Trên trận địa canh trời
Ra đời tại Nước Nẻ, Phước Sơn, vào tháng 12.1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt, Lữ đoàn Pháo Phòng không 573 đã chiến đấu anh dũng, diệt nhiều máy bay địch, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống vẻ vang, thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay luôn vững vàng trên mâm pháo, nêu cao cảnh giác, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao.
“Keng keng keng…” - tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên. Các khẩu đội của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 nhanh chóng cơ động ra vị trí chiếm lĩnh trận địa, chỉ trong chớp nhoáng đã lấp đầy các mâm pháo và từng vị trí chiến đấu.
Từ khu vực chỉ huy, Đại đội trưởng phất cờ kết hợp hạ khẩu lệnh dõng dạc, dứt khoát, chỉ huy bộ phận trinh sát sục sạo tìm kiếm, bám sát mục tiêu, cập nhật tình hình liên tục. Từng khẩu đội nhanh chóng kiểm tra binh khí, lấy thăng bằng, thống nhất điểm ngắm.
Người dõi mắt tìm mục tiêu, người điều chỉnh tầm, hướng, người nạp đạn… phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp, đưa các nòng pháo 57mm hướng về mục tiêu sẵn sàng “khai hỏa”.
Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trong giờ nghỉ giải lao chúng tôi được biết, cùng với huấn luyện chuyên sâu, trong học tập, sinh hoạt hằng ngày, đơn vị luôn chú trọng rèn luyện khẩu khí, tác phong cho bộ đội.
Trên cơ sở luyện cho mỗi quân nhân thuần thục động tác, kỹ thuật cá nhân, sau đó mới tổ chức hợp luyện, phối hợp hiệp đồng giữa các bộ phận. Đồng thời gắn huấn luyện với thực hành và làm công tác chuẩn bị chiến đấu, kết hợp huấn luyện chiến thuật chuyên ngành với tăng cường huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện đêm…
Qua đó không ngừng rèn luyện kỹ năng sử dụng khí tài, khả năng thích ứng với môi trường tác chiến và tác phong chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội.
Thượng tá Vương Đức Vũ - Lữ đoàn trưởng cho hay: “Chúng tôi xác định, huấn luyện có tốt thì nền nếp canh trực sẵn sàng chiến đấu mới duy trì hiệu quả. Do vậy, đơn vị thực hiện nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến đấu ở các cấp, nắm chắc tình hình trên không, mặt đất kịp thời, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Quá trình huấn luyện, tuân thủ quy trình từ thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp; huấn luyện thuần thục cá nhân, binh khí đến kỹ thuật, rồi hiệp đồng phân đội nhỏ và đến huấn luyện toàn kíp chiến đấu.
Kết hợp học mới ôn cũ, học đến đâu chắc đến đấy, tăng cường huấn luyện ban đêm khi thời tiết xấu, huấn luyện cơ động nhanh, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, làm tốt công tác cổ động thao trường, đưa chiến lệ các trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao trong kháng chiến chống Mỹ vào bài giảng…”.
Phối hợp cùng khẩu đội triển khai khí tài chiến đấu, Binh nhất Phạm Quang Trường, Pháo thủ 1 Khẩu đội 2 (Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1) nói: “Lên mâm pháo là vào vị trí chiến đấu, chúng tôi luyện tập xử lý các tình huống thành kỹ năng, kỹ xảo. Đơn vị còn cho hoán đổi vị trí giữa các số, để mỗi người không những giỏi việc mình mà còn thuần thục các vị trí khác, từ đó phối hợp được nhịp nhàng hơn và có phương án thay thế cho nhau khi có tình huống”.
Ra thao trường động viên bộ đội, Đại tá Trần Văn Hương - Chính ủy Lữ đoàn chia sẻ: “Là đơn vị ra đời và lập nhiều chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Lữ đoàn luôn thi đua luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao.
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn và nhiệm vụ cấp trên giao, đơn vị xây dựng nhiều phương án đánh địch đột nhập đường không, triển khai cho bộ đội luyện tập thường xuyên. Nhiều năm liền Lữ đoàn giữ vững danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”, dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng khối 4 Lữ đoàn binh chủng chiến đấu của Quân khu 5”.
Trên trận địa, mặc cho gió lạnh rít từng cơn, các pháo thủ vẫn vững vàng trên mâm pháo. Viết tiếp truyền thống vẻ vang, bộ đội canh trời càng mài sắc khí thế “Vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện tập”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán này không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đó là ý chí, quyết tâm và lời thề son sắt của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo Phòng không 573, vì sự bình yên của vùng trời miền Trung - Tây Nguyên.