Kể chuyện làng biển xưa

LÊ VĂN CHƯƠNG 24/01/2022 18:39

Đà Nẵng giờ đã lên phố, nhưng vẫn có thể tìm được hình ảnh về làng chài xưa cũ.

Chi tiết chạm khắc trên thuyền, kết cấu, màu sơn đều giữ nguyên nét của thuyền cổ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Chi tiết chạm khắc trên thuyền, kết cấu, màu sơn đều giữ nguyên nét của thuyền cổ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Bão tàng Đà Nẵng trưng bày những tấm ảnh về làng biển trong quá khứ, con tem của Pháp với hình ảnh làng chài Tourane (Đà Nẵng), những chiếc thuyền gắn 2 cánh buồm, những lão ngư bên những tấm lưới gai phơi trải trên bãi biển... Những chiếc ghe kiểu cổ đó bây giờ vẫn hoạt động ở làng chài Mân Thái.

Chất liệu tre, thông

Tại phường Mân Thái, khu vực nằm ở đường Võ Nguyên Giáp, các ngư dân kéo tre, thông và cùng nhau tạo thế đòn bẩy để vặn xoắn dây, kết nối các đoạn cây, làm càng nhũi tôm gắn vào mũi ghe. Nhìn những cuộn dây thừng quấn ở mũi ghe, màu sơn đỏ gụ, những chi tiết hoa mai nhỏ li ti dọc trên mũi thuyền, sạp lót trên sàn thuyền là những tấm phên tre, tôi nhận ra con thuyền này vẫn giữ nguyên đường nét của một chiếc ghe cổ được chụp ảnh và trưng bày trong Bảo tàng Đà Nẵng. Có khoảng 40 chiếc thuyền cổ nằm rải rác ở khu vực này.

Hình ảnh đưa vào bảo tàng thường là những thứ thuộc về dĩ vãng và đã lùi xa. Nhưng trái ngược lại, những chiếc ghe mang phong cách xưa cũ vẫn tồn tại giữa phố thị đang lướt nhanh sang thời 4.0. Trong quá khứ, tre là một loại vật liệu phổ biến để đóng một chiếc thuyền đi biển. Phần long, cốt, be, giang, đà được đóng bằng gỗ sến mũ, bô bô, lim đỏ, nhưng rồi vẫn cần đến tre. Tre được vạt mỏng và đan thành phên để áp vào bụng thuyền, sau đó trét phân bò, quét một lớp dầu rái chống thấm. Tàu cá hiện đại đã loại tre ra khỏi thành phần vật liệu đóng thuyền.

Ngư dân Nguyễn Đức Lợi sơn phết lại thân chiếc ghe bằng màu sơn mà người cha, ông nội, ông cố đã sử dụng từ cả trăm năm trước. Anh Lợi năm nay 42 tuổi, nhưng tính cách vẫn là người hoài cổ, níu giữ lại nét xưa của làng chài Đà Nẵng. Anh nói về việc gia đình mấy đời làm nghề biển, thuyền hồi giờ sơn màu sậm của gỗ và tới đời anh thì vẫn giữ nguyên kiểu ghe, so với thời tân tiến hiện nay thì đoàn thuyền ở phường Mân Thái rõ ràng là những chiếc thuyền kiểu cổ.

Tôi từng được lão ngư Nguyễn Văn Báng (sinh năm 1937) ở làng chài này kể chuyện về thuyền buồm, cảnh chèo chống trên biển và phải luôn có một người bắt nhịp bằng các bài hát, nội dung kể về chuyện đời, chuyện xóm làng, thân phận người phụ nữ về nhà chồng, nghĩa tình thủy chung: “Phía bên chồng em đừng phụ nghĩa bên qua em đừng lìa/ Anh dặn em như khóa dặn chìa/ Sống trên dương gian kết bạn mà lìa đừng bỏ anh…”.

Lần này gặp lại các ngư dân trẻ, ai cũng nói từng nghe người lớn hát bài này, nhưng lớp trẻ không ai ghi chép lại nên cũng mai một dần. Cứ phải vài người mới ráp nối hoàn chỉnh được những câu hò để bắt nhịp mái chèo, ra vùng nước 30 sải để đánh cá: “Chèo ghe ra biển múc dầu/ Hỏi thăm cô Bốn xức dầu bớt chưa/ Xuống dưới ghe em chèo em chống/ Lương tâm lạc lõng ông trời hay chăng là…”.

