ông ra tận trung ương xin cơ chế lẫn vật tư.
Vậy là từ cuối những năm 1980, một thủy điện nhỏ 300MW đã phát điện để rồi nâng lên 800 và 1.500MW, bán điện cho cả lưới quốc gia. Hệ thống đập tràn tự nhiên của hồ chứa bây giờ biến thành một thác nước để Duy Sơn mở ra điểm du lịch sinh thái. Khi được trao danh hiệu Anh hùng Lao động, ông dùng hết tiền thưởng mua… kẹo về phát cho trẻ con ở quê.
Lưu Ban là một mẫu hình anh hùng thứ thiệt. Đến nỗi sau khi nghỉ việc, bàn giao cho lớp trẻ, ông đã hiến kế mở ra các cơ sở dệt may, nông dân trẻ từ rất sớm đã “ly nông bất ly hương”. Ở quê mà vẫn làm công nghiệp như Duy Sơn từ trước năm 2000 đã trở thành mô hình của cả Quảng Nam…
“Cụ là người có ý chí, luôn nghĩ đến dân và khi đã tin tưởng việc gì thì làm hết sức mình, đến cuối đời vẫn sống thanh đạm…” - Linh mục Nguyễn Trường Thăng đã nhận xét ngắn gọn như vậy khi về lại Duy Sơn để tiễn đưa ông Lưu Ban lúc ông qua đời vào cuối năm 2009 và được nhân dân đóng góp dựng tượng ngay tại thủy điện Duy Sơn.
Nhưng câu chuyện vui buồn lẫn lộn ấy cho thấy người dân Việt chúng ta luôn tìm ra cách giải quyết vấn đề khó khăn trong đời sống bằng cả ý chí và sự sáng tạo đến bất ngờ của họ. Họ yêu thương nhau trong mục đích đã nhìn thấy rõ!
Câu chuyện từ 400 năm trước
Bốn trăm năm trước, Cristofori đã viết ở Hội An về chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn: “Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán này (với nước ngoài) bằng thuế hàng hóa và thuế xuất khẩu và cả nước đều kiếm được rất nhiều mối lợi không thể tả hết”, vì: “Phương châm của người Đàng Trong là không khi nào tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới...”.
Xứ Đàng Trong năm 1621 của C.Borri vẫn đọng lại cho đến ngày nay về khí chất của người Quảng Nam: “Từ tính tình trọng khách và sự ăn ở giản dị mà họ rất đoàn kết với nhau, hiểu biết nhau, đối xử nhau rất thành thật, trong sáng, như thể tất cả là anh em nhau…”. Nhờ đó mà từ quan đến dân đã góp phần tạo cho xứ sở một xã hội ổn định và mau chóng thịnh vượng, mặc dù luôn phải ứng phó với sự đe dọa từ bên ngoài.
Cũng trên đất Đàng Trong năm 1784, có ba con thuyền chở gạo của Nhật đã bị bão gió đánh dạt vào, 2 chiếc ở Hội An và chiếc thứ ba vào Gia Định. Trong chiếc thứ 3, những người không may qua đời đã được đưa vào chùa chôn cất đúng nghi thức, còn người sống sót đã được nuôi ăn ở, thuốc men, tiền tiêu vặt hàng ngày ở kinh thành Gia Long.
Hai lần được quốc vương đến thăm, tặng quà và gởi cho một thuyền buôn Macao đưa về nước. Đó là thời kỳ tranh chấp quyết liệt giữa Tây Sơn và Gia Long, cũng là giai đoạn Mạc phủ Tokugawa bế môn ở Nhật.
Tác giả Shihoken Seishi tuy khá bí ẩn, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng đó chính là bút danh khác của Kimura Kenkado (1737 - 1802) ở Osaka đã viết lại thiên ký sự Nam Biều - An Nam du ký để mô tả hành trình hơn 6 tháng của toán thủy thủ này.
Seishi mô tả xứ An Nam khá sinh động, từ đồ dùng hàng ngày, thức ăn, chợ búa, cách nấu cơm, làm bún, làm tiết canh của người dân… Đàn ông và đàn bà thì ăn trầu cau, răng nhuộm đen.
Vui nhất là câu văn hóm hỉnh sau đây sau khi đã nêu lên nhiều điều khác nhau so với nước Nhật: “Có một điều hoàn toàn giống ở nước Nhật là tiếng khóc của lũ trẻ và tiếng tụng kinh của các nhà sư!”.
