Để sông nước bình yên
Năm 2021, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo ATGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Trong đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATGT tại các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, điều kiện hoạt động của bến, của phương tiện và chủ phương tiện, người lái cùng việc chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông ĐTNĐ.
Năm qua, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi tiềm ẩn tai nạn giao thông như chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người quy định, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, vi phạm về điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên. Các cán bộ chiến sĩ của phòng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 62 trường hợp với gần 345,6 triệu đồng.
Có thể thấy, con số nêu trên còn khá “khiêm tốn” so với mức độ vi phạm thực tế ĐTNĐ. Trường hợp người dân sử dụng ghe thô sơ đi lại sản xuất, vận chuyển hàng hóa nhưng không mặc áo phao, không có bằng lái, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm diễn ra tràn lan.
Tại các bến đò ngang chở khách, việc mặc áo phao chỉ thực hiện khi thấy lực lượng chức năng. Ghe chở cát quá vạch dấu mớn nước an toàn; vi phạm hành lang an toàn ĐTNĐ diễn ra nhan nhản...
Ngày 1.1.2022, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ đã chính thức có hiệu lực thi hành. Mức xử phạt tăng đáng kể, mục đích nhằm răn đe, đánh động vào ý thức của người dân.
Chẳng hạn, người, hành khách không mặc áo phao hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà,...) sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (Nghị định 132/2015/NĐ-CP chỉ phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng).
Người điều khiển phương tiện cũng bị phạt 1 triệu đồng nếu không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm cho người, hành khách. Thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị phạt tới 35 triệu đồng. Hy vọng, với sự vào cuộc xử phạt nghiêm theo nghị định mới cùng ý thức tuân thủ của người dân, ATGT đường thủy sẽ được giữ vững trong thời gian tới.