Thanh Hà nỗ lực duy trì nghề gốm
Trước tác động của dịch Covid-19, những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An) chủ động khai thác thị trường nội địa và thực hiện các kênh mua bán trực tuyến để duy trì nghề truyền thống.
Linh hoạt theo thế khó
Kể từ tháng 3.2020 đến nay, làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An) vắng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm vì dịch Covid-19. Trước những khó khăn về đầu ra, các cơ sở nghề gốm ở làng đã chuyển đổi sang hình thức bán hàng online.
Nghệ nhân làng nghề chia sẻ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chào bán trên mạng và kết nối với người mua có nhu cầu. Sự chuyển hướng phương thức bán hàng này cũng là xu thế tất yếu trong thương mại toàn cầu hiện nay.
Ông Nguyễn Xê - người dân làng nghề chia sẻ, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, khách du lịch ít đến tham quan, số lượng sản phẩm bán ra thị trường cũng giảm đi rõ rệt. Tết năm nay, do ngành du lịch bị ách tắc, lượng khách thưa thớt, cơ sở sản xuất gốm của ông Xê đã chủ động cân đối số lượng mặt hàng, tập trung vào sản xuất những mặt hàng như nồi, niêu… phục vụ đời sống để bán tại các chợ địa phương.
“Những mặt hàng như nồi niêu có giá giao động 40 - 60 nghìn đồng, cũng đủ để gia đình trang trải qua mùa dịch. Hiện tại Hội An đang dần khôi phục du lịch, tôi mong sao có thể thu hút các đoàn khách đến thăm làng nghề để làng gốm Thanh Hà có sức sống như xưa” - ông Xê trông mong.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nghề không vì thế mà “ngủ yên”. Bên trong cánh cổng làng nghề, các nghệ nhân làng gốm vẫn cần mẫn sản xuất, tìm cách khắc phục qua cơn dịch này.
Nghệ nhân Lê Quốc Tuấn - chủ cơ sở sản xuất ở làng gốm Thanh Hà cho hay, khó khăn do dịch Covid-19 đã thúc đẩy làng nghề đi tìm hướng khác để tồn tại. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm đầu ra qua kênh giao dịch trực tuyến.
Để thu hút khách hàng, anh Tuấn thường xuyên cập nhật các mặt hàng với nhiều mẫu mã, chất liệu kèm theo thông báo giá sản phẩm công khai trên mạng xã hội để khách hàng tham khảo.
“Đôi lúc phải chấp nhận bán giá “mềm” hơn trước nhưng bán được là vui rồi, lãi ít cũng được, duy trì được việc làm cho người thân trong gia đình để qua mùa dịch mới quan trọng” - anh Tuấn nói.
Tìm hướng đi bền vững
Chuyển hướng kinh doanh online cũng là lựa chọn của Cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy. Chị Trần Thị Tuyết Nhung - chủ cơ sở sản xuất cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày xưởng của chị đón hơn 1.000 khách du lịch theo tour đến tham quan thực tế.
Nhưng từ khi vắng khách vì dịch bệnh, cơ sở sản xuất gốm của chị đã chủ động giới thiệu bán mặt hàng qua facebook, zalo..., nhờ đó thu hút được lượng khách hàng tương đối. Trung bình mỗi tháng cơ sở của chị làm ra 50 - 60 sản phẩm gốm tráng men, được bày bán qua website, fanpage và zalo, tùy theo chất lượng mà tác phẩm gốm có giá 200 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang trực tuyến ở làng gốm chỉ mang tính chất tình thế. Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, để chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, tay nghề của người lao động, trình độ quản trị doanh nghiệp... để giao dịch online hiệu quả. Mặc dù gặp khó khăn song các cơ sở sản xuất gốm Thanh Hà vẫn tin tưởng đại dịch sớm được kiểm soát, làng nghề gốm sẽ đón khách tấp nập như xưa.
“Mong sao dịch Covid-19 sẽ qua mau, cùng với sự hỗ trợ chính quyền các cấp sẽ có những chương trình khởi động du lịch thu hút khách trong và ngoài nước đến Hội An, để làng nghề gốm Thanh Hà lại rộn rã như xưa” - ông Nguyễn Xê bày tỏ.