Vai trò của phụ nữ rất quan trọng ở Đàng Trong, họ rất thông minh, luôn cần mẫn lo toan việc buôn bán. Sau khi lược qua nhiều sản vật ở chợ, các loại vải vóc, muối, thịt cá, rau quả “nhiều vô kể”, tác giả còn cho biết lúc đó ở chợ Việt đã có bán cả củ cà rốt và các loại giấy quấn thuốc, sách in, rong biển nhập từ Quảng Đông, Trung Quốc. Đặc biệt lúc đó An Nam đã xuất khẩu lượng gạo lớn đến thị trường Ma Cao.
Dù là đàn ông hay phụ nữ, họ đều cư xử hết sức lịch thiệp, chân thành và tốt bụng. Gặp các thủy thủ Nhật ngoài đường, dù là người lánh nạn, họ đều chào mời đến nhà uống trà, mổ gà, giết heo, làm tiết canh uống rượu hoặc mời ăn bánh, có khi rủ đi coi hát, rất hiếu khách.
Thú vị nhất là Seishi đã mô tả chiếc nôi đan bằng tre và mây, cột 4 sợi dây lên trần nhà, có cả màn che muỗi, đung đưa ru trẻ ngủ một cách an toàn. “Đây thực sự là món đồ rất kỳ thú và hết sức sáng tạo”. Seishi còn tả cảnh ngày tết ở Đàng Trong mà ông rất yêu thích, đó là lễ dựng nêu, mặc đồ mới đi chúc tụng nhau trong đêm giao thừa, sau đó là ăn tiệc, uống rượu ngâm thơ…
Những năm cuối thế kỷ 18 ấy: “Lễ là nền tảng của trăm nết. Ngay thẳng, kính cẩn, hiếu đễ đều là lễ! Ở đất nước An Nam, từ những chuyện liên quan đến chính trị, cho tới những chuyện của bách tính đều chính đáng theo lễ, người người đều kính cẩn tôn trọng nhau, con cái thì luôn tận hiếu, không khác gì ở đất nước ta (tức Nhật Bản)”.
Qua Nam Biều ký, ta còn thấy phảng phất đâu đó tâm hồn và tính nết của người Đàng Trong, dẫu là trong một giai đoạn đầy biến động những năm cuối thế kỷ 18, đó chính là lòng tốt, sự hiếu khách, óc sáng tạo, tình thương yêu nhau trong cộng đồng của con người Đàng Trong.
* *
*
Từ câu chuyện phủ xanh vùng cát phía đông Thăng Bình và sự tận tụy vượt lên số phận của nông dân Lưu Ban ở Quảng Nam, tôi đã vô cùng thích thú khi đọc lại “Xứ Đàng Trong” của Bori và Nam Biều ký của Seishi để thấy rằng, “người ta đã nói về mình” như thế nào trong lịch sử.
Và chúng ta có thể dễ dàng ngộ ra rằng, chính đặc điểm “lòng tốt, sự hiếu khách, óc sáng tạo, tình thương yêu nhau trong cộng đồng” ấy đã được hun đúc từ mấy trăm năm trước của ông cha ta. Người Đàng Trong, người Quảng bằng tình thương yêu và sự thủy chung ấy đã luôn luôn phá cái thế khó của mỗi thời đại, không để nó “bó cái khôn” để đứng lên.
Và mới đây, khi trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhân dịp sắp tới kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (1997 - 2022), ông cũng đề cập lại mô hình Khu kinh tế mở Chu Lai từ năm 2002 đến nay cũng thuộc trong cung cách phá thế ấy!
Trong lúc cơ chế chưa thay đổi, còn nhiều bất cập, địa phương đã phải tự xoay xở để góp phần biến một tỉnh trắng về công nghiệp năm 1997 trở thành tỉnh công nghiệp với sân bay, cảng biển, có nguồn thu lớn…
“Việc hình thành Khu công nghiệp ô tô và cơ khí đa dụng THACO cũng là do nỗ lực của địa phương cùng với quyết tâm của nhà đầu tư mà tự hình thành. Các chương trình, dự án phát triển của Chu Lai như đã biết cũng do địa phương tự hoạch định…”.
“Phá thế” mà sáng tạo, vượt qua khó khăn để vươn lên vì dân vì nước, đó là cốt cách một vùng đất từ trong lịch sử…