Đoàn thuyền cổ ở làng chài Mân Thái hiện nay chủ yếu làm nghề xúc tép, thả lưới bắt tôm con. Đây là một nghề làm chơi nhưng ăn thiệt. Bởi vì ngư dân chỉ cần đầu tư hơn 100 triệu đồng là sắm được một chiếc thuyền cổ, nếu mua lại thuyền cũ thì giá chừng 50 triệu. Chủ thuyền được ăn chia 4 phần, còn bạn tính theo tỷ lệ thu nhập. Các ngư dân cho biết, chỉ trong 5 tháng đánh bắt, ngư dân đi bạn có thể kiếm được 70 đến 100 triệu đồng. Một công việc gắn với truyền thống gia đình, những chuyến đi biển trong ngày như thời vài chục năm trước, vì vậy nhiều thanh niên vẫn lẳng lặng gắn bó với con thuyền, mặc kệ sau lưng họ là phố xá tấp nập, đèn màu nhấp nháy.

Tồn tại nương nhờ

“Máy 3T, hắn 30 năm rồi, nhưng chạy vẫn tốt, cứ 5 năm làm lại giàn hơi, còn mỗi năm hết mùa thì trùng tu sơ sơ” - ngư dân Phan Thanh Sang cắm cúi bên chiếc máy nổ phịch phịch từng nhịp và nói thật to để át tiếng nổ. Tiếp xúc với các ngư dân, tôi có dịp so sánh được rằng, giống như người dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), làn sóng du lịch đã khiến người dân bản địa nói âm giọng địa phương của Quảng Nam, Đà Nẵng thay đổi (chừ, mô, ni, tê, hắn, rứa, ni…). Nhưng ở làng chài cổ này, các ngư dân vẫn giữ nguyên những từ địa phương, cho tới cách phát âm.

Máy 3T là loại máy Yanmar của Nhật Bản, sản xuất cách đây hơn 30 năm, công suất 33 mã lực. Cách đây 50 năm, ngư dân sử dụng loại máy chỉ có 1 pít tông, sau đó là pít tông đôi, đến đời máy 3T (3 pít tông) thì dừng lại cho đến bây giờ. Lý do được các lão ngư dân kể lại rằng, với chiếc ghe nhỏ, sức chở vừa phải thì chỉ lắp máy cỡ đó là vừa; nếu lắp máy lớn, nâng cấp kích thước thuyền thì vẻ thuyền cổ sẽ không còn nữa.

Những tấm ảnh chụp vào khoảng năm 1960, ghe thuyền ở làng biển Đà Nẵng thường có những thanh ngang ở phần mũi và phía sau. Những chiếc thuyền hiện tại vẫn giữ nguyên thiết kế này. Hai đầu thanh ngang được quấn dây thừng, trông giống những chiếc thuyền trong các phim kiếm hiệp. Thời trước, những thanh ngang trên thuyền là nơi để treo đèn măng sông, hoặc đèn gió, mỗi thuyền mang theo 6 chiếc đèn để có ánh sáng thu hút luồng cá.

Thỉnh thoảng, báo chí khi đưa tin về tình hình mưa bão ở Đà Nẵng, thường có kèm hình ảnh những chiếc thuyền nhỏ được kéo lên bờ, đặt lên trục bánh xe để đưa sâu vào trong đất liền, đó là những chiếc thuyền cổ ở làng chài Mân Thái. Khu vực những chiếc thuyền neo trên bãi là những lô đất đã được kẻ, vẽ, phân lô, được nhiều người mua đi, bán lại.

Mỗi chiếc thuyền cổ thời trước, khi mở biển thì mang theo hàng chục bó cây trông như bó mía nhỏ, đó là các bó trúc. Vợ các ngư dân chặt cây trúc trên núi Sơn Trà, bó lại thật chặt để tạo thành những bó đuốc. Đuốc phải được buộc chặt để cháy ngún, kéo dài thời gian, giúp thu hút luồng cá. Sau mỗi phiên biển trở về, các ngư dân lại treo lưới gai phơi nắng, các bà vợ lên núi để hái quả dỏ dẻ, trộn lẫn với nhựa thông, làm thuốc nhuộm màu lưới để thu hút cá. Còn thuyền cổ bây giờ, mỗi khi mở biển thì chỉ cần mang theo can dầu nhỏ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Anh ở Đà Nẵng cho biết, kết cấu thuyền ở Mân Thái vẫn giữ được nét của thuyền của nhiều chục năm trước. Trước đây, bà con đào xuống nền cát một hố tương ứng với bụng thuyền, sau đó lận mê tre, ráp ván để cho ra đời những chiếc thuyền như hiện nay.

LÊ VĂN CHƯƠNG