Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xin tận thu quặng thải: Người dân địa phương lo ngại ô nhiễm môi trường
Nhiều lần chứng kiến nước suối Đăk Sa đổi màu bất thường, người dân lẫn chính quyền xã Phước Đức (Phước Sơn) bày tỏ lo lắng khi có thông tin Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xin được tận thu quặng từ bùn thải của nhà máy vàng.
Anh H.V.M, ở thôn 4 (xã Phước Đức) tỏ ra bức xúc khi nhiều lần phát hiện nước suối đổi màu, gây ngứa ngáy khó chịu. Theo anh M., người dân địa phương đã nhiều lần phát hiện nước suối đổi màu, ô nhiễm, có mùi hôi, kéo dài hàng cây số.
Bà con trước đây thường chăn thả gia súc ngoài rẫy, nghi do uống nước bị nhiễm bẩn khiến gia súc bị đau bụng, người dân cũng không dám sử dụng nước suối để tắm giặt như trước.
Anh M. thông tin, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị, nhưng sau một thời gian lại diễn ra tình trạng nước bị ô nhiễm. Bà con địa phương lo lắng nếu cứ xả thải, về lâu dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức khỏe của dân.
Ông Hồ Văn Điền - Chủ tịch UBND xã Phước Đức cho biết, địa phương chưa nhận được văn bản hay thông báo chính thức nào về việc doanh nghiệp xin tận thu bùn thải. Tuy nhiên, nếu được cấp phép tận thu sẽ là vấn đề rất đáng lo.
“Số lượng chất thải sau khi tận thu sẽ xả đi đâu hay chảy ra suối Đăk Sa, trong khi đã nhiều lần người dân lẫn chính quyền ghi nhận tình trạng nước suối đổi màu, đục. Lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở, ngay cả chính quyền xã cũng rất lo. Nhiều lần tại các cuộc họp, bà con đều ý kiến về vấn đề xả thải của công ty vàng” - ông Điền nói.
Trước đó, vào cuối tháng 12.2021, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh, Tổng cục Môi trường và Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, đề cập đến việc xem xét, cho phép thu hồi khoáng sản tại mỏ vàng Đăk Sa của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn.
Văn bản này được ban hành sau khi Công ty TNHH Vàng Phước Sơn có công văn gửi Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đề nghị xem xét, cho phép lập hồ sơ thu hồi số quặng chì, vàng, bạc trong hồ chứa 50.000 tấn bùn tại mỏ vàng Đắk Sa mà công ty này thải ra trong thời gian qua.
Theo nội dung công văn của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, sau thời gian dài hoạt động, hiện tại hồ 2B của mỏ vàng đã chứa lượng bùn thải có dung tích khoảng 20.000 - 25.000m3, tương ứng khoảng 40.000 - 50.000 tấn bùn thải.
Trong bùn thải này có hàm lượng chì tương đối cao. Công ty này mong muốn được cho phép tận thu khoáng sản đi kèm qua thu hồi chì trong bùn thải tại mỏ vàng Đăk Sa bằng công nghệ tuyển nổi.
Liên quan việc Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xin tận thu từ bãi bùn thải, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, do doanh nghiệp đơn phương xin ý kiến của Bộ Tài nguyên - môi trường, nên còn quá sớm để đề cập đến quan điểm của địa phương về việc này.
Một doanh nghiệp gửi đơn yêu cầu ngăn chặn
Liên quan đến vụ việc, Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Công nghiệp 6666 (Công ty 6666) đã gửi đơn đến tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường đề nghị ngăn chặn Công ty TNHH vàng Phước Sơn tận thu, chế biến xái quặng (bùn thải sau khi đã thu hồi vàng) từ đập thải nhà máy vàng Phước Sơn.
Theo đại diện doanh nghiệp, tháng 9.2013, đơn vị ký hợp đồng tận thu đuôi quặng thải trong thời gian 10 năm với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn. Từ năm 2017 - 2020, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu, chuyển đổi cổ đông, Công ty 6666 cũng phải tạm dừng hoạt động.
Năm 2020, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn hoạt động lại, Công ty 6666 nhiều lần gửi văn bản xin vận chuyển xái quặng từ nhà máy vàng về nhà xưởng riêng theo hợp đồng nhưng chưa được giải quyết. Doanh nghiệp này thông tin, đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, Công ty 6666 gặp rất nhiều khó khăn do phải dừng hoạt động. Cho rằng việc Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xin phép tận thu chế biến xái quặng từ đập thải nhà máy vàng là không thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết, Công ty 6666 đề nghị tỉnh xem xét, có biện pháp ngăn chặn Công ty TNHH Vàng Phước Sơn thực hiện các thủ tục tận thu chế biến xái quặng từ đập thải của nhà máy vàng